(HNM) - Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2020, hiện nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chủ động chuẩn bị và tự tin với đội ngũ hướng dẫn viên của mình để nhận tour, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp lại thận trọng, không mở rộng tour tuyến vì lo ngại không đủ hướng dẫn viên.
Cơ hội làm việc cho hướng dẫn viên trẻ
Cả nước có hơn 26.500 hướng dẫn viên du lịch, trong đó Hà Nội có khoảng 5.700 người. Dịp Tết Nguyên đán, trong khi nhiều hướng dẫn viên chọn cách tiếp tục cộng tác với các doanh nghiệp quen thuộc thì cũng có nhiều hướng dẫn viên chọn cách nghỉ ngơi sau cả năm làm việc. Anh Nguyễn Thế Anh, hướng dẫn viên của thương hiệu Rubicon Tour (Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Minh) cho hay: “Tại Hà Nội, nhu cầu hướng dẫn viên thường tăng đột biến vào tháng 1, 2 và tháng 12 trong năm. Trong đó, tháng 1, 2 là dịp Tết Nguyên đán, lượng khách nước ngoài đến Hà Nội rất đông, nhưng nhiều hướng dẫn viên đã chọn nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả, nên doanh nghiệp bị thiếu hướng dẫn viên nếu không có sự chuẩn bị từ trước”. Ngược lại, như anh Nguyễn Thế Anh, cũng có hướng dẫn viên thường chọn đi làm vào dịp Tết Nguyên đán vì thu nhập cao hơn và hơn hết là vì mối quan hệ khăng khít với doanh nghiệp lữ hành. "Trong dịp Tết Nguyên đán tới, tôi nghỉ đến mùng 2, sau đó nhận dẫn tour cho đơn vị đã cộng tác với mình trong nhiều năm qua. Kể cả lúc thấp điểm khách nước ngoài đến Hà Nội, tôi vẫn được công ty ưu tiên bố trí dẫn tour nên đến dịp Tết Nguyên đán mình cũng phải có trách nhiệm với công ty", Thế Anh nói.
Ngược lại với quan điểm của Thế Anh, ông Nguyễn Văn Chương, hướng dẫn viên tiếng Đức tại Hà Nội cho biết, do lớn tuổi, lại muốn gần gia đình nên ông chọn cách nghỉ ngơi trong cả tháng Giêng. Thu nhập với ông hiện nay không phải là vấn đề lớn nên càng mong muốn nghỉ ngơi dịp này.
Nhiều hướng dẫn viên kỳ cựu đều có chung nhận định, trong dịp Tết Nguyên đán, khi họ nghỉ ngơi cũng là cơ hội mang đến việc làm, nâng cao trình độ cho những hướng dẫn viên trẻ. Tuy vậy, lượng hướng dẫn viên giảm cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến các công ty lữ hành. Như Công ty Lữ hành VietBeauty Tour, do lo ngại không huy động đủ hướng dẫn viên chất lượng, nên chỉ khai thác tour Hạ Long, Ninh Bình trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới, còn các tour khác sẽ ngừng nhận khách và chỉ khai thác trở lại từ sau kỳ nghỉ Tết.
Chủ động với đội ngũ hướng dẫn viên
Với các doanh nghiệp lữ hành lớn, khâu chuẩn bị đội ngũ hướng dẫn viên trong dịp Tết Nguyên đán luôn được chủ động từ rất sớm. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Vietravel khu vực miền Bắc cho biết: “Dịp Tết năm 2020, Vietravel dự kiến phục vụ hơn 35.000 đến 40.000 du khách.
Do vậy, Vietravel đã đặt dịch vụ máy bay, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng… với đối tác từ rất sớm. Đặc biệt, việc sắp xếp, phân bổ hướng dẫn viên đi tour cũng được chuẩn bị kỹ. Từ năm 2018, Vietravel đã thành lập Trung tâm Điều hành hướng dẫn viên đầu tiên tại Việt Nam nên có thể đáp ứng yêu cầu ở mọi thị trường, trong đó có các thị trường mới, cần kiến thức chuyên sâu, như Ai Cập, Bhutan, Ấn Độ, Nam Phi, Maroc…”.
Còn bà Ngô Hoàng Anh, phụ trách truyền thông Công ty Lữ hành Vietrantour cho biết, khách đặt tour Tết ở nước ngoài của công ty thường là gia đình, nhóm gia đình với các lịch trình khám phá văn hóa tại châu Âu, Australia - New Zealand, hoặc các nước châu Á có nền văn hóa tương đồng Việt Nam như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Vì vậy, việc tuyển chọn hướng dẫn viên của công ty sẽ rất linh hoạt, ưu tiên những người có kinh nghiệm lâu năm, am hiểu tâm lý khách hàng và xử lý tình huống tinh tế, có kiến thức rộng rãi về phong tục, tập quán điểm đến. “Dù lượng khách tăng đột biến, nhưng Vietrantour luôn có đội ngũ hướng dẫn là cộng tác viên “ruột” hoặc thuộc biên chế doanh nghiệp. Để không bị động, chúng tôi đã xây dựng sản phẩm tour Tết từ sớm và chốt số lượng tour, đồng thời bố trí, sắp xếp hướng dẫn viên phù hợp từng tour cụ thể” - đại diện của Vietrantour cho hay.
Theo ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó phòng Điều hành hướng dẫn viên Công ty Lữ hành Hanoitourist, dịp Tết Nguyên đán chính là lúc các công ty sử dụng tốt nhất đội ngũ hướng dẫn viên đã cộng tác lâu dài, ổn định. Để không lâm vào cảnh thiếu hướng dẫn viên trong dịp Tết, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Tiên Phong Travel cho hay: “Chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác đã phải chủ động xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên để luôn sẵn sàng tham gia các tour vào dịp Tết Nguyên đán”. Cũng theo nhiều doanh nghiệp, để khuyến khích các hướng dẫn viên trong dịp này, thù lao thường tăng gấp đôi đến gấp ba so với ngày thường.
Hướng dẫn viên chính là "bộ mặt" của doanh nghiệp, là mắt xích quan trọng trong chương trình tour. Vì thế, rõ ràng việc chủ động về nguồn hướng dẫn viên luôn là yêu cầu cần thiết, để bảo đảm chất lượng tour cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lữ hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.