Y tế

Nguy cơ nhiễm trùng nếu tự sử dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid

Thu Hoài 11/09/2023 - 20:04

Ngày 11-9, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã phản hồi một số thông tin sai lệch trên mạng xã hội về tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ đang có dấu hiệu bùng phát.

a204.jpeg
Hiện thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 63.000 ca đau mắt đỏ, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin “…Bệnh đau mắt đỏ do Enterovirus có khả năng lây lan qua đường nước nên nếu chất lượng nước uống không tốt thì có thể cả gia đình đều bị bệnh…”. Theo Sở Y tế, đây là thông tin không đúng sự thật.

Các chuyên gia của Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới đều khẳng định: Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) thường do các tác nhân vi rút gây ra (adenovirus, enterovirus, coxsackie,…). Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang vi rút gây bệnh từ người bệnh. Như vậy, thông tin bệnh lây lan qua đường nước uống là hoàn toàn không chính xác.

Thứ hai, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng bác bỏ thông tin thiếu cơ sở khoa học sau: “… Viêm kết mạc do Enterovirus thường nhẹ hơn so với viêm kết mạc do adenovirus và thường ít có khả năng gây dịch lớn so với viêm kết mạc do adenovirus…”.

Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, tác nhân Enterovirus gây ra viêm kết mạc mắt vẫn có thể gây ra bệnh cảnh nặng nhưng thường là cấp tính, khác với tác nhân adenovirus có thể gây ra viêm giác mạc mạn tính.

Tác nhân Enterovirus đã được ghi nhận gây ra những đợt dịch viêm kết mạc tại nhiều nước trên thế giới. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 1973, Enterovirus type 70 đã gây đại dịch tại các nước châu Phi (Algeria, Ghana, Morocco, Nigeria, Tunisia), châu Á (Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) và Vương quốc Anh trong giai đoạn 1969-1971.

Gần đây, năm 2014, nhóm vi rút này gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng 3 tháng.

Cũng theo Sở Y tế, trái với thông tin lan truyền cho rằng thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả căn bệnh này. Theo đó, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể dùng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau: Có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng,..), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

Các thuốc nhỏ mắt này đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ, như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin,… Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.

a242.jpg
Ngành Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.

Theo khảo sát nhanh của Phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh levofloxacin hiện có hơn 270.000 lọ, ofloxacin còn 15.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 900.000 lọ); tobramycin còn 20.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 280.000 lọ),…

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo: Người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa chất này không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Ngày 8-9, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã xác định được nguyên nhân khiến số ca đau mắt đỏ tại địa bàn tăng nhanh thời gian qua. Theo đó, Enterovirus và Adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra căn bệnh này. Chiếm ưu thế là Enterovirus (86%), còn lại là Adenovirus.

Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 31-8, tổng số ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 là 53.573 ca.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ nhiễm trùng nếu tự sử dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.