Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy hiểm rình rập ở các bến đò ngang sông Hồng

Đỗ Nguyễn - Minh Hoàng| 10/06/2013 06:32

(HNM) -

Chuyện ở "bến đò thổ phỉ" Vân Nam

Hỏi đường đến bến đò Vân Nam (Phúc Thọ), một người dân xã Vân Nam nhanh nhảu: -"Bến đò thổ phỉ" à, cứ đi một đoạn, đến chợ cóc họp ngay trên đê rồi rẽ phải men theo đường làng khoảng hai cây số nữa là tới.
- Sao bác gọi là "thổ phỉ" - chúng tôi hỏi lại.
- Hoạt động chui, không phép, quát mắng khách vô lối không là "thổ phỉ" thì là gì?


Chuyến đò chuẩn bị cập bến Vân Nam chở đầy ô tô.


Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến "bến đò thổ phỉ" xã Vân Nam. Vào "trận địa" vừa ngồi được ít phút, một người quản lý bến đò còn khá trẻ, dáng người thấp nhỏ lập tức đến thu vé bằng tiền mặt. Chúng tôi phải viện lý do để trì hoãn việc thu tiền rằng, còn phải chờ người trong đoàn đang đến để cùng đi một chuyến cho tiện. Những câu chuyện qua lại trong khi đợi ở bến, nhóm phóng viên cũng không "moi" được nhiều thông tin vì người quản lý bến đò này tỏ ra rất cẩn trọng. Có lẽ, họ đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với những tình huống như thế này.

Trò chuyện một hồi, thấy không khí khá căng thẳng, chúng tôi âm thầm rút lui để tránh bị phát hiện. Nhưng khi chạy xe được một đoạn đường (cách bến đò khoảng 200m), chúng tôi phát hiện một chiếc đò đang từ bến đối lưu thuộc địa phận xã Hồng Châu (Vĩnh Phúc) tiến về chuẩn bị cập bến phía xã Vân Nam. Dù chạy ở giữa sông nhưng bằng mắt thường, chúng tôi vẫn phát hiện trên đò chở 3 ô tô và hàng chục người dân đứng, ngồi nhấp nhô, trong khi đó ở bên bờ bến Vân Nam cũng đang có nhiều xe máy và 2 ô tô đang chờ sẵn. Tưởng chủ đò không quan sát, chúng tôi lấy máy ảnh ghi lại những tấm hình. Lúc này, từ trong quán nước, một nam thanh niên phóng xe máy ra chặn trước mặt giọng dọa dẫm, thách thức. "Tránh voi chẳng xấu mặt nào", chúng tôi đành rút về trụ sở UBND huyện Phúc Thọ.

Kể lại câu chuyện với Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ Hoàng Duy Kiên - đơn vị có trách nhiệm quản lý các bến đò trên địa bàn - ông Kiên lắc đầu ngao ngán: "Bến đò thổ phỉ" này hoạt động không phép đã mấy năm nay nhưng chính quyền địa phương bất lực. Nhiều lần, cán bộ các cơ quan chức năng xuống kiểm tra họ còn có những lời lẽ lăng mạ thậm tệ, không đúng mực. Theo ông Hoàng Duy Kiên, tháng 5-2009, Sở GTVT TP Hà Nội đã có quyết định đình chỉ hoạt động bến đò Vân Nam do không có đủ diện tích đất, không có hợp đồng thuê đất và đáp ứng các điều kiện an toàn. Từ đó đến nay, bến đò vẫn không được cấp phép, tiếp tục bị đề nghị cấm hoạt động. UBND huyện đã đề nghị Thanh tra GTVT, Công an huyện, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy và Đội Quản lý sông số 6 kiểm tra, xử lý nghiêm nhưng đò ngang vẫn hoạt động bất chấp pháp luật.

Trở lại xã Vân Nam vào một ngày khác, chúng tôi đã thu thập được một số thông tin liên quan đến "bến đò thổ phỉ" này. Bến đò hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, xuất phát từ nhu cầu giao lưu hàng hóa giữa hai xã Vân Nam (Phúc Thọ) và Hồng Châu (Vĩnh Phúc). Năm 2009, tại đây xảy ra tranh chấp khách giữa hai bến Vân Nam và bến Vân Phúc (thuộc xã Vân Phúc cùng huyện) cách bến này khoảng 1km về phía thượng lưu. Cũng trong giai đoạn này, đoạn sông Hồng từ bến Hồng Châu sang bến Vân Nam cạn nước nên Sở không cấp phép hoạt động cho bến đò Vân Nam từ đó đến nay. Chủ "bến đò thổ phỉ" Vân Nam là ông Vũ Văn Toàn, ở cụm 1. Một vị lãnh đạo xã Vân Nam cho biết: Địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp như đổ cột bê tông chặn lối vào bến, cắm cột hạn chế chiều cao tại bến... nhưng chỉ sau một đêm lại bị "quét" sạch, bến đò lại ngang nhiên hoạt động trở lại, thách thức chính quyền các cấp.

Mới đây (ngày 14-5), tổ công tác liên ngành của huyện Phúc Thọ đã kiểm tra hoạt động tại bến đò Vân Nam và lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ bến vì đã đưa bến thủy nội địa vào hoạt động khi không có phép, đồng thời đình chỉ hoạt động của bến. Tuy nhiên, đến nay bến đò vẫn hoạt động.

Bến đò chở... ô tô tải

Dọc sông Hồng qua địa bàn Hà Nội hiện có rất nhiều bến đò, bến phà hoạt động từ nhiều năm nay, trong đó có một số bến không được cấp phép vẫn hoạt động. Khảo sát của nhóm phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, hoạt động của những bến đò này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đáng nói nhất vẫn là tình trạng không bảo đảm an toàn cho hành khách khi qua sông, thu tiền vé quá cao so với quy định và đặc biệt là các bến vẫn ngang nhiên chở xe ô tô qua đò trong khi giấy phép hoạt động chỉ cho phép chở loại phương tiện lớn nhất là xe mô tô hai bánh. Hầu hết các chuyến đò cập bến đều chở xe ô tô, chở người sai quy định.

Bến đò Thọ An (Km35 đê hữu sông Hồng) thuộc địa phận xã Thọ An, huyện Đan Phượng (có đầy đủ các thủ tục pháp lý để hoạt động) nhưng việc thu vé lại tùy tiện, công tác bảo đảm an toàn cho hành khách chưa được chủ bến quan tâm. Theo thông tin ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng cung cấp, bến này có "Bảng giá bến khách sang sông", niêm yết cụ thể giá theo đúng quy định của Nhà nước: Người đi bộ 2.000 đồng/lượt; xe máy 4.000 đồng/lượt và xe đạp 2.500 đồng/lượt. Tuy nhiên, tấm biển trên không được treo công khai để hành khách biết mà để ở trong nhà quản lý bến. Trên thực tế, việc thu vé tại bến này lại cao hơn nhiều so với quy định. Cụ thể, xe máy 15.000 đồng/lượt; xe đạp 10.000 đồng/lượt; ô tô con 40.000 đồng/lượt, ô tô tải thì tùy thuộc vào xe có chở hàng hay không.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại "bến đò thổ phỉ" Vân Nam cho thấy, cơ sở vật chất ở đây không bảo đảm, đường dẫn xuống đò vẫn bằng đất, không có nhà điều hành, nhà chờ khách. Đáng sợ hơn là khu vực này có nền đất yếu, xung quanh bến đò nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng. Được biết, cuối năm 2012, do chưa có biện pháp bảo đảm an toàn cho hành khách, đặc biệt chủ bến cố tình chở ô tô qua đò nên đã xảy ra vụ chìm một xe ô tô chở gạch xuống sông khiến một người thiệt mạng.

Tại bến Vân Phúc (Km28 bờ hữu sông Hồng) thuộc địa bàn xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, chủ đò có treo bảng giá tại bến nhưng lại không niêm yết giá cho từng loại phương tiện. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc thu phí quá cao so với quy định và tại sao không được phép chở ô tô mà bến vẫn chở? Chủ bến đò - ông Bùi Xuân Thức cho biết: "Chi phí vận hành một chuyến đò rất cao (kể cả khấu hao đò), nếu không chở ô tô thì thu không đủ chi. Còn việc thu phí, bến không ép, ai chấp nhận thì đi mà không thì đi bến khác". Có một điều rất lạ là giấy phép hoạt động không cho phép chở ô tô, nhưng tất cả các bến đò ở Phúc Thọ và Đan Phượng đều chở ô tô nhiều năm nay mà không bị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý? Đáng nói, ngay ở đoạn đầu đường đi vào bến Vân Phúc có treo một tấm bảng lớn ghi: "Bến đò ngang - chuyên chở các loại ô tô, xe máy…".

Bến đò hoạt động không phép, thu tiền vé vô tội vạ, chở ô tô sai quy định, không có biện pháp bảo đảm an toàn cho hành khách... trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền cấp xã, huyện sở tại, tiếp đến là các cơ quan chức năng quản lý đường sông. Cả một hệ thống chính quyền và đầy đủ cơ quan chức năng lại chịu bó tay trước các chủ "bến đò thổ phỉ", làm ngơ để các bến đò thả sức "chặt chém" hành khách là điều không thể chấp nhận.

Bà Nguyễn Thị Minh Tú (Trưởng phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT Hà Nội) cho biết, tới đây Sở sẽ chỉ đạo lực lượng thanh tra ngành phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra thiết bị an toàn, cơ sở hạ tầng, bến bãi, người điều khiển phương tiện tại các bến đò ngang. Dự kiến, việc kiểm tra này sẽ kéo dài trong 1 tháng. Sau khi có kết quả, Sở GTVT sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy hiểm rình rập ở các bến đò ngang sông Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.