Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ “dịch chồng dịch”

Tùng Linh| 26/02/2012 07:09

(HNM) - Trong khi dịch tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp ngay từ những ngày đầu năm thì sự xuất hiện trở lại của dịch cúm A/H5N1 trên người và viêm não mô cầu đã khiến công tác đối phó với dịch trở nên nóng bỏng.

Giáo viên Trường Mầm non Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng để phòng dịch tay chân miệng. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Dịch bệnh bùng phát bất thường

Nếu như năm 2011, cuối tháng 5 mới ghi nhận những trường hợp mắc TCM và tử vong đầu tiên thì chỉ trong 6 tuần đầu của năm 2012, cả nước đã ghi nhận 6.328 trường hợp mắc, 9 trường hợp tử vong. Theo giới chuyên môn, tỷ lệ chết/mắc tăng cao bất thường báo hiệu một năm dịch TCM sẽ có những diễn biến phức tạp khó lường. Dự báo số mắc TCM năm 2012 có thể còn cao hơn con số 112.000 ca của năm 2011, vì thế phải chuẩn bị mọi biện pháp để đối phó. TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo ngại, điểm bất thường là dịch TCM đã có xuất phát điểm cao ngay từ những tuần đầu tiên trong năm 2012 chứ không đơn thuần là hiện tượng "đuôi dịch" của năm cũ. "Nếu là dịch của năm cũ thì số ca mắc và tử vong sẽ giảm dần, tuy nhiên trong 7-8 tuần qua, trung bình mỗi tuần cả nước ghi nhận thêm khoảng 1.000 ca mắc. Một số tỉnh có xu hướng gia tăng số mắc là Hải Phòng, Đồng Nai, Hòa Bình, Hậu Giang và với 9 trẻ nhỏ tử vong do TCM đều do tác nhân là virus Enterovirus 71" - ông Nguyễn Văn Bình nói.

Trong khi đó, sự trở lại của dịch cúm gia cầm H5N1 trên người sau gần 2 năm vắng bóng đã làm dấy lên mối lo bùng phát dịch khi mà số địa phương có dịch cúm gia cầm đang lan rộng. Theo ông Nguyễn Văn Bình, thông thường xuất hiện cúm ở gia cầm thì sẽ có ca bệnh ở người. Trong khi đó virus cúm A/H5N1 vẫn là chủng có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Một lo ngại khác được PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ đề cập tới là hiện tượng virus cúm A/H5N1 lưu hành trong các đàn thủy cầm, nhưng không có biểu hiện, gây khó khăn cho giám sát, phát hiện sớm và xử lý ổ dịch. PGS-TS Nguyễn Trần Hiển cho rằng, sự thay đổi thường xuyên của chủng virus cúm A tiềm ẩn nguy cơ lây truyền từ gia cầm sang người và từ người sang người. Ngoài ra, dự báo năm nay SXH sẽ tăng theo chu kỳ. Hiện dịch bệnh này cũng đang lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và đặc biệt "nóng" ở khu vực phía nam. Bên cạnh đó bệnh viêm não mô cầu cũng đe dọa bùng phát khi liên tục xuất hiện bệnh nhân tại một số tỉnh miền Bắc và miền Nam trong những ngày đầu năm.

Dự báo về tình hình dịch bệnh năm nay, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, năm 2012 cúm A/H5N1 là một trong những bệnh truyền nhiễm có khả năng bùng phát thành dịch. Các bệnh truyền nhiễm "kinh điển" như SXH, tả, viêm màng não, viêm não virus, sởi, rubella luôn có nguy cơ bùng phát thành dịch. Các bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ như dịch hạch, bại liệt có nguy cơ xâm nhập. Bên cạnh đó là sự xuất hiện tác nhân gây bệnh nguy hiểm và mới nổi, sự biến chủng của virus gây bệnh.

Vẫn bị động trong phòng, chống dịch

Phân tích về nguyên nhân lây lan dịch TCM, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, bệnh này do virus đường ruột gây nên, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp trong khi bệnh lại không có vắcxin phòng ngừa, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Đáng nói là, số người lành mang vi trùng lên tới 71% trong các ổ dịch, trong khi nhiều nơi, nhiều người chưa thực sự quan tâm phòng bệnh dù cách phòng bệnh rất đơn giản là vệ sinh cá nhân. Kết quả điều tra của một số tổ chức thế giới cũng cho thấy, thói quen rửa tay bằng xà phòng chỉ có ở khoảng 50% dân số trong khi thói quen này sẽ giúp giảm 40% tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy, 23% tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp cấp tính và như PGS-TS Nguyễn Trần Hiển lo ngại, "việc giảm ca bệnh phụ thuộc rất nhiều vào hành vi vệ sinh của các bậc cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ, tuy nhiên qua khảo sát, thói quen rửa tay ở những đối tượng này không có sự chuyển biến đáng kể". Dịch cúm AH5N1 cũng ngày càng khó đoán như phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, bởi dịch trên người phụ thuộc vào dịch trên đàn gia cầm. Tuy nhiên, cách phòng bệnh cũng chỉ đơn giản là tuyệt đối không giết mổ, sử dụng thịt gia cầm ốm chết. Nhưng việc đơn giản ấy cũng không được người dân tuân thủ, các chuyên gia y tế nhận xét.

Tuy nhiên, như Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang Viêm Quang Mai nhận xét : "Không nên chỉ đổ lỗi cho ý thức người dân. Chỉ khi có bệnh nhân bị bệnh tới bệnh viện, chúng ta mới biết ca bệnh đó. Bác sĩ không phân biệt nổi dấu hiệu lâm sàng ca bệnh TCM điển hình thì đừng nói người dân thiếu kiến thức". Năm 2011, ngành y tế đã huy động nguồn lực chống dịch khá nhiều song nhiều dịch bệnh, đặc biệt là dịch TCM vẫn có xu hướng gia tăng ngay từ đầu năm 2012. Nguyên nhân do đâu? Tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống cúm A/H5N1 và triển khai kế hoạch phòng dịch năm 2012 do Bộ Y tế tổ chức tuần qua, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác y tế dự phòng, trong đó có việc giám sát các ca bệnh truyền nhiễm còn thụ động, thiếu thông tin về nguy cơ, kinh phí chống dịch thường chỉ được cấp khi đã có dịch xảy ra nên khó chủ động kiểm soát dịch bệnh. Ở nhiều nơi công tác phòng dịch gần như phó mặc ngành y tế. Việc báo cáo dịch bệnh còn chậm trễ, có khi phải mất 3 tuần mới báo được lên đến trung ương nên việc khống chế dịch gặp nhiều khó khăn.

Một vấn đề khác gây tranh cãi trong suốt năm 2011 là có công bố dịch hay không, thế nào là dịch vượt tầm kiểm soát của địa phương? Chính vì quy định rất định tính này nên nhiều chuyên gia dịch tễ đã đề nghị có những cuộc họp bàn thống nhất thế nào là "dịch vượt quá tầm kiểm soát của địa phương", không để tình trạng số mắc và tử vong thì liên tục tăng còn địa phương lại khăng khăng "dịch vẫn trong tầm kiểm soát". Sợ công bố dịch sẽ ảnh hưởng đến thành tích và sự phát triển của địa phương là một nguyên nhân khiến cho công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thấy rõ những điểm yếu trong công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngành y tế sẽ đưa 3 dịch bệnh truyền nhiễm là TCM, cúm A/H5N1 và viêm não mô cầu vào hoạt động giám sát chủ động để có những cảnh báo kịp thời tới người dân, ngăn ngừa nguy cơ "dịch chồng dịch".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ “dịch chồng dịch”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.