(HNM) - Hôm nay, 12-4 (10 tháng Ba Tân Mão), người dân quanh các di tích thờ các vua Hùng trên mọi miền đất nước lại dâng nén hương thơm, tổ chức lễ hội tri ân Tổ tiên, tôn vinh tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, trong đó Lễ hội Đền Hùng trên Đất Tổ (Phú Thọ) được tổ chức lớn nhất.
Âm vang truyền thống
Người dân mọi miền đất nước về dự Giỗ Tổ. Ảnh: Khánh Nguyên
Tháng Ba về, nắng ấm áp hửng lên sau những ngày đông kéo dài. Khi những bông hoa gạo bung nở như đốm lửa trên cây thì hàng triệu người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, dù có đi bốn phương trời cũng thu xếp về đất Tổ dâng nén hương thơm tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Xúc cảm dạt dào ăm ắp đất thiêng.
Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, thu hút hàng triệu lượt người làm náo nhiệt cả một vùng không gian rộng lớn. Ngay từ thành phố Việt Trì, đã thấy hàng nghìn người reo hò, cổ vũ cho cuộc thi bơi chải trên sông Lô và Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Cúp Hùng Vương năm 2011. Dòng xe hối hả, náo nức ngược lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Khắp các nẻo đường, băng rôn, khẩu hiệu rợp đỏ, tung bay phấp phới. Đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng, dòng người như vô tận, thành kính, trang nghiêm lên Đền Thượng, xuống Đền Trung, đền Hạ rồi Đền Giếng thắp nén tâm hương trước bàn thờ tổ tiên, Đền Giếng và Đền Hạ đã được trùng tu, tôn tạo khang trang hơn. Trục đường từ sân lễ hội ra đường 32C đã thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hành hương.
Dù được nghe hát quan họ, thưởng thức trà đất Tổ, tham quan các gian hàng thủ công mỹ nghệ, vui cùng thanh niên trong các hội trại văn hóa, háo hức thử đánh trống đồng, đâm đuống, hát Xoan, song Bảo tàng Hùng Vương vẫn là địa điểm hấp dẫn du khách bậc nhất. Nơi đây, hàng trăm hiện vật từ thời Hùng Vương đến nay do các tổ chức, cá nhân cung tiến được trưng bày với chủ đề "Tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế với Đền Hùng". Nổi bật trong số đó là 17 chiếc trống đồng mô phỏng trống đồng Hy Cương, Hoàng Hạ, Ngọc Lũ vừa được nhập linh. Xem những hiện vật này, bà Nguyễn Thanh Mai, người dân xã Xuân Sơn, Sơn Tây (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đã hiểu hơn lịch sử mấy nghìn năm của đất nước qua chứng tích lịch sử".
Tỏa sáng văn hóa truyền thống
Bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng BTC Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng cho hay: Chưa có năm nào người dân vùng đất Tổ lại háo hức chờ đón và tham dự Lễ hội Đền Hùng như năm nay bởi hai di sản đặc trưng của đất này là "Hát Xoan" và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đang trên lộ trình chinh phục các danh hiệu Di sản văn hóa thế giới.
Hát xoan cổ tại lễ khai hội.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hoàn toàn theo nghi thức truyền thống. Ngày đầu tiên cúng Cha, cúng Mẹ (6-3 âm lịch), người dân xã Hy Cương nằm ngay chân núi Hùng theo phong tục "con trưởng tạo lệ" đã huy động tới hơn 1.000 người mang sắc phục truyền thống, cờ quạt, trống, mõ đi theo hàng nghi lễ từ thôn Cổ Tích lên Khu di tích Đền Hùng dâng hương tiên tổ. Cùng thời khắc này, tại nhiều làng, xã có kiệu cổ như Hùng Lô (cách Đền Hùng 10km), Thụy Vân… già trẻ, trai gái cũng trống kèn rộn rã rước kiệu. Hơn thế, 13 quận, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đều có 13 chiếc kiệu, 13 đoàn rước, 13 mâm lễ vật dâng các vua Hùng. Nghi lễ đặc biệt này sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày chính Giỗ mùng 10 tháng Ba.
Ngoài Khu di tích Đền Hùng, tín ngưỡng thờ Hùng Vương còn đậm đặc ở vùng phụ cận. Cách Đền Hùng khoảng 7km về phía Tây Nam, xã Thanh Đình còn lưu giữ rõ nét tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thờ lúa, thờ thần nông nghiệp và nhân thần có công với nước qua các lễ hội như: "Lễ rước giải", rước "ông khiu bà khiu", "lễ tế thánh", lễ "hú cờ"... Lễ Hạ Điền ở xã Hy Cương tôn vinh nghề trồng lúa nước, tưởng nhớ công ơn các vua Hùng đến thời điểm này đã được chuẩn bị khá công phu… dù lễ hội sẽ diễn ra ngày 25-5 âm lịch.
Nói về tín ngưỡng thờ Hùng Vương, ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Vua Hùng từ lâu đã trở thành chỗ dựa tinh thần của mỗi người con Việt Nam và là sợi dây thiêng liêng gắn kết toàn dân tộc. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương có ý nghĩa giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" cho các thế hệ người Việt.. Hiện cả nước có hơn 1.400 di tích thờ Hùng Vương, lạc hầu, lạc tướng… và ở mỗi di tích, người dân đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ các vua Hùng. Theo ông Nguyễn Chí Bền, hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" ứng cử là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã tới UNESCO từ ngày 29-3 và đang trong vòng xét duyệt đầu tiên. Với những giá trị độc đáo, sức lan tỏa sâu rộng, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" có nhiều cơ hội trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đến với Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong những ngày lễ hội, du khách còn vô cùng bất ngờ khi được đắm mình trong không gian hát Xoan với những điệu Xoan cổ vừa mượt mà, đằm thắm, vừa bác học, công phu. Ngay cổng vào Đền Hùng, các nghệ nhân của phường Xoan làng Kim Đức - nơi hát Xoan "sống khỏe nhất" - liên tục trình diễn phục vụ du khách. Trước Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Tổ Mẫu Âu Cơ, các phường Xoan làng An Thái, Thét… cũng cất lên "Khúc môn đình", tương truyền có từ thời các vua Hùng.
Nhằm tôn vinh di sản hát Xoan, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Liên hoan Tiếng hát làng Xoan tại Bảo tàng Hùng Vương trong dịp Giỗ Tổ. Tham dự Liên hoan có 15 phường, CLB hát Xoan của các huyện Lâm Thao, Thanh Thủy, Phù Ninh, Đoan Hùng, thành phố Việt Trì và Trường Đại học Hùng Vương. Mỗi đội tham gia từ 3 đến 5 tiết mục. Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ cho biết: Liên hoan là dịp để tỉnh đánh giá kết quả quá trình sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng làn điệu Xoan tại các phường Xoan; đồng thời đánh giá sức sống, sức lan tỏa của hát Xoan trong đời sống cộng đồng. Hiện hồ sơ hát Xoan đã đến vòng thẩm định cuối cùng của UNESCO.
Đến với Lễ hội Đền Hùng năm 2011, mê mải trong không gian văn hóa linh thiêng, thưởng thức nhiều "đặc sản" văn hóa vùng đất Tổ, hẳn sẽ là chuyến hành hương về nguồn khó quên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.