(HNM) - Hầu hết các loại chai, lọ, hộp nhựa dùng để đựng nước hay thực phẩm đóng gói trên thị trường được sản xuất chỉ sử dụng một lần. Tuy nhiên, nhiều gia đình có thói quen tái sử dụng các sản phẩm này để đựng nước uống, đồ ăn mà không biết đó có thể là nguồn gây bệnh cho cả gia đình.
Từ sự tùy tiện…
Luôn tận dụng chai nhựa, lọ nhựa để làm vật dụng hằng ngày, chị Nguyễn Huyền Trang (ở đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) cho rằng, đây là việc làm “lợi cả đôi đường” như: Vỏ hộp sữa chua sau khi ăn vẫn có thể tận dụng đựng sữa chua tự làm hoặc cốc làm đá trong tủ lạnh; chai nước khoáng uống hết tiếp tục dùng đựng nước lọc; hộp kem có thể đựng thức ăn trong tủ lạnh… Theo chị Nguyễn Huyền Trang, việc tận dụng giúp giảm chi phí mua các loại hộp, chai, lọ... phục vụ sinh hoạt hằng ngàyTương tự, chị Kim Dung (ở Phương Mai, quận Đống Đa) còn tận dụng những loại hộp nhựa nêu trên để đựng muối, đường, gia vị, ngâm giấm tỏi ớt hoặc muối dưa, cà. Chị chia sẻ: “Tận dụng những hộp, lọ nhựa sẽ tốt hơn là vứt bỏ, làm ảnh hưởng đến môi trường”.
Người dân cần cảnh giác khi sử dụng thực phẩm đựng trong lọ nhựa tận dụng. |
Không sợ vỡ, dễ sử dụng, tiết kiệm chi phí… là những ưu điểm dễ thấy khi tái sử dụng đồ nhựa. Thế nhưng, tiềm ẩn sau sự tiện lợi đó lại là những nguy cơ bất lợi về sức khỏe của người sử dụng. Vì ở nước ta hiện nay, các sản phẩm đồ nhựa có mặt trên thị trường chưa được kiểm định chặt chẽ, chất lượng, sự an toàn phụ thuộc hoàn toàn vào lương tâm nhà sản xuất. Trên các đồ dùng bằng nhựa cũng chưa ghi rõ thành phần và những khuyến cáo khi sử dụng. Thậm chí, nguyên liệu dùng để sản xuất các đồ nhựa đựng thực phẩm cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đa số các cơ sở tư nhân đều dùng nhựa tái sinh để sản xuất trên thiết bị thô sơ, không đủ yêu cầu kỹ thuật nên thường chứa các yếu tố gây độc hại cho cơ thể con người.
…đến mầm gây bệnh
Theo PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong quá trình sản xuất đồ nhựa, nhà sản xuất thường sử dụng hóa chất hữu cơ melamine và nhiều phụ gia khác, như: Chất làm dẻo, chất tạo màu, chất phụ gia... Do đó, đồ nhựa có thể an toàn nếu chỉ chứa nước, hoặc đựng đồ theo đúng chức năng. Khi dùng những đồ nhựa này để đựng thực phẩm, nhất là đồ nóng, nhiều mỡ, axít như: Dưa cà muối, giấm, dầu ăn…, các chất phụ gia sẽ phơi nhiễm vào thực phẩm khiến người dùng dễ nhiễm độc. Nguy hại hơn, nếu tận dụng các thùng đựng sơn để muối cà, các chất phụ gia, tạo màu, dung môi từ sơn còn lưu lại sẽ ngấm vào dưa cà và gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo về việc sử dụng các loại nhựa không rõ nguồn gốc, lẫn nhiều tạp chất để tái chế thành dụng cụ dùng trong ngành công nghiệp thực phẩm như: Thìa ăn, ống hút, lọ đựng thực phẩm… là rất nguy hiểm. Bởi vì tại các làng nghề thủ công truyền thống hiện nay vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu để tinh chế nhựa, sau đó nấu thành hạt nhựa bán cho người sản xuất, như vậy không thể loại bỏ được tạp chất độc hại có trong những loại nhựa này. Và nếu sử dụng, nhựa có thể phát sinh chất độc, nhiễm vào thực phẩm. Đặc biệt, nếu đựng thực phẩm nóng ở nhiệt độ 100oC, hàm lượng monostyren (một chất độc) trong nhựa sẽ giải phóng ra và ngấm vào thức ăn. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến gan và gây ra rất nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người. “Bát, hộp nhựa sau một thời gian dài sử dụng cũng sẽ bị trầy xước, ngả màu, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn tích tụ và gây bệnh. Đặc biệt, đối với những loại nhựa kém chất lượng, quá trình sử dụng sẽ sản sinh chất BPA - đây là chất độc gây ra một số bệnh như: Vô sinh, tiểu đường, ung thư… Chính vì vậy, người dân cần phải cảnh giác với những sản phẩm như: Cốc, bát, thìa, dĩa, ống hút nhựa..., nhất là những sản phẩm dùng một lần và những sản phẩm không rõ nguồn gốc”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.
Qua các đợt thanh, kiểm tra, các đoàn thanh tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của Hà Nội cũng đã chấn chỉnh và xử phạt những quán hàng cố tình sử dụng thùng sơn để muối dưa, cà. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết: Nếu muốn đựng thực phẩm và muối dưa cà, người dân phải chọn những loại được phép sử dụng, rõ nguồn gốc xuất xứ, thông số rõ ràng. Nếu cố dùng những hộp nhựa không bảo đảm chất lượng, chúng ta có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh. Người dân không nên vì tiện lợi, tiết kiệm mà tái sử dụng những chai, lọ, hộp nhựa đựng thực phẩm đóng gói sẵn trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.