Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Đình Thi - Cuộc đời và sự nghiệp

THANHNGA| 05/05/2004 16:06

Đó là tên cuốn sách mới nhất của Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa phát hành vào tháng tư năm 2004. Tập sách khá dày dặn, là tập hợp hàng trăm nhận xét, đánh giá, ghi nhận...thể hiện sự ngưỡng mộ của đông đảo nhà văn, trí thức và độc giả đối với nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi nhân một năm ông đi vào cõi vĩnh hằng.

Đó là tên cuốn sách mới nhất của Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa phát hành vào tháng tư năm 2004. Tập sách khá dày dặn, là tập hợp hàng trăm nhận xét, đánh giá, ghi nhận...thể hiện sự ngưỡng mộ của đông đảo nhà văn, trí thức và độc giả đối với nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi nhân một năm ông đi vào cõi vĩnh hằng.

Trong bài Nguyễn Đình Thi trẻ mãi, nhà văn Vũ Tú Nam khẳng định: "Rồi tất cả sẽ qua đi. Sẽ còn lại mãi những bài thơ, những trang văn, những bài hát của anh làm đắm say lòng người. Nguyễn Đình Thi mãi còn trong tâm trí nhiều thế hệ". Trong bài Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận: "Anh Nguyễn Đình Thi, cũng giống như những nhà văn thuộc thế hệ anh là sản phẩm của một thời đại đẹp, sáng, oai hùng, một thời đại đáng sống và nếu cần sẵn sàng chết vì nó. Trong đội ngũ nhiều tài năng, nhà văn Nguyễn Đình Thi là một người đa tài, một nghệ sĩ tiêu biểu của cách mạng, một nhà văn hóa lớn, một trí thức lớn".

Trong bài Nguyễn Đình Thi - tài năng quý hiếm của văn nghệ Việt Nam, nhà văn Anh Đức dự cảm: "Sự ra đi của anh khiến cho tôi nghĩ có thể từ nay trở đi, khó mà xuất hiện lại một tài năng tương tự". Nhà thơ Bằng Việt coi Nguyễn Đình Thi như một ấn tượng về một bản lĩnh văn hóa. Bằng Việt cho rằng: "Cách nói giàu hình ảnh, giản dị nhưng đầy thuyết phục của anh Thi đã làm anh nổi tiếng cả trong văn học, cả trên diễn dàn trong nước và quốc tế. Anh Thi luôn trăn trở về sự chân thực của từng câu chữ. Câu chữ của anh cô đúc đến mức bị tước đi rất nhiều màu sắc, sắc thái trang trí, chỉ còn lại cốt lõi...".

Ở một góc khác, đạo diễn Đặng Nhật Minh ghi nhận với tấm lòng thành thật và thành kính: "Có thể nói, đối với nhiều người trong giới trẻ thành thị những ngày đầu Cách mạng Tháng tám, Nguyễn Đình Thi là một thần tượng như Che Ghevara của Cuba trong những thập kỷ 60 đối với thanh niên châu Mỹ Latinh
". Theo một cách thức khác, một số nhà thơ còn thể hiện cảm nhận về Nguyễn Đình Thi theo cách riêng của mình. Nhà thơ Trần Ninh Hồ viết: "Ôm tráng ca đi suốt cuộc gieo neo/ Ai biết lẫn trong mưa là nước mắt/ Rưng rưng khóc, rưng rưng cười, lặng lẽ/ Sông khát khao gạn lọc sắc xanh trời". Nhà thơ Triều Dương viết: "Đi không ngoảnh lại/ Thềm nắng lá rơi đầy/ Anh là sông, sông đến bể/ Biết mình hoàng hôn".

Có lẽ phần tư liệu quý giá nhất của cuốn sách là ảnh chụp trang đầu bản thảo cuốn tiểu thuyết Xung kích, vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan , một số hình ảnh và mười thi phẩm cuối cùng của Nguyễn Đình Thi. Một lần nữa, người đọc có dịp nhớ lại hình ảnh của Nguyễn Đình Thi từ năm 1946 ở Chiến khu Việt Bắc đến khi ông sắp qua đời tại thủ đô Hà Nội. Mười thi phẩm cuối cùng của Nguyễn Đình Thi gồm: Mùa thu vàng, Không sợ và sợ, Gió bay, Núi xưa, Một ngày, Tóc bạc, Lời người xưa, Trở lại Mường Luông, Áng mây xưa, Đêm mưa. Đây là lời dặn anh em bè bạn trước lúc đi xa: Mong anh em hiểu đừng cười/ Tôi gửi lại đây chìa khóa/ Tất cả cửa nhà tôi đó/ Ngổn ngang qua tạm cuộc đời.

Đây là những câu thơ giản dị, thành thật, khiêm tốn mà sâu sắc của một nhà thơ đầy trải nghiệm và vô cùng yêu cuộc sống: Tóc bạc trong mưa bay anh cười/ Tôi không nói được mình đã trải đời/ Không nói được mình đã hiểu người/ Không dám nói mình đã biết yêu/ Không dám nói mình đã biết sống...

Lam Điền
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Đình Thi - Cuộc đời và sự nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.