Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy hiểm khôn lường khi tự chẩn đoán bệnh

Thu Trang| 03/04/2023 06:12

(HNM) - Thời điểm giao mùa như hiện nay, số lượng trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe gia tăng. Thế nhưng, thay vì đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, nhiều bậc phụ huynh lại tự chẩn đoán bệnh và điều trị cho con. Hậu quả của việc này là không ít trường hợp trẻ bị biến chứng, bệnh trở nặng, thậm chí tử vong.

Việc mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ em cần có đơn thuốc của bác sĩ để tránh những trường hợp rủi ro có thể xảy ra. Ảnh: Thu Trang

Đủ kiểu sai lầm khi chăm trẻ bị ốm

Ngay trong tháng 3-2023, một bé trai 15 tháng tuổi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc trong tình trạng co giật, não tổn thương. Trước khi nhập viện, cứ cách 30 phút, bé đi tiêu chảy một lần. Lo bé bị mất nước, người nhà cho uống oresol bù nước. Sau đó, bé xuất hiện triệu chứng bất thường. Bác sĩ kiểm tra, phát hiện người nhà đã pha dung dịch oresol cho bé uống không đúng tỷ lệ khuyến cáo và đây là nguyên nhân khiến bé bị sốc, co giật. Dù được cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng bệnh nhi đã tử vong.

Trước đó, sau 2 ngày uống oresol tại nhà, một bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức, li bì. Sau khi khám và làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cháu bị mất nước do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng. Nguyên nhân cũng là do gia đình đã pha oresol bù nước cho trẻ không đúng cách.

Những ngày gần đây, số lượng trẻ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khám bệnh rất đông. Hầu hết bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản cấp, thậm chí hen phế quản. Trong quá trình thăm khám và điều trị cho các bệnh nhi, bác sĩ Phan Thị Kim Dung, Phó Trưởng khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, tại bệnh viện, các bác sĩ đã gặp không ít trường hợp trẻ bị biến chứng nặng vì cha mẹ áp dụng cách chữa bệnh theo chia sẻ trên mạng xã hội.

“Chẳng hạn như khi trẻ ho, sốt, sổ mũi, một số phụ huynh sẽ tự chẩn đoán bé bị viêm họng. Khi tham khảo trên mạng xã hội thấy với những trường hợp tương tự một số phụ huynh cho trẻ dùng kháng sinh này, thuốc kia được cho là tốt, nhiều người ngay lập tức áp dụng cho con mình. Nhiều cha mẹ không cần biết bé có chính xác bị bệnh đó không, liều kháng sinh dùng ra sao, chỉ cần nghe nói thuốc tốt là làm theo. Hậu quả là trẻ nhập viện khi bệnh đã nặng, bị kháng thuốc...”, bác sĩ Phan Thị Kim Dung chia sẻ.

Thậm chí, hiện nay, trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok cũng xuất hiện rất nhiều clip hướng dẫn vỗ rung long đờm hay xịt rửa mũi giúp trẻ nhanh khỏi ốm. Tuy nhiên, bác sĩ Phan Thị Kim Dung cho rằng, rửa mũi làm sạch đường hô hấp trên là đúng nhưng trường hợp nào mới cần áp dụng thì nhiều bậc phụ huynh không phân định được. Do đó, việc dùng dụng cụ như xi lanh bơm hút, rửa với áp lực nước khá lớn vào vùng mũi xoang của bé không có tác dụng. Thậm chí, cách làm này có thể gây cho trẻ các vấn đề khác như viêm tai, viêm xoang và đưa nguồn vi khuẩn từ bên ngoài vào sâu bên trong…

Khám và điều trị bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Xuân Lộc

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ

Khi trẻ có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, bác sĩ Phan Thị Kim Dung, Phó Trưởng khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) khuyến cáo, cha mẹ có thể hạ sốt, cho uống thuốc ho thảo dược và làm sạch đường hô hấp bằng cách nhỏ nước muối sinh lý, xịt nước muối biển, dùng máy hút cá nhân hoặc dây hút đơn thuần để hút mũi cho con. Việc dùng dụng cụ như xi lanh bơm hút, rửa… nên được thực hiện bởi nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết.

“Trong thời gian trẻ bị bệnh, cha mẹ vẫn cần tiếp tục cho trẻ ăn, bú như bình thường. Nên chia nhỏ các bữa ăn để giúp trẻ tăng khả năng tiêu hóa và giảm nôn trớ. Phụ huynh tuyệt đối không bắt trẻ ăn kiêng. Bởi điều này khiến trẻ sẽ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Ngoài ra, hãy cho trẻ uống nhiều nước, chế độ sinh hoạt tốt để tăng sức đề kháng của cơ thể. Đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh thân thể và môi trường sống của trẻ sao cho sạch sẽ, tránh ở những nơi ẩm thấp. Khi các bé có tiến triển xấu đi như ho nặng hơn, thở nhanh, mất nước, rút lõm lồng ngực, tiêu chảy quá nhiều, viêm kết mạc, cha mẹ phải cho con đến bệnh viện ngay”, bác sĩ Phan Thị Kim Dung lưu ý.

Về việc sử dụng dung dịch bù nước cho trẻ, theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), oresol giúp bù nước rất hiệu quả, được khuyến cáo cho những trường hợp trẻ bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, sốt cao… Tuy nhiên, khi pha oresol quá đậm đặc, đặc biệt là khi lượng muối trong máu tăng cao, có thể gây ra các triệu chứng như co giật, hôn mê và dẫn đến các tổn thương não nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể tử vong. Do đó, khi pha oresol, cha mẹ tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định, không “ước lượng”, “áng chừng” hoặc đong bằng các dụng cụ đo lường không chính xác. Sau khi pha dung dịch phải uống hết trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ nên bỏ đi và pha gói mới. Tuyệt đối không bảo quản trong tủ lạnh để cho trẻ uống dần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy hiểm khôn lường khi tự chẩn đoán bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.