(HNM) - Sự hy sinh của Nguyễn Văn Trỗi và lời hô của anh còn vang vọng mãi ngàn năm, thúc giục thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ, phấn đấu vươn lên kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chuẩn bị cho chiến tranh đặc biệt ở miền Nam, Mỹ tăng cường cố vấn quân sự, phương tiện chiến tranh, đưa quân trực tiếp tham chiến, gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Biệt động Thành nhận tin, ngày 2-5-1964, Robert Mc Namara, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu phái đoàn quân sự Mỹ đến Sài Gòn thị sát, chuẩn bị cho những âm mưu mới. Nguyễn Văn Trỗi được giao nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý để tiêu diệt phái đoàn này và Mc Namara. Công việc bị lộ, anh bị bắt lúc 22h ngày 9-5-1964. Địch giam anh ở khám Chí Hòa 5 tháng và trong thời gian đó, có rất nhiều kế hoạch giải cứu anh nhưng tất cả đều không thành.
Từ đất nước Venezuela ở Mỹ la tinh, khi nghe tin Nguyễn Văn Trỗi đang bị giam chờ ngày thi hành án tử hình, du kích Venezuela đã tổ chức bắt sống viên sĩ quan Mỹ (Michael Smolen) ngay trên đường phố thủ đô Caracats và đưa ra yêu sách đòi chính quyền Sài Gòn trả tự do cho anh thì sẽ trả tự do cho viên sĩ quan này. Nhưng ngay sau khi viên sĩ quan Mỹ được trả tự do, chính quyền Sài Gòn đã đưa anh Trỗi ra xử bắn tại sân sau nhà lao khám Chí Hòa lúc 9h45 ngày 15-10-1964, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài.
Sự hy sinh của Nguyễn Văn Trỗi và lời hô của anh còn vang vọng mãi ngàn năm. |
9 phút trên pháp trường, trước họng súng của quân thù, Nguyễn Văn Trỗi đã hô vang những khẩu hiệu yêu nước: Hãy nhớ lấy lời tôi - Đả đảo đế quốc Mỹ! - Đả đảo Nguyễn Khánh! - Hồ Chí Minh muôn năm...! - Việt Nam muôn năm! Đó là những phút làm nên lịch sử của người anh hùng. Nhiều nhà báo có mặt xúc động, cảm phục còn kẻ thù run sợ. Hành động của anh, lời nói của anh đã làm rung động hàng triệu trái tim yêu nước, yêu hòa bình của Việt Nam và bạn bè trên toàn thế giới.
Ngày 17-10-1964, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là các cháu thanh niên học tập".
Đúng vậy, sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước và trở thành cảm hứng cho nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ trong nhiều tác phẩm. Nhà thơ Tố Hữu có bài thơ "Hãy nhớ lấy lời tôi" và không chỉ là đầu đề bài thơ của Tố Hữu, đó còn là tên của một tập thơ viết về anh. Sau khi Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, báo chí miền Bắc xuất hiện hàng trăm bài thơ, ca khúc, vở kịch, bộ phim ca ngợi anh; tượng anh được dựng lên tại các công viên, tên anh được đặt cho các trường học. Tập truyện ký "Sống như Anh" của nhà văn Trần Đình Vân, ấn hành hàng chục vạn bản, làm sách gối đầu giường cho thanh niên. "Sống như Anh" đối với thanh niên Việt Nam như "Thép đã tôi thế đấy" với thanh niên Liên Xô. Đạo diễn Bùi Đình Hạc có bộ phim tài liệu Nguyễn Văn Trỗi và vào năm 1966, ông cùng Lý Thái Bảo đạo diễn bộ phim truyện về anh. Đặc biệt, thời gian này, có một ca khúc gây ấn tượng đặc biệt, đó là bài hát "Lời anh vọng mãi ngàn năm" của nhạc sĩ Vũ Thanh. Bài hát vang lên với ca từ dung dị, nồng ấm, với giai điệu ngợi ca, khâm phục, đầy sức lay động tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trên các chiến trường xông lên tiêu diệt quân xâm lược.
Năm mươi năm qua, sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường còn đó, tạc vào thời gian, bất tử với non sông đất nước, để lại cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam lý tưởng chiến đấu bất khuất, kiên trung trước quân thù, quyết giành độc lập tự do cho đất nước. Sự hy sinh của Nguyễn Văn Trỗi và lời hô của anh còn vang vọng mãi ngàn năm, thúc giục thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ, phấn đấu vươn lên kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.