(HNM) - Sân khấu chèo có từ lâu đời (thế kỷ X). Trên bước "đường trường chông chênh", chèo có lúc khoan lúc nhặt. Dõi theo chèo, không thể quên được cái khúc mà chèo được ông Nguyễn Đình Nghị dắt tay vào Hà thành rồi lại khoác cho cái áo tứ thân mới gọi là "chèo cải lương".
Bây giờ, mỗi độ xuân về Tết đến, hồn ta lại thấm đẫm nhịp trống chèo. Bỗng nhớ đến ông với "Một trận cười" của "chèo cải lương" đầu thế kỷ. Trong gần 50 năm hoạt động say mê, bền bỉ, ông đã để lại cho sân khấu Việt Nam một di sản to lớn và quý báu. Gần 60 kịch bản của ông đều được dàn dựng, biểu diễn liên tục ở Thủ đô và cả nước trong vòng 30 năm đầu thế kỷ XX. Đó là một hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Nguyễn Đình Nghị sinh trưởng tại một vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, riêng lối hát chèo Hải Hưng đã được coi là cái nôi lớn nhất với tên gọi "chiếng chèo xứ Đông". Chính nơi đây đã sinh ra nhiều nghệ nhân lỗi lạc về nghệ thuật chèo như cố NSND Cả Tam, cố NSND Trùm Thịnh, cố NSND Hoa Tâm... và các NSND Nguyễn Thị Mai Lý, NSND Mạnh Tưởng... cùng nhiều nghệ sĩ tài năng khác. Tiêu biểu nhất là Nguyễn Đình Nghị, người giữ vai trò tiên phong, đột phá nhằm chấn hưng chèo ở nửa đầu thế kỷ XX.
Cảnh trong vở “Mảnh gương nhân sự” của cố soạn giả Nguyễn Đình Nghị do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn. |
Nguyễn Đình Nghị đam mê hát chèo từ sớm. Sau những trục trặc và nỗi buồn gia thất, Nguyễn Đình Nghị ôm khát vọng và mang theo ít vốn chèo quê ra Hà Nội, lập nghiệp bằng con đường vừa làm vừa học mong sao tích lũy được vốn nghề. Cách học của ông là lấy sân khấu làm lớp học, nghệ sĩ biểu diễn làm thầy, vở diễn làm bài học. Ông đã vượt lên mọi khó khăn để đến với rạp hát. Từ bày cảnh trí sân khấu đến khuân vác, sắp xếp đạo cụ, kéo phông, đứng gác sau cánh gà nhắc vở… ông đều làm cả. Sau thời gian học việc như thế, ông chuyển sang nhận sửa vở thuê và sắm vai. Khi đã nắm vững tri thức sân khấu, ông mới tiến sâu vào nghề, nhận hợp đồng soạn vở và dàn dựng tiết mục. Bằng con đường tự thân nỗ lực đầy gian truân, Nguyễn Đình Nghị đã kinh qua chèo sân đình, chèo văn minh, chèo cải lương, trở thành ông trùm lớn nhất ngành chèo nửa đầu thế kỷ. Ông đã cải tổ hai rạp hát lớn nhất ở Hà Nội bấy giờ là Sán Nhiên Đài và Cải lương hí viện theo lối diễn chèo cải lương do ông đề xướng. Sau, ông đứng riêng ra, lần lượt tổ chức và quản lý các ban hát như "Tự lập ban", "Nghị lập ban", "Đức Thịnh ban"... Ông liên tục soạn ra nhiều vở và tự dàn dựng thành tiết mục, dẫn đi biểu diễn khắp Bắc, Trung, Nam và sang cả nước Lào.
Một lần, bị thực dân Pháp bắt vì diễn vở "Kêu trời rằng oan" nhưng khi được tha, ông lại tiếp tục hành nghề. Để tính kế lâu dài, bên cạnh các ban hát ông còn mở lớp đồng ấu tuyển chọn nam, nữ thanh, thiếu niên có năng khiếu và kèm cặp truyền nghề, đào tạo diễn viên có năng lực biểu diễn thay thế, tiếp tục ban hát về sau. Năm 1945, nạn đói khủng khiếp giết đi hàng triệu đồng bào ruột thịt. Nhân dân vừa hân hoan hy vọng vào cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu thì giặc ngoại xâm tứ phía tràn vào. Chiến tranh bùng nổ, các ban hát, rạp hát bị tan, Nguyễn Đình Nghị đành phải về quê lánh nạn. Năm 1947, ông ra vùng tự do Thanh Hóa, Yên Bái, Phú Thọ, tham gia hoạt động văn nghệ. Sau đó, do tuổi già sức yếu, ông phải trở về Hà Nội. Ông lâm bệnh nặng, tạ thế ngày 13 tháng 5 năm Giáp Ngọ (1954) tại nhà số 41 Lò Sũ, Hà Nội.
Gần 50 năm gắn bó máu thịt với sân khấu chèo, ông đã để lại di sản quý báu cho sân khấu Việt Nam. Tên tuổi Nguyễn Đình Nghị thường được trong và ngoài giới sân khấu, nhất là những người làm chèo thuộc những thế hệ sau nhắc đến như một hiện tượng. Đánh giá về sự nghiệp sáng tạo của ông có nhiều quan điểm khác nhau, có trường hợp đối lập. Có người khen rằng: "Những vở chèo sáng tác trong thời kỳ này (chèo cải lương) đều mang nội dung yêu nước chống Pháp, đả kích những thói hư, tật xấu của xã hội"; hoặc "... đã góp phần vào việc biểu hiện những yêu cầu chính trị của tầng lớp nho sĩ hồi đầu thế kỷ". Về nghệ thuật, "Nguyễn Đình Nghị là một nhà cách tân đã thành công trong ý đồ (thành thị hóa) nghệ thuật chèo". Ngược lại, có những người chê rằng: "Nội dung những vở chèo của ông là tiêu biểu cho luồng tư tưởng tiểu tư sản thị dân" hay "hầu hết nhân vật của ông mới có tên, có vẻ bề ngoài, chưa đi sâu vào khai thác tâm trạng đủ mức...". Về nghệ thuật thì do chủ trương học tập phương pháp tả chân của kịch thái Tây, nên chèo cải lương đã làm rơi rụng đi khá nhiều những thủ pháp biểu hiện của truyền thống đến mức chèo đã bị tha hóa đi không còn là nó nữa.
Là một người hoạt động sân khấu truyền thống đơn thương độc mã, lại ở vào thời buổi văn hóa giao thời, Nho học chưa qua, Tây học chưa đến, xã hội rối ren mà Nguyễn Đình Nghị đã soạn lại và viết được 60 vở kịch chữ quốc ngữ, nổi bật là bộ kịch "Một trận cười" để lại cho đời, là nguồn tư liệu quý hiếm cho việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống. Mặt khác, các vở kịch của Nguyễn Đình Nghị "... đều chú trọng vào việc răn đời, lấy lời ca, giọng hát và tiếng cười tao nhã mà duy trì phong hóa và cảnh tỉnh thế đạo nhân tâm", một quan điểm nghệ thuật tiến bộ, phù hợp với quan điểm "nghệ thuật vị nhân sinh" của Đảng đề ra sau này. Thời gian và sự tiếp nhận của công chúng khán giả đã chứng minh điều đó. Trong số 19 vở chèo tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009, tên tuổi của Nguyễn Đình Nghị vẫn hiện diện trước những người làm nghề và công chúng khán giả hôm nay trong vở chèo "Mảnh gương nhân sự" mà ông là tác giả kịch bản. Vở chèo ấy, nằm trong sự đánh giá chung của Chủ tịch Ban giam khảo Trần Trí Trắc: "19 tác phẩm chèo là 19 công trình mỹ học với những nội dung giáo dục về chân - thiện - mỹ cho khán giả thật sâu sắc và đậm tính đương thời". Điều đó đã khẳng định giá trị, sức sống trường tồn của những vở chèo Nguyễn Đình Nghị. Ngoài ra, dưới sự dìu dắt của ông, học trò trong các ban hát do ông sáng lập, nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ có tên tuổi trong nghệ thuật biểu diễn, là những giảng viên truyền nghề có uy tín lớn trong các trường ca kịch và sân khấu, điện ảnh Thủ đô.
Với những đóng góp đó, Nguyễn Đình Nghị xứng đáng là ông Trùm chèo của thế kỷ, là chiếc gạch nối giữa chèo cổ và chèo mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.