(HNM)- Nguyễn Công Thái (1684-1758) người làng Kim Lũ huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, ngay từ thuở đi học đã nổi tiếng văn tài. Năm 1703 dự kỳ thi ở trấn đỗ thứ nhất.
![]()
(HNM)- Nguyễn Công Thái (1684-1758) người làng Kim Lũ huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, ngay từ thuở đi học đã nổi tiếng văn tài. Năm 1703 dự kỳ thi ở trấn đỗ thứ nhất. Sau đó dự kỳ thi hương đỗ đầu (Giải nguyên) đến kỳ thi hội năm ất Mùi (1715) lại đỗ đầu (Hội nguyên), thi Đông các ông đỗ tam danh ngang với Thám hoa.
Nguyễn Công Thái làm quan 40 năm, tận tuỵ phục vụ 4 đời vua Lê chúa Trịnh. Đảm nhận các chức quan từ thấp đến cao, dù trong triều hay ngoài nội, ở đâu ông cũng hoàn thành chức phận, lập nhiều chính tích được dân mến chúa yêu. Cuốn phả họ Nguyễn ở làng Kim Lũ do Nguyễn Trọng Hợp biên soạn cho biết, năm 1720, khi làm Hiến sát sứ ở Nghệ An, có bọn nội sai trong cung dịch ở trấn dựa thế quấy nhiễu, ông luận tội xét trị đúng phép. Trong cung có người không ưa đem tố cáo việc ấy, có chiếu vời cụ về kinh. Khi vào tâu vua, cụ thẳng thắn theo sự thực tâu trình, không chút quanh co, vua lại trao cho chức Đốc đồng xứ Thanh Hoa.
Trong khoảng thời gian từ năm 1688 đến 1690, một dải biên giới từ Cao Bằng về phía Tây đều bị mất vào tay các thổ ty phủ Khai Hoá và Mông Tự (thuộc Vân Nam). Vì có mỏ đồng Tụ Long ở địa giới, nên châu Vị Xuyên là vùng tranh chấp gay gắt nhất giữa nước ta và triều đình nhà Thanh. Trước đó, triều đình Lê-Trịnh cùng với nhà Thanh đã lập mốc giới ở núi Xưởng Chì (Diên Xưởng sơn) còn núi Tụ Long của nước ta vẫn bị mất về nhà Thanh. Đất ở biên giới vùng này mất đến 40 dặm, triều đình Lê- Trịnh đã nhiều lần làm văn thư biện bạch việc này. Cuối cùng nhà Thanh cho chia sông Đổ Chú làm ranh giới nhưng khi ra thực địa, thổ ty phủ Khai Hoá chỉ vào sông Đổ Chú giả để cướp 4 sách (tương đương xã) ở Bảo Sơn. Biết hành động này của quan lại nhà Thanh là gian trá, ông bèn lặn lội đến những nơi lam chướng hiểm trở, đi qua các xưởng bạc, xưởng đồng để tìm sông Đổ Chú thật, bèn cùng quan lại nhà Thanh tranh biện và bẻ lý mãi. Trước lý lẽ sắc sảo và đúng đắn của Nguyễn Công Thái, nhà Thanh buộc phải thoả thuận với ta dựng bia đá ở hai bên bờ sông Đổ Chú làm mốc giới giữa hai nước.
Theo Phan Huy Chú, trong niên hiệu Vĩnh Hựu, ông làm Tả thị lang bộ Lại, tước ứng quận công, bấy giờ Thuận Vương chơi bời quá độ, trễ nải việc chính sự, em chúa là Ân quốc công Trịnh Doanh là người có tài nhưng vẫn giấu kín, còn bọn tiểu nhân thì lấn lướt chuyên quyền. Ông cùng Tri bộ phiên Nguyễn Quý Cảnh bàn mưu cùng suy tôn Trịnh Doanh lên ngôi chúa vào mùa xuân Canh Thân 1740. ở chốn triều đình và cung cấm vì thế được yên ổn. Khi thưởng công, ông được phong Suy trung dực vận công thần, cùng Nguyễn Quý Cảnh vào phủ làm Tham tụng. Bấy giờ ông 57 tuổi, mấy lần được thăng đến thượng thư bộ Lễ. ít lâu sau vì có lỗi đổi ra trấn Thanh Hoa, sau lại vào làm tham tụng. Do Ân Vương nghe lời gièm pha của Đỗ Thế Giai, lại sai ông ra trấn Sơn Nam. Chưa được bao lâu ông gia phong hàm Thiếu bảo rồi về hưu. ít lâu sau chúa lại vời ông ra làm bậc Ngũ lão hầu chúa, trải thăng đến thượng thư bộ Lại, hàm thái tử thái phó, lại vào làm Tham tụng. Bấy giờ Đỗ Thế Giai vẫn được chúa yêu, ông vốn cùng y không hợp nên cố xin rút lui. Trong bài khải của ông có câu: “ Nay bờ cõi đã yên, trong nước không có việc gì khó, mà tôi nghĩ mình không xứng trách nhiệm, tự biết nên về hưu”. Chúa gượng nghe theo.
Về hưu ở làng Kim Lũ quê nhà, ông quan đầu triều Nguyễn Công Thái vẫn cùng dân thôn sống một cuộc đời bình dị. Đất lộc điền 100 mẫu vua ban ông cho con cháu và dân làng cày cấy. Nguyễn Công Thái là thầy dạy học chúa Trịnh Sâm nên trò muốn xây tặng thày một ngôi nhà ba gian bằng gỗ tốt nhưng mấy lần ngỏ ý đều bị Nguyễn Công Thái khước từ. Truyện kể rằng, sau khi Nguyễn tướng công về trí sĩ, chúa thường sai người đến thăm hỏi. Quan khâm sai về tâu với chúa rằng: thực tế căn nhà của thầy bằng tre nứa đã cũ và hư hỏng nhiều. Chúa nghe xong, lòng xúc động xót xa liền gọi thợ về Kim Lũ xây cho thày một ngôi từ đường ba gian bằng gỗ tứ thiết, viện cớ trước là để thày ở, sau này khi trăm tuổi, lấy chỗ đó làm nơi thờ thày, nên ông mới chịu nghe theo.
Nguyễn Công Thái mất ngày 21 tháng 11 năm Mậu Dần (1758) thọ 75 tuổi, mộ táng tại xứ đồng Sở Sơn. Trải gần ba thế kỷ, nay mộ ông vẫn bình dị là một nấm đất đơn sơ như ngày nào. Năm 1998, con cháu họ Nguyễn góp tiền xây tường bao và dựng nhà bia ghi công tích tại đây.
Một ngày đầu thu, chúng tôi về Kim Lũ, đến “ Nguyễn tướng công từ” thắp nén hương tưởng niệm công đức của người xưa, trong tâm tưởng như vẫn thấy hình bóng một người làm quan “thanh kiệm, sau trước thuỷ chung. Cụ sáng sớm vào chầu, mặt trời lặn mới về, ở chốn công đường trọn ngày ngồi chững chạc, không hề có dáng lười biếng. Kiệu ngồi không tô vẽ lộng lẫy, khi vào triều để nón lá và áo tơi ở sau kiệu, mũ để trong hòm có gia nhân mang theo. Khi đi trên đường phố, người kinh đô bảo nhau cứ thấy phu kiệu dóc tóc là biết cụ đi (quân hai đội “tiềm xa lực” của cụ đều dóc tóc). Tuỳ binh có 30 người. Cụ ở nhà tranh vài dãy, các con đều ăn cơm hẩm và đi bộ. Cụ được ruộng lộc lại chia cấp cho họ hàng. Ngày giỗ kỵ không tiếp tân khách. Làng có 3 thôn đều coi như một. Hành tích của cụ đều chép ở phả cũ”. (Trích phả họ Nguyễn).
Theo Trần Văn Mỹ(HNMCT)