(HNM) -
Giữ được sự "lặng lẽ" ấy, hẳn ở ông phải là một trí tuệ mẫn tiệp và một nhân cách lớn. Năm 2014, đã 100 tuổi, nhà nghiên cứu, dịch giả Vũ Tuân Sán nhận Giải thưởng Lớn của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Chút ghi nhận thành tâm về công lao của ông đã khiến thế hệ đi sau có thêm cơ may được tiếp cận, hiểu hơn về một con người không chỉ suốt đời coi Hà Nội như nguồn cảm hứng lớn mà bản thân ông cũng đã trở thành nguồn cảm hứng mang tên "Hà Nội".
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trao Giải thưởng Lớn của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2014 cho nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán. Ảnh: Mạnh Tuấn |
1. Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán hiện đang sống cùng đại gia đình đông con, cháu, chắt trong một khuôn viên rộng rãi với cổng cổ, tường rêu, xanh mướt cây cối ở làng Đại Từ (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). Chung mà riêng, riêng mà vẫn chung đường đi, lối lại, cùng nhau giữ gìn, tận hưởng bầu không khí của "làng trong phố" - điều ngày một hiếm hoi trong cơn phong ba đô thị hóa.
Gia đình lớn giữ được mảnh hồn quê trong lòng đô thị lớn, chắc chắn phải nhờ sự tỏa bóng tinh thần vừa nho giáo vừa cởi mở Tây học của người cha. Người mà như hai con gái của ông có mặt hôm người viết tìm đến đã phác họa: "Ba gần như không bao giờ đánh con cái. Cứ thứ bảy là ba lại họp các con lại, để kiểm điểm việc học tập, vui chơi trong tuần. Ba thưởng bằng cách cho về thăm quê, tức là về làng Đại Từ, kể chuyện danh nhân, lịch sử. Ba luôn dặn phải khiêm tốn. Nhìn việc gì cũng nhìn vào mặt tích cực…".
Chỉn chu, nền nếp trong sinh hoạt, cởi mở khi tiếp khách, nhẹ nhàng, tinh tế, hóm hỉnh, bất kể ai tiếp xúc với ông cũng đều cảm nhận rõ phong thái, cốt cách của một nhân sĩ đáng quý của đất Thăng Long.
Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán sinh năm 1915, nhận bằng cử nhân luật năm 1937 tại Hà Nội. Thuở bé, ông được cha là cụ đồ Vũ Duy Hoán - tốt nghiệp khoa Sư phạm đầu tiên của Trường Bưởi - dạy học. Ông đã theo nghề dạy học trường tư ở Hải Phòng, Hà Nội, Vinh, Huế, từng là giảng viên khoa Văn thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông cũng từng là Giám đốc Hình sự Bộ Tư pháp của Chính phủ cách mạng; Thẩm phán Tòa án Hà Nội. Trong lĩnh vực văn hóa, ông từng là cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, là cán bộ Viện Hán Nôm. Ông từng viết bài cho nhiều tờ báo uy tín, trong đó có Hànộimới… Một vài nét trong sự nghiệp của ông đã đủ thấy con người này là nhân chứng của bao sự đổi thay trên đất nước ta, và đặc biệt là trên mảnh đất Kinh kỳ - Kẻ chợ.
2. Trong bài viết "Vườn táo lặng lẽ" (ý tưởng từ bút danh Tảo Trang - Vườn Táo của ông), tác giả Hoàng Định miêu tả: "Hà Nội đầy ắp gia phả, tộc phả, truyền thuyết, chiếc xe đạp lăn bánh từ vị trưởng họ này ở Thanh Trì đến tấm bia, huyền tích nọ ở Đông Anh, Gia Lâm. Túi dết đựng đồ ăn, bút sổ, sách tra cứu, phả tộc họ, ông ăn ở "dầm dề" giữa những "tàn dư phong kiến"(…). Những người nhặt nhạnh giá trị quá khứ như ông đã làm việc vất vả, âm thầm vô cùng. Không yêu, không tiếc "của giời", không làm được".
Phải nói, tinh thần lao động say mê và vô tư ấy khiến Vũ Tuân Sán trở thành người được tin cậy trong giới nghiên cứu. Người trong cuộc biết rõ những đóng góp thiết thực và ý nghĩa của ông. Nào là những nghiên cứu về thành Thăng Long thời Lý và thời Trần, về các địa danh lịch sử như núi Nùng, núi Khán, núi Sưa, bến Đông Bộ Đầu hay các di tích như chùa Hàm Long, đền Ngọc Sơn, miếu Trung Hiền… Ông là người đã "đính chính" cho sự nhầm lẫn phổ biến trước đó, điển hình như chuyện Núi Nùng bị lẫn với Núi Sưa. Cho đến nay, ông vẫn giữ thói quen ấy, thấy sai thì phải sửa lại cho đúng, nhưng cách nói, cách góp ý đều rất mực tinh tế, thuyết phục. Khi đến thăm ông, người đã vào tuổi 100, thấy trên bàn làm việc vẫn là bản thảo với cỡ chữ phóng to, những dấu chữa bằng bút bi xanh của ông đối với những gì được viết - hiểu chưa đúng hoặc chưa hết nghĩa. Nói về mong muốn nghiên cứu cho Hà Nội, ông bảo còn nhiều ý tưởng lắm, như nghiên cứu thơ Nôm của Nguyễn Trãi, hay về sự nghiệp của Lê Quý Đôn… Ông còn những tài liệu gốc chưa kịp xuất bản, như bản gốc tài liệu "Phố phường thành Thăng Long" - bản đánh máy trên giấy mỏng từ năm 1969, hiện đã được các con phục chế, chụp lại.
Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán có nhiều công trình viết chung với các học giả, nhà nghiên cứu khác. Công trình riêng của ông không nhiều, nhưng phải kể đến "Hà Nội xưa và nay" với gần 1.000 trang về Hà Nội sử địa, Hà Nội di tích, Hà Nội danh nhân, Hà Nội văn học, Hà Nội văn nghệ dân gian, nghề truyền thống… Nói như GS.TS Mai Quốc Liên: "Đây là một tập sách khảo cứu Hà Nội của một nhà văn hóa bậc thầy; một tâm hồn yêu Hà Nội, yêu đất nước thiết tha, nồng cháy và chung thủy".
Còn, như lời (phát hiện) của một nhà báo thì trong rất nhiều bài viết, ấn phẩm về Hà Nội sau này, ta dễ thấy "lấp lánh" những ý tưởng, tư liệu của Vũ Tuân Sán dù phần nhiều không ghi xuất xứ. Có hề gì, con người khoa học và nhân cách của một trí thức Hà Nội "thơm thảo" như ông vốn đã quen sẻ chia, coi đó như nghĩa vụ của mình.
3. Thật dễ hiểu vì sao những nhà nghiên cứu, khoa học tên tuổi lại gọi ông "là một nhà văn hóa bậc thầy, nhà Hà Nội học của các nhà Hà Nội học".
Các công trình nghiên cứu của Vũ Tuân Sán đã là di sản rất đáng quý, nhưng, còn một thứ di sản nữa - thể hiện rõ ở ông - cũng vô cùng đáng giữ cho Thăng Long - Hà Nội mai này, ấy là cốt cách của người trí thức xưa: mẫn cán, uyên bác, vững vàng, điềm đạm. Cái tinh thần của gạn đục, khơi trong, của kết tinh, hội tụ. Tây học nhưng vẫn giữ nguyên tắc "Ngũ tri đường" (chỉ 5 điều biết cần cho mọi người, thâu tóm triết lý sống của một người chân chính).
Xin lấy lời nhận định của nhà nghiên cứu trẻ Trần Trọng Dương (sinh năm 1980) của Viện Hán Nôm để kết thúc bài viết nhỏ về một nhân cách lớn này: "Với nhiều thế hệ nghiên cứu cổ học, cái tên Vũ Tuân Sán hiện lên và vang vọng như một lâu đài cổ kính và thâm nghiêm. Ông được biết đến với tư cách là thế hệ lão thành trong việc xây dựng ngành Hán Nôm, là người đã dành cả cuộc đời âm trầm để đi nhặt từng vảy chữ, từng địa danh, từng góc phố, gom nhặt từng mảnh bụi của thời gian. Những công trình, bài viết của ông trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ Hán học, Nôm học đến sử học, địa lý học… đều đã trở thành nguồn tri thức giá trị còn mãi với thời gian".
Hà Nội - bức tranh đa chiều Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander: Sự hợp tác đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực Đại sứ quán Thụy Điển đã nhận được sự giúp đỡ quan trọng từ UBND TP Hà Nội cũng như các sở, ngành liên quan bất cứ khi nào chúng tôi có đoàn cấp cao hoặc các sự kiện song phương cần sự tổ chức, phối hợp. Do đó, tôi luôn tin tưởng rằng sự hợp tác giữa Thụy Điển với Hà Nội đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực. Chúng tôi sẵn lòng và rất mong muốn chia sẻ một số kinh nghiệm của thủ đô Stockholm trong quá trình phát triển và trở thành một trong những thành phố xanh, sạch và đẹp nhất của Châu Âu, đặc biệt trong các chủ đề TP Hà Nội đang dành nhiều quan tâm như tìm kiếm giải pháp giao thông mang tính bền vững và các vấn đề môi trường. Được biết, ngày 10-10 tới đây là kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô. Tôi cũng đang cảm nhận được niềm vui này với người dân Hà Nội khi đi trên từng con phố của Thủ đô nghìn năm tuổi và vững tin rằng Hà Nội sẽ tiếp nối truyền thống hào hùng của quá khứ để xây dựng một thành phố phát triển và giàu bản sắc trong tương lai. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.