Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn tư liệu hàng đầu về văn hóa Việt Nam

Vân Lam| 05/08/2022 12:30

(HNMCT) - Trong hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”, học giả Đào Duy Anh từng viết: “Mỗi người đều “mang lấy nghiệp vào thân”, cái nghiệp của tôi là nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Để làm trọn cái nghiệp ấy, tôi đã phải lần mò khá lâu và nhiều khi đã phải đi vào những chặng đường ngoắt ngoéo”. Nghiên cứu sử học là lẽ sống của Đào Duy Anh. Ông “nguyện làm con chim Tinh Vệ suốt đời ngậm đá lấp biển Đông, sẽ cố gắng cắp từng hòn sỏi mà mong góp phần vào công việc lấp bể học mênh mông bát ngát”.

Để “có thể góp phần phục hồi cái sinh khí của dân tộc đang bị lu mờ dưới chế độ thống trị của thực dân”, ông đã cần mẫn thực hiện hơn 30 công trình nghiên cứu, dịch thuật, đồng thời tham gia hiệu đính, biên tập và chú giải nhiều đầu sách khảo cứu có giá trị. Phạm vi nghiên cứu của Đào Duy Anh bao quát nhiều lĩnh vực như sử học, địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, văn học dân gian, và ở lĩnh vực nào ông cũng đạt được thành tựu đáng kể. Một trong những công trình nổi tiếng nhất là “Việt Nam văn hóa sử cương” được biên soạn và xuất bản khi ông mới 34 tuổi. Công trình được đánh giá là bộ sử toàn diện đầu tiên và có hệ thống nhất về văn hóa Việt Nam từ sơ khởi đến năm 1938.

Được biên soạn trên tinh thần “văn hóa là sinh hoạt”, tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh đã lược khảo “con đường diên cách xưa nay” ở tất cả các phương diện, từ kinh tế, chính trị, xã hội, học thuật tư tưởng đến phong tục tập quán với mong muốn “ôn lại cái vốn văn - hóa của nước nhà”. Ở thời kỳ xuất hiện sự xung đột giữa những giá trị văn hóa cổ truyền với những điều mới lạ của văn hóa tây phương, thì theo Đào Duy Anh, muốn giải quyết xung đột thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy. Bởi thế, ông đã “thu thập những tài liệu hiện có, sắp đặt lại thành hệ thống” để có thể “một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn - hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn - hóa mới”.

Kể từ khi ra đời cho đến nay, “Việt Nam văn hóa sử cương” luôn là nguồn tư liệu bổ ích hàng đầu cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Tác phẩm cũng trở thành kim chỉ nam cho nhiều công trình khảo cứu văn hóa và là nguồn tham khảo khả tín cho nhiều cuốn sách ra đời sau này. Theo Giáo sư Phan Huy Lê, tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh cùng với tác phẩm “Văn Minh An Nam” của Nguyễn Văn Huyên là hai công trình khoa học đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam trên tinh thần khoa học và dân tộc.

Mong muốn mang đến cho độc giả một cuốn sách được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức, Đông A books và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã cho ra mắt ấn bản “Việt Nam văn hóa sử cương” dựa theo bản in lần đầu năm 1938 của Quan-hải tùng-thư, đồng thời tham khảo một số chi tiết trong nội dung của bản in năm 1951 của Xuất bản Bốn phương thuộc Viện Giáo khoa - Hiên Tân Biên. Sách được bổ sung phần Sách - dẫn để độc giả tiện tra cứu, hiệu đính và bổ chú một số chi tiết sai sót hoặc tồn nghi trong bản in lần đầu.

Đặc biệt, đáp ứng thị hiếu độc giả đương thời, ấn bản này bổ sung 108 minh họa so với bản gốc. Minh họa được tuyển chọn từ các bản sách tiếng Pháp về Đông Dương, tư liệu ở bảo tàng, tranh dân gian, sách báo xưa..., trong đó có bức họa của họa sĩ Thang Trần Phềnh và 6 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn tư liệu hàng đầu về văn hóa Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.