Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam

Tiến sĩ Lê Xuân Dũng 21/08/2024 - 07:14

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào về thăm quê hương, đầu tư, kinh doanh, xây dựng, phát triển đất nước.

Thực tiễn là như vậy, nhưng các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá, gây chia rẽ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc bằng những luận điệu xuyên tạc, dối trá.

Chủ trương, chính sách đúng đắn

Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách bóp méo, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài; kích động chống phá, gây chia rẽ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc. Thông qua các trang mạng phản động, mạng xã hội: Facebook, Youtube, X, Tiktok, Zalo…, các thế lực thù địch, phản động dùng nhiều lời lẽ, hình ảnh, video, clip cắt ghép để thông tin không đúng sự thật, như: “Nhà nước không giúp gì, chỉ tìm cách khai thác nhân tài, vật lực của người Việt hải ngoại”; hay “việc thành lập các hội, đoàn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cách cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đang tham vọng định hướng chính trị”; “cộng sản xâm nhập, phá hoại và lũng đoạn các cộng đồng, các hội đoàn, các cơ sở thương mại, trường học của người Việt tại hải ngoại”… Thậm chí, mỗi khi Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách mới đối với người Việt Nam ở nước ngoài, các thế lực thù địch lại tuyên truyền rằng đó “thực chất là những chiêu trò ru ngủ giả hiệu dân chủ”.

Trước thực tế đó, đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch không chỉ nhằm khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài, mà còn trực tiếp góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong suốt những năm đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Một trong những dấu mốc quan trọng đó là Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 29-11-1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp đó là Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết đã nêu rõ tình hình và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; chủ trương và phương hướng công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; chỉ rõ những nhiệm vụ chủ yếu, như: Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, đồng thời duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước; hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước; hoàn chỉnh và xây dựng mới các chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động đầu tư, kinh doanh ở trong nước; đổi mới và đa dạng hóa các phương thức vận động, các hình thức tập hợp với mục đích đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, khuyến khích những hoạt động hướng về Tổ quốc của bà con, nhất là của thế hệ trẻ trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán nước sở tại…

Tiếp đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 19-5-2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Đặc biệt, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình triển khai, trong bối cảnh mới của thế giới, của đất nước và của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 12-8-2021, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 12-KL/TƯ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, khẳng định: Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đến ngày 10-11-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”.

Cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn trên, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành trên hầu hết các lĩnh vực liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như quốc tịch, dân sự, nhà ở, đất đai, cư trú, đầu tư, kinh doanh, theo hướng các quyền của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tiệm cận gần hơn với công dân trong nước, thuận lợi hơn trong việc về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh.

Kết quả đáng trân trọng

Hiện nay, với khoảng 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của mình. Trong các chuyến thăm, làm việc và trao đổi với lãnh đạo các nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta luôn đề nghị chính quyền sở tại có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống, hội nhập tốt vào xã hội sở tại. Bên cạnh đó, công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý, hội nhập và ổn định cuộc sống ở nước sở tại, cũng như bảo hộ công dân luôn được chú trọng.

Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng công tác đại đoàn kết, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương. Kiều bào luôn được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước như góp ý vào các văn kiện đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn… Các hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào… thường xuyên được đổi mới và thu hút đông đảo kiều bào tham gia.

Trong công tác gìn giữ tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước đã hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu dạy và học tiếng Việt, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên kiều bào, vận động chính quyền sở tại đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, đại học; cử các đoàn nghệ thuật trong nước đi biểu diễn phục vụ kiều bào... Đặc biệt, Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (ngày 8-9 hằng năm) đã góp phần lan tỏa tình yêu tiếng Việt, rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước tới thế hệ kiều bào trẻ.

Trong những năm gần đây, thành tựu phát triển và vị thế của đất nước ngày càng nâng cao đã giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị và điều kiện phát triển tốt hơn ở nước sở tại. Đồng bào sống xa Tổ quốc không chỉ tự hào về đất nước mà còn thấy rõ hơn mối quan hệ hữu cơ giữa vai trò, vị thế của đất nước đối với sự phát triển của chính mình, qua đó có thêm nhiều niềm tin và động lực đóng góp cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điển hình như, hưởng ứng “Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động chiến thắng đại dịch Covid-19” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, lời kêu gọi tham gia ủng hộ phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới đã chung sức, đồng lòng đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần để Việt Nam chiến thắng đại dịch, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời điểm khó khăn của đất nước.

Chỉ tính riêng tổng lượng kiều hối trong giai đoạn 1993-2023 đạt khoảng 230 tỷ USD và đã có sự dịch chuyển từ tiêu dùng, hỗ trợ gia đình sang đầu tư, kinh doanh trong nước. Tới tháng 11-2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 1,72 tỷ USD. Con số này tiếp tục tăng lên trong những tháng đầu năm 2024. Lượng kiều hối này góp phần không nhỏ đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ và duy trì an sinh xã hội...

Như vậy, có thể khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn đối với người Việt Nam ở nước ngoài, làm cho vai trò, vị thế, uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao và tích cực hướng về Tổ quốc, đóng góp nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Với thực tiễn đó, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài là những hành động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những luận điệu đó cần phải được kiên quyết đấu tranh bác bỏ, để Tổ quốc Việt Nam tiếp tục là nơi đồng bào các dân tộc trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài chung tay xây dựng, bồi tụ, vun đắp, mãi mãi trường tồn, có vị thế và uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế.

Tiến sĩ Lê Xuân Dũng
Trường Sĩ quan Lục quân 1

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.