Qua những cuộc trò chuyện, chân dung Nguyễn Trung Hiếu dần dần hiện rõ: hiền lành - tự ti, thật thà - dè chừng, lãng mạn - cô đơn, yêu đời - mặc cảm. Mỗi lần trò chuyện với ông là một lần tôi phải ghé vai đẩy cánh cửa tâm hồn ông mở rộng thêm một chút.
Qua những cuộc trò chuyện, chân dung Nguyễn Trung Hiếu dần dần hiện rõ: hiền lành - tự ti, thật thà - dè chừng, lãng mạn - cô đơn, yêu đời - mặc cảm. Mỗi lần trò chuyện với ông là một lần tôi phải ghé vai đẩy cánh cửa tâm hồn ông mở rộng thêm một chút.
Đôi khi ông thay đổi tâm trạng đột ngột, lúc cười khà khà kể chuyện vui, lúc lại lo lắng, dè chừng. Phải mất một thời gian khá dài, ông Hiếu mới chịu chia sẻ những góc u buồn của cuộc đời ông. Mỗi lần được nghe một câu chuyện ông kể là một lần câu hỏi về thân phận chiến tranh lại day dứt trong tôi. Bao giờ thì chiến tranh mới thật sự chấm dứt đây? Quê hương thương nhớ
Sau khi nghe tôi đọc qua điện thoại lá thư của Thủ tướng Phan Văn Khải gửi báo Tuổi Trẻ, ông Hiếu im lặng rất lâu. Ba ngày sau, qua điện thoại ông nói với tôi phía Nhà nước đã có tấm lòng như vậy đối với ông, ông rất cảm ơn. Rồi ông cởi mở kể về những kỷ niệm quê hương. Ông nói nhiều đêm ông khó ngủ vì nhớ quá.
Ông chỉ đường về quê: “Từ Trà Vinh đi qua huyện Cầu Ngang là tới Bến Giá”. Dù gia đình chuyển tới Sài Gòn từ khi chưa đầy 10 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ những giồng cát trồng dưa hấu, da dẻ người đàn ông Bến Giá đen đúa vì hàng trăm gánh nước tưới dưa mỗi ngày. Người dân giản dị chất phác đến nỗi đi chân đất dự đám cưới, “chỉ biết làm mỗi hai việc là nhậu và bắt cá lên ăn”.
Bến Giá có cốm dẹp làm món gì cũng ngon, có chợ nhỏ độc đáo họp lúc nửa đêm về sáng dành cho người dân trao đổi những sản vật gia đình. Rời quê do chiến sự, cả nhà ông thất thểu đi bộ hơn 30km tới Cầu Ngang, bắt xe đi Sài Gòn và bắt đầu cuộc sống mới. Ba làm nghề hớt tóc dạo, mẹ làm nghề bán bánh dạo, Hiếu được gửi đi học Trường dòng Nguyễn Duy Khang, một trường dành cho trẻ em nghèo nằm gần cô nhi viện Gò Vấp.
Cậu học sinh Trường Nguyễn Duy Khang ngày xưa vẫn còn nhớ cha Tiên mù tốt bụng, nhớ con đường đi đến nhà thờ, nhớ đám bạn tinh quái chờ đến ngày mưa để hò nhau kìm lại những chiếc taxi sùng sục muốn thoát khỏi vũng nước sâu. Hiếu vẫn nhớ và muốn tới thăm cô bạn gái ở Thị Nghè từng chung bước trên con đường đến trường... và nhớ má, nhớ quay quắt.
Khi tôi trò chuyện với ông Hiếu qua điện thoại, mỗi lần tôi hỏi thăm má là ông gạt phắt đi như phải bỏng. Mãi cho đến hôm gặp được ông ở nhà riêng, ông mới chịu cởi mở: “Ba tôi mất năm 1962, khi tôi mới 13 tuổi. Một mình má bé nhỏ gồng gánh nuôi sáu anh em. Tôi lớn lên rồi đi xa nhà, tôi là con cả, lẽ ra phải ở gần bên má để phụng dưỡng mới phải”. Hiện nay bà đang sống ở Sóc Trăng cùng với gia đình người con trai thứ bệnh nặng vì uống quá nhiều rượu, việc chăm sóc bà do con dâu lo liệu.
Trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, người con trai xa nhà từng viết cho má mấy câu thơ: Trên tay má tách trà nóng hổi / Có trăng làm đường sóng sánh trôi / Trăng pha nỗi nhớ sao buồn quá / Biết đến bao giờ mới phôi pha.
Những ám ảnh đầu đời
18 tuổi, học trường dòng chưa xong thì Nguyễn Trung Hiếu bị bắt lính. Vì được học tiếng Pháp từ trong trường nên Hiếu được cho là có năng khiếu ngoại ngữ và được cử đi học tiếng Anh tại trường sinh ngữ quân đội và sẵn sàng chờ để được “bốc” đi làm phiên dịch khi cần thiết. Hiếu bắt đầu học những bài học đầu tiên của đời lính: nói tục chửi thề để lấn át nỗi sợ hãi, đối diện với tử thần.
Nguyễn Trung Hiếu từng thoát chết một cách thần kỳ. Ông Hiếu kể: “Hồi tôi 18 tuổi, tôi được ngủ trong căn phòng 4x10m có giường nệm nên ngủ rất say. Một sáng tỉnh dậy, thấy quanh chỗ mình nằm la liệt mảnh đạn, tôi đếm được hơn 100 mảnh mà mình vẫn không sao. Thì ra đêm trước có pháo kích, mọi người cùng đơn vị đi ẩn náu hết cả, riêng mình tôi ngủ say quá không hề biết. Vậy mà còn sống”.
Nhưng chiến tranh không tha cho những người bạn của Hiếu. Người bạn đầu tiên của ông đã chết sau một trận đánh. Hôm ấy ông Hiếu được “bốc” đi làm thông dịch. Vì vốn ngoại ngữ còn non, nên một người lính nói được cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh được giao đi cùng với Hiếu. Xong nhiệm vụ trở về căn cứ, Hiếu không thấy bạn mình đâu liền chạy đi hỏi viên đại úy. Lạnh lùng, viên đại úy chỉ tay vào chiếc bao bọc xác gần đó. Chàng trai ngoan đạo chưa đầy 19 tuổi chết sững trong nỗi khiếp đảm.
Cũng gần đây, ông Hiếu mới chịu kể câu chuyện về người bạn mà ông mang ơn suốt đời. Người đó tên là Đức, cũng từng là thông dịch viên cho đơn vị của Frederic Whitehurst. Đức có cá tính mạnh, rất thẳng thắn và thông minh, có đủ bản lĩnh để tranh luận với chỉ huy trong nhiều trường hợp.
Đối với Nguyễn Trung Hiếu, Đức vừa là anh trai, vừa là thầy dạy học, vừa là bạn. Vào một buổi chiều định mệnh, thông dịch viên Đức tình nguyện đi hành quân thay vào vị trí của Hiếu để tạo cơ hội cho bạn mình đi chơi với người yêu (sau này trở thành vợ) từ xa tới thăm, và mãi mãi Đức không còn quay trở về được nữa...
Nhiều người thông dịch cùng thời với Nguyễn Trung Hiếu cũng đã chết trong khi thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường hoặc trên đường hành quân.
“40% lính miền Bắc viết nhật ký...”
Những chìm nổi của số phận Hiếu gắn liền với nhiệm vụ làm thông dịch viên cho đơn vị tình báo lữ đoàn 11, sư đoàn Americal, Hoa Kỳ trong bốn năm trời ở Quảng Ngãi. Hiếu bảo nghề của ông ngày ấy long đong như đào - kép cải lương, người ta bảo gì thì làm nấy. Mỗi tháng một lần, ai đó từ phía quân đội Sài Gòn đến trả lương cho ông, còn phía Mỹ cấp phát cho ông trang phục, vũ khí, ăn ở.
Tài liệu chiến tranh cần được dịch sang tiếng Anh được chuyển tới trong hai trường hợp. Trong trường hợp thông thường, ông và những thông dịch viên khác làm việc với những tài liệu từ các nơi chuyển về căn cứ. Trong trường hợp khẩn cấp, những thông dịch viên được “bốc” tới nơi xảy ra giao tranh để dịch tại chỗ.
Cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm rơi vào tay ông Hiếu trong trường hợp thứ nhất. Ông bảo: “Nhật ký chiến trường rất nhiều, theo tôi, phải đến 40% lính miền Bắc viết nhật ký. Hồi tôi mới đọc cuốn nhật ký của cô Trâm, tôi thấy hay quá đi. Nhưng quá lâu rồi nên không nhớ rõ chi tiết cô viết gì”.
Sau khi sư đoàn Americal gây ra vụ thảm sát Mỹ Lai - vết nhơ trong lịch sử quân đội Mỹ (đã được đổi tên thành sư đoàn 23 bộ binh Hoa Kỳ) - rút về nước, Nguyễn Trung Hiếu được điều chuyển sang đơn vị 40 truyền tin, một đơn vị tình báo nhưng Nguyễn Trung Hiếu mãi sau này mới được biết.
Ông được phân về bộ phận quân cụ. Bộ phận này cần có một số người sang Mỹ để học về chống xe tăng và hỏa tiễn, Hiếu có ngoại ngữ nên lọt qua kỳ kiểm tra và được đi học cho đến năm 1973 thì về nước.
Sau năm 1975, đây là quãng thời gian đầy khó khăn trong cuộc đời của ông Hiếu.
Kỳ sau: Lênh đênh số phận
Theo Tuổi Trẻ
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.