Chi 300.000-500.000 đồng mua bút, người có mục đích xấu có thể dùng để ký giấy tờ vay nợ, rồi tự động xóa dấu vết trong vòng vài tiếng.
Giới cầm đồ, tín dụng đen gần đây xôn xao thông tin về chiếc "bút phù thủy" có thể tự bay mực sau khi viết 6 - 24 giờ đồng hồ. Về hình dáng, kích thước và cách sử dụng cũng như màu mực của loại bút này đều không có gì khác thường. Giá mỗi chiếc bút theo như quảng cáo được rao với giá từ 300.000 - 500.000 đồng.
Nhiều người dân và ngay cả giới nhận cầm cố tài sản cũng tỏ ra ngạc nhiên khi nghe đến loại chiếc bút này. Anh Linh, chủ tiệm cầm đồ trên phố Lò Đúc lo ngại: "Đôi khi mình không để ý, chỉ cần một chút lơ là cũng mệt rồi. Gặp khách nào có biểu hiện xấu, viết giấy vay 10 triệu đồng mà "bay mất" một số 0 thì cũng nguy lắm rồi", anh Linh lo lắng.
Màu mực của bút sẽ tự động biến mất sau khoảng vài tiếng. Ảnh: Anh Quân |
Gõ cụm từ "bút bay mực" trên công cụ tìm kiếm Google, khách hàng có ngay gần 1,3 triệu kết quả. Một số trang rao vặt đưa lời quảng cáo về công dụng của loại bút đặc biệt "100% làm bay mất mực đã viết", với mức giá dao động tùy xuất xứ và thời gian "hóa phép". Người bán cũng đăng địa chỉ cụ thể và số điện thoại liên hệ nhưng không phải ai cũng còn loại hàng này. Một người tên Tâm cho biết bán đã hết, hiện anh không nhập được mặt hàng này nữa và cũng không biết ai bán.
Trong khi đó, người tên Hải ở địa chỉ liên hệ khác nói: "Hàng vẫn còn, dạo này bán được lắm, không qua nhanh thì hết đấy, chỉ còn vài chiếc thôi". Khách được hướng dẫn đến địa chỉ một công ty vận tải có văn phòng tại Hà Nội, khi tới nơi gọi điện lại để được hướng dẫn tiếp. Hàng được vận chuyển và đóng gói từ trước, người mua trả tiền để nhận hàng.
Sản phẩm được đựng trong hộp màu đen, không ghi bất kỳ thông tin nào ngoài ba số 888 in trên nắp. Khi khách hàng tỏ ý lo ngại về chất lượng bút và vấn đề bảo hành, người bán quả quyết: "Bút dùng tốt, nếu có vấn đề gì không như quảng cáo, có thể gửi lại để đổi một chiếc bút khác".
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TienPhong Bank - cho biết một số ngân hàng cũng đã cảnh báo toàn hệ thống về sự xuất hiện của chiếc "bút phù thủy" này. Theo ông Hưng, phần lớn những người bị lừa do tham gia tín dụng đen hoặc vay mượn bên ngoài còn ngân hàng không gặp tình trạng này nhiều. "Mọi khách hàng đến giao dịch vay mượn đều phải làm rất nhiều thủ tục và đều được yêu cầu sử dụng bút của ngân hàng. Điều này đã được quy định rõ trong quy trình với từng nhân viên nên không đáng lo ngại", lãnh đạo ngân hàng này cho biết.
Trung tâm pháp chế của một ngân hàng cổ phần khác cho biết, để tránh rơi vào trường hợp này, các hồ sơ, chứng từ nếu không thể yêu cầu khách lập tại quầy thì cán bộ giao dịch của ngân hàng sẽ phải photo hoặc scan lại và yêu cầu khách hàng ký vào.
Thông báo của một ngân hàng gửi nhân viên toàn hệ thống cảnh giác với loại bút này. |
Nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần cũng cho biết loại bút này đã xuất hiện được một thời gian và phần lớn anh em làm ngân hàng đều được cảnh báo nên không lo ngại. "Tuy nhiên, với những người dân bình thường đôi khi vì cà nể, tin tưởng nhau mà không để ý thì sẽ rất nguy hiểm cho họ", nam nhân viên này nói.
Theo chuyên gia, loại bút trên sử dụng chất hóa học đặc biệt để làm mực, với thành phần chính là Thymolphthalein (một chất chỉ thị axít bazơ) màu xanh. Ở môi trường tự nhiên, quá trình hấp thụ CO2 làm giảm độ pH khiến mực bay mất màu. "Để làm hiện mực trở lại, chỉ cần lấy nước vôi trong thấm lên phần giấy từng viết do nước vôi làm tăng độ pH", ông chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.