Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và những tình cảm đặc biệt với Hà Nội

Võ Lâm| 23/03/2018 14:17

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nhà lãnh đạo hết lòng vì dân, vì nước luôn dành tình cảm đặc biệt cho Thủ đô Hà Nội...

Thủ tướng Phan Văn Khải thị sát Dự án chỉnh trị sông Hồng, khu vực Hà Nội năm 2001 - Ảnh: TTXVN


1.
Là người tập kết ra Bắc, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã từng hòa vào nhịp sống Hà Thành, lọc cọc chiếc xe đạp rong ruổi trên các con phố Thủ đô. Tình cảm đặc biệt dành cho Thủ đô của ông càng tăng mạnh khi trực tiếp chứng kiến những thời khắc lịch sử khi Thủ đô hứng chịu những cơn mưa bom đạn giặc Mỹ tàn phá. Tấm lòng nhân hậu, tình cảm chân thành của ông đối với người dân Thủ đô, với bạn bè khiến nhiều người ngưỡng mộ. Một người bạn từng được vợ chồng ông cưu mang, cho ở nhờ tại căn nhà nhỏ trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) kể, ông từng một mình đạp xe chở bạn đi chữa bệnh cả tháng trời không chút kêu ca...

Khi đảm đương các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, dù trăm công nghìn việc, ông vẫn luôn dành nhiều thời gian, tình cảm, quan tâm tới sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Cách đây gần 20 năm, trong hai ngày cuối tháng 7 năm 1998, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã chủ trì cuộc làm việc của Chính phủ với lãnh đạo TP Hà Nội. Kết luận cuộc làm việc, ông nhận định: “Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, tập trung chỉ đạo, điều hành, đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội những tháng còn lại và cả năm 1998”. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu vẫn còn những mặt tồn tại, bất cập. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải là những đầu tàu, tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, cùng cả nước duy trì, phát triển sản xuất. Ông nêu rõ: “Hà Nội phải làm tốt ngay từ khâu đầu tư cho phát triển, theo hướng ưu tiên cho xuất khẩu và tăng năng lực sản xuất. Cần tập trung đầu tư theo chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ và tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, huy động được nội lực của thành phố, nhất là lợi thế “chất xám” và các ngành kinh tế mũi nhọn...”.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đặt vấn đề: “Cần phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi vì sao dân chưa đem hết vốn liếng, tài năng ra làm ăn? Còn không ít doanh nghiệp sản xuất cầm chừng?”. Ông chỉ đạo, thành phố cần có cơ chế, chính sách phù hợp, thực sự khuyến khích sản xuất kinh doanh. Ngay các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không chỉ cần làm tốt việc trừng trị những kẻ làm ăn phi pháp mà còn có chức năng bảo vệ những người dân, các nhà doanh nghiệp làm ăn chân chính, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, Hà Nội phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Sau này, ông còn nhiều lần làm việc và thị sát tình hình tại Hà Nội. Mỗi lần ông đều dành sự quan tâm sâu sắc đến những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh. Những kết luận, chỉ đạo, gợi mở của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đến nay vẫn còn ý nghĩa thời sự. Ngay trong năm 1998, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý và phát triển cấp nước đô thị. Đó là điều rất cần để nâng cao đời sống dân sinh ở đô thị, nhất là Hà Nội. Khi ấy, tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch mới đạt khoảng 50%. Chỉ thị yêu cầu, đối với đô thị, ở những vùng khan hiếm nước thì phải có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước bằng các chính sách ưu tiên đầu tư và biện pháp thích hợp khác.

2. Còn nhớ, năm 2002, đích thân nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đi khảo sát tuyến sông Hồng và các khu vực dự kiến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội. Ngay lúc đó, đồng chí đã ấp ủ mong muốn Hà Nội sẽ chỉnh trị thành công sông Hồng, sử dụng hiệu quả tài nguyên lòng sông, quỹ đất hai bên sông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhớ về chuyến tháp tùng đồng chí Phan Văn Khải này, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên chia sẻ: “Anh nói vắn tắt mà hàm chứa những kiến thức về tổ chức và quản lý xã hội rất bài bản, thể hiện trình độ và sự từng trải của một nhà quản lý lão luyện”. Khi đó, đồng chí Phan Văn Khải trao đổi với lãnh đạo thành phố: “Hà Nội đất không rộng, người không đông như TP Hồ Chí Minh nhưng công việc tổ chức và quản lý xã hội Hà Nội khó lắm đấy. Hà Nội có hai chủ thể: TP Hà Nội và Thủ đô Hà Nội”. Lời nhắc nhở này, có lẽ không chỉ dành cho những cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố, mà ngay chính mỗi người dân thành phố hôm nay cũng cần phải suy ngẫm, vì chúng ta không chỉ là người TP Hà Nội mà còn là người Thủ đô Hà Nội, phải làm sao cho xứng.

Trong ký ức của những người cùng thời, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người hết sức chân thật, gần gũi. Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận xét: “Trong công việc, ở cương vị nào, ông cũng rất bình dị, chân thành, gần gũi, nhưng cũng rất thẳng thắn. Đó là cái thẳng thắn của một con người trí thức, đối xử rất công bằng”. Còn theo nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, với Hà Nội, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn dõi theo với tình cảm đặc biệt. Ông cho rằng, Hà Nội có tiềm lực phát triển rất tốt, vượt qua nhiều khó khăn thử thách đạt nhiều thành tựu quan trọng. Song, trong một số lĩnh vực cụ thể, Hà Nội còn có những bước đi chậm nên trong lòng nguyên Thủ tướng có lúc còn những băn khoăn, trăn trở.

Nghe tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần, trong những dòng tin trên báo, những lời bình luận trên mạng, người dân Hà Nội đã truyền đi bao lời thể hiện tình cảm mến yêu, quý trọng một nhà lãnh đạo, đúng như lời của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Hà Nội đã viết trong sổ tang: “Lúc sinh thời luôn là người đảng viên cộng sản kiên trung, bất khuất; người lãnh đạo bình dị, gần gũi, khiêm tốn, chân thành, tận tụy, liêm chính, hết lòng vì dân, vì sự nghiệp cách mạng của đất nước; vị Thủ tướng đầy tài năng, bản lĩnh, luôn hành động, “nói ít, làm nhiều”, quyết tâm vì công cuộc đổi mới và phát triển đất nước”.

Tiễn biệt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, TP Hà Nội nguyện sẽ mãi mãi ghi nhớ, trân trọng, biết ơn những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của đồng chí; đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tiếp tục phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và những tình cảm đặc biệt với Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.