Không chỉ người già, người lớn tuổi bị suy giảm trí nhớ và hay quên mà hiện nay, nhiều người trẻ tuổi cũng gặp phải những rắc rối này. Nếu không được can thiệp sớm và điều trị đúng cách có thể khiến bệnh tiến triển nặng, dễ dẫn đến sa sút trí tuệ.
Trước đây, bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ đến khám tại Bệnh viện Lão khoa trung ương thường ở độ tuổi từ 70-80 tuổi. Thế nhưng, hiện nay có người chỉ từ 30-40 tuổi, thậm chí ít tuổi hơn cũng đến khám vì suy giảm trí nhớ.
Theo Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Phương Vịnh, Khoa Thần kinh và Bệnh Alzheimer (Bệnh viện Lão khoa trung ương), suy giảm trí nhớ ngày càng phổ biến ở người trẻ. Khi bị suy giảm trí nhớ thì đồng thời nhận thức và tư duy giải quyết vấn đề cũng sẽ bị sa sút theo. Biểu hiện là tình trạng kém tập trung, thường xuyên lơ đãng, hay quên mọi thứ, giảm khả năng tư duy...
Tuy nhiên, suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi khác với sa sút trí tuệ ở người già. Nguyên nhân khiến người trẻ bị suy giảm trí nhớ có thể do những áp lực từ cuộc sống, công việc, học tập dẫn đến stress. Cùng với đó là lối sống thiếu khoa học như: Uống nhiều rượu bia, thức khuya, làm việc quá mức, thiếu ngủ, lười vận động... Khi thần kinh căng thẳng cũng dễ bị phân tán tư tưởng, giảm trí nhớ.
Các chuyên gia y tế đưa ra cảnh báo, ngoài sự tác động xấu tới sức khỏe, công việc và cuộc sống thì các thói quen gây suy giảm trí nhớ còn khiến người trẻ có nguy cơ cao sẽ mắc các bệnh sa sút trí tuệ như: Alzheimer, Parkinson… khi về già. Do vậy, người trẻ cần theo dõi các biểu hiện ban đầu của suy giảm trí nhớ để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Để phòng ngừa suy giảm trí nhớ, các chuyên gia y tế cũng đưa ra khuyến cáo, người trẻ cần thay đổi lối sống, tránh căng thẳng, stress. Cùng với đó, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin B1 và sắt. Không hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất kích thích.
Đặc biệt, suy giảm trí nhớ có quan hệ mật thiết với tình trạng thiếu ngủ và stress. Vì vậy, mỗi người cần dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn đúng cách, ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng/ngày, hạn chế thức khuya và tránh làm việc quá sức.
Theo nhiều nghiên cứu, với giấc ngủ trưa chất lượng không kém gì đồ ăn thức uống vì nó giúp giảm căng thẳng, lo âu, giảm ngáp vặt và giúp tinh thần con người minh mẫn hơn. Ngay cả những người trẻ tuổi như học sinh và sinh viên, nếu được ngủ trưa thì chất lượng học tập cũng sẽ tốt hơn so với nhóm không ngủ.
Cùng với việc ngủ đủ giấc, mỗi người nên chăm chỉ vận động thân thể, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Thể dục thể thao không chỉ giúp rèn luyện thể lực mà còn cải thiện trí lực bởi nó thúc đẩy khí huyết lưu thông, tăng cường chuyển hóa và gia tăng tuần hoàn não, cân bằng tâm trạng.
Những môn thể thao ngoài trời như bơi, đi bộ, đạp xe cũng tốt cho trí nhớ hơn những môn thể thao trong nhà. Ngoài ra, thiền, yoga, khí công dưỡng sinh cũng là những hoạt động hữu hiệu ngăn chặn tình trạng lão hóa của não bộ và cải thiện trí nhớ.
Khi có các dấu hiệu cảnh báo như: Giảm khả năng phán đoán, bị nhầm lẫn về thời gian và địa điểm, để nhầm vị trí các đồ vật và mất khả năng tìm lại, kém tập trung, nhắc lại một câu nói, diễn đạt vòng vo do quên từ, cảm xúc thay đổi bất thường, dễ nóng giận, phiền muộn, thờ ơ... thì cần gặp bác sĩ chuyên khoa sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.