Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ về một cuộc chiến không mong đợi

Đình Hiệp| 06/04/2013 07:29

(HNM) - 48 giờ đã trôi qua kể từ khi một số phương tiện thông tin đại chúng quốc tế đăng tải thông tin quân đội CHDCND Triều Tiên cảnh báo


Mỹ sẽ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (THAAD) bảo vệ các căn cứ quân sự ở đảo Guam.


Một cuộc chiến không mong đợi dù chưa xảy ra, nhưng không vì thế mà tình hình Bán đảo Triều Tiên bớt căng thẳng khi các bên liên quan đều đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Trong khi đó, quyết định thông qua kế hoạch tấn công hạt nhân các mục tiêu của Mỹ vừa được Bộ Tư lệnh quân đội Triều Tiên công bố - nhằm đáp trả sự kiện Mỹ huy động cả máy bay có khả năng mang bom hạt nhân B-52 và máy bay tàng hình B-2 tham gia tập trận chung với Hàn Quốc - khiến "lò lửa" Bán đảo Triều Tiên tiếp tục tăng nhiệt.

Cùng với quyết định không cho phép các công dân Hàn Quốc trở lại làm việc tại khu công nghiệp chung Kaesong; tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, các nguồn tin Hàn Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận Triều Tiên đã di chuyển quả tên lửa thứ hai đến bờ biển phía đông để đặt lên bệ phóng di động. Dù chưa được xác nhận nhưng thông tin này cho thấy, đây có thể là tên lửa tầm trung Musudan - từng ra mắt trong cuộc duyệt binh tháng 10-2010. Tên lửa Musudan chưa từng được thử nghiệm trước đó nhưng theo nhận định của các chuyên gia vũ khí thì tên lửa này có tầm bắn khoảng 3.000km. Về lý thuyết, nó có thể vươn xa tới 4.000km, bắn tới bất kỳ địa điểm nào ở Hàn Quốc, Nhật Bản và đặt các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương trong vòng nguy hiểm.

Cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản, quân đội Mỹ không thể lơ là trước các bước đi của Triều Tiên và đang huy động các kênh thông tin có thể để dõi theo Bình Nhưỡng. Để bảo vệ các đồng minh cũng như khu vực Đông Bắc Á trước một cuộc tấn công từ Triều Tiên, Lầu Năm Góc vừa triển khai các lực lượng tiếp viện cho hệ thống phòng thủ tên lửa ở Thái Bình Dương; đồng thời sẽ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (THAAD) tới các căn cứ quân sự ở Guam. Mặt khác, nhằm không ngừng gây sức ép với Bình Nhưỡng, Chính phủ Nhật Bản ngày 5-4 quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm 2 năm - bắt đầu từ ngày 13-4 tới - sau vụ phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng hồi tháng 12-2012 và vụ thử hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2-2013. Quân đội Hàn Quốc ngày 5-4 cũng cử 2 tàu khu trục lớp Aegis tới cả hai bờ biển phía đông và phía tây để sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất trắc.

Nguy cơ bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên một lần nữa đang thử thách nền hòa bình không chỉ khu vực mà cả thế giới. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon những ngày qua liên tục phát đi thông điệp yêu cầu Bình Nhưỡng giảm căng thẳng và can dự "một cách chủ động và có tính xây dựng" vào hòa bình, an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. Trong một tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Nga với Bình Nhưỡng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Alexander Lukashevich cho rằng, việc Bình Nhưỡng phớt lờ các nghị quyết của LHQ, trong đó có lệnh cấm phổ biến vũ khí hạt nhân là việc làm không thể chấp nhận. Với Nga, sau một loạt động thái gây căng thẳng vừa qua, Bình Nhưỡng có thể cản trở cơ hội nối lại cuộc đàm phán 6 bên về Bán đảo Triều Tiên.

Bán đảo Triều Tiên đang lâm vào một tình thế nguy hiểm và khả năng Bình Nhưỡng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân hay không đang bỏ ngỏ. Nhưng, các chuyên gia phân tích cho rằng, CHDCND Triều Tiên sẽ không mạo hiểm thực hiện một đòn tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân, bởi một hành động như vậy có thể châm ngòi cho một cuộc chiến hủy diệt chưa có tiền lệ. Đây là điều không một quốc gia nào trong khu vực và trên thế giới mong muốn.

Chiều 5-4, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đã ra khuyến cáo, các đại sứ quán nước ngoài tại Bình Nhưỡng nên cân nhắc sơ tán các nhân viên, công dân của mình ra khỏi nước này trong bối cảnh căng thẳng ở Bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ về một cuộc chiến không mong đợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.