Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Văn Nhã- Người nặng lòng với công an Hà Nội

ANHTHU| 08/04/2007 10:06

(HNM) - Nguyễn Văn Nhã là HLV cuối cùng của CA Hà Nội. Ngót 10 năm huấn luyện đội 1 CA Hà Nội, dù thành tích của đội bóng này không quá nổi bật nhưng ông vẫn được nhớ đến bởi cái tài phát hiện người tài...

(HNM) - Nguyễn Văn Nhã là HLV cuối cùng của CA Hà Nội. Ngót 10 năm huấn luyện đội 1 CA Hà Nội, dù thành tích của đội bóng này không quá nổi bật nhưng ông vẫn được nhớ đến bởi cái tài phát hiện người tài...

Cú lên hạng không ngờ !

Những ngày Nguyễn Văn Nhã dùi mài kiến thức huấn luyện ở trường ĐH TDTT Trung ương I (dân trong nghề gọi ngắn gọn là trường Từ Sơn) cũng là lúc đội bóng CA Hà Nội của ông xuống hạng, một cú sốc cho những người hâm mộ đội bóng này. Đến lúc ông học chuyên tu bóng đá xong, đội bóng vẫn chưa lên hạng. Năm 1991, ông trở về đội, được giao huấn luyện đội trẻ. Hai năm ông huấn luyện đội cũng là thời gian mà những người yêu mến cái tên CA Hà Nội đau đáu chờ ngày đội bóng thân yêu của mình lên hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam. Nhưng càng hy vọng càng thất vọng. Có năm, CA Hà Nội dự vòng bảng khu vực có 3 đội chọn 2 đi dự vòng chung kết lên hạng. Nào ngờ CA Hà Nội thua luôn ở vòng này và nỗi đau ấy chẳng kém nỗi đau lên hạng. Thậm chí đã có lúc được bổ sung cả một số cầu thủ Thể Công nhưng CA Hà Nội vẫn không thể trở lại hạng đấu cao nhất.

Năm 1994, sau cuộc lên hạng bất thành, Nguyễn Văn Nhã đang từ đội 2 được đưa lên huấn luyện đội 1 với mục tiêu thăng hạng trong 2-3 năm sau. Nhìn vào lực lượng CA Hà Nội lúc bấy giờ, ai cũng thấy mục tiêu đó là thực tế bởi lớp cầu thủ kỳ cựu đã giải nghệ, số cầu thủ mượn từ Thể Công, lực lượng CA Hà Nội toàn cầu thủ trẻ.

Chuẩn bị cho giải hạng nhất năm ấy, Nguyễn Văn Nhã đưa lên đội 1 những cái tên lạ hoắc như Nguyễn Tuấn Thành, Đỗ Thành Tôn, Nguyễn Bật Hưng; lấy thủ môn Trần Quốc Trung từ Nam Định về, tin dùng Vũ Minh Hiếu - mùa trước còn đá dự bị. Lứa cầu thủ trẻ còn non kinh nghiệm, thể lực được cho đi rèn giũa ở Thanh Hóa,Nghệ An. Mỗi nơi đội trú lại mấy tuần và đấu tập với các đội bóng địa phương. Bài rèn quân ấy phát huy tác dụng với lớp cầu thủ trẻ. Khí hậu khắc nghiệt của những nơi du đấu giúp cầu thủ của ông có thể lực sung mãn; sự cọ xát liên tục giúp kinh nghiệm thi đấu của họ dày dạn hơn nên vài tháng sau đội đi một lèo lên hạng đội mạnh trong sự ngỡ ngàng của nhiều người, trong đó có chính HLV Nguyễn Văn Nhã. Dù ông Nhã có ngỡ ngàng mấy thì mọi người vẫn phải ghi công đầu cho ông bởi đội bóng non trẻ kia vào tay người khác chưa biết chừng còn ngụp lặn ở giải hạng nhất dài dài.

Người đi tìm ngọc thô thiện nghệ

Để có một CA Hà Nội đầy khó chịu của những năm cuối 1990 đầu 2000, nếu chỉ trông vào lực lượng cầu thủ trưởng thành từ hệ thống đào tạo của Hà Nội thì cực khó. Khó, bởi chất lượng đào tạo những năm ấy không cao. Vì thế, cách duy nhất để tồn tại của CA Hà Nội dưới thời HLV Nguyễn Văn Nhã là phải tìm cầu thủ từ nhiều nguồn. Đưa quân đi tập ở đâu ông cũng nghe ngóng xem có cầu thủ nào ưng ý để mời thi đấu cho CA Hà Nội. Ai đưa cầu thủ đến ông cũng nhận để xem có đào tạo được không và thường thì ông thử đào tạo bằng mọi cách, nếu không còn phương án nào phù hợp với trình độ cầu thủ đó mới thôi. Cho dù là HLV đội trẻ hay đội 1 thì ông cũng được tiếng là tinh mắt. Với người này cầu thủ kia chẳng là cái gì, nhưng khi vào tay ông lại trở thành một cầu thủ được nhiều người chấp nhận về trình độ. Chuyện như vậy nhiều không kể hết. Chỉ xin đưa ra một số ví dụ.

Những năm 1990-1991, đội trẻ CA Hà Nội và Thể Công tập cùng trên sân Cột Cờ. Bố Nguyễn Tuấn Thành (sau này là tiền đạo nổi tiếng của CA Hà Nội) dù trong ngành công an vẫn đưa con từ Hưng Yên lên xin theo tập ở Thể Công vì dù sao nơi này có tiếng về đào tạo cầu thủ, điều kiện cơ sở vật chất tốt (chính HLV Nguyễn Văn Nhã cũng phải công nhận như vậy). Nhưng các HLV đội trẻ Thể Công không nhận vì Thành nhỏ con. Sau đó người bố mới dẫn Thành sang đội trẻ CA Hà Nội, tập cách đấy có cái vạch vôi. Cũng có chút tự ái khi mình chỉ là sự lựa chọn số 2 nhưng nghĩ rằng đang cần người nên ông Nhã vẫn nhận lời để Thành tập cùng đội. Nhìn cậu bé tập được vài buổi, ông Nhã quyết định nhận vì thấy Thành có động tác kỹ thuật nhỏ tốt, lỳ đòn và nhất là có tốc độ chẳng kém tiền đạo tài danh của CA Hà Nội thuở trước - Từ Như Hiển. Cũng vì vậy mà từ đó cái tên Tuấn Thành đi liền với biệt danh “gà tre”.

Trường hợp tiền vệ Bật Hưng lại bắt đầu từ một chuyến tập huấn tại Hải Phòng. Lúc ấy Hưng vẫn tập ở đội trẻ Hải Phòng và những cầu thủ có trình độ như Hưng ở Hải Phòng thì nhiều nhưng với CA Hà Nội lại là của hiếm. Vì thế khi ngỏ lời mời Hưng về CA Hà Nội và được cầu thủ này đồng ý, ông Nhã mừng ra mặt. Về CA Hà Nội Bật Hưng trở thành tiền vệ cánh sắc sảo, có lúc được gọi vào đội tuyển quốc gia. Nếu ở Hải Phòng chưa chắc sự nghiệp của cầu thủ này đã cất cánh.

Việc ông Nguyễn Văn Nhã “bắt” được Trần Hải Lâm lại là một chuyện khác. Lúc đội CA Hà Nội tập ở sân Suối Hoa (Bắc Ninh), Hải Lâm là một trong nhiều cậu bé địa phương ra xem. Lúc ấy Lâm còn chưa biết đá bóng, còn sút bóng bằng mũi chân. Nhưng ngắm kỹ thấy cậu bé có thể hình đẹp (cao 1,80m), có thể lực và trong cách sút bóng vụng về kia tiềm ẩn khả năng chơi bóng có nét nên ông Nhã quyết định đưa cậu bé vào tập năng khiếu. Một thời gian sau Hải Lâm trở thành thành viên của đội, nổi tiếng ở Hoàng Anh Gia Lai và được gọi vào đội Olympic. Dù Lâm dính vào vụ bán độ ở SEA Games 23 nhưng vẫn được công nhận là cầu thủ có tài. Cái tài đó đã được khai phá bởi một cái tên quen thuộc trong làng túc cầu Việt Nam - Nguyễn Văn Nhã.

Thùy An

Còn nữa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Văn Nhã- Người nặng lòng với công an Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.