(HNM) - Theo Nghị định số 31/2020/NĐ-CP ngày 5-3-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/NĐ-CP, quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, từ ngày 1-5-2020, người vi phạm Luật Giao thông đường bộ có thể đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện. Đây được xem là hướng mở và lợi cả đôi đường - cho cả người vi phạm và cơ quan chức năng.
Xót xa tiền tỷ phơi mưa nắng
Điểm trông giữ xe của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại vận tải Hà Cầu - Thăng Long (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) có diện tích hơn 2.000m2, hiện đang giữ hàng nghìn phương tiện vi phạm, trong đó chủ yếu là xe máy.
Ông Nguyễn Văn Thốn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại vận tải Hà Cầu - Thăng Long cho biết, trong số các phương tiện vi phạm đang tạm giữ tại công ty, có những phương tiện lưu bãi từ những năm 2015, 2016 mà không có ai đến làm thủ tục nhận xe. Số xe ra khỏi bãi rất ít, số xe thanh lý rất chậm nên diện tích để xe ngày càng chật hẹp, công ty phải thuê thêm vài trăm mét vuông kho bãi khác để sắp xếp phương tiện vi phạm. Năm nào công ty cũng có đơn đề nghị Công an thành phố Hà Nội và Sở Tài chính làm thủ tục thanh lý phương tiện cũ hỏng, nhưng số lượng giải quyết mỗi lần chỉ hơn trăm xe.
Bãi giữ xe vi phạm ở 533 Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng) là một bãi đất trống, không có mái che; các phương tiện giao thông vi phạm như ô tô, xe máy, xích lô và phương tiện có dấu hiệu liên quan đến hình sự như đua xe, xe ăn trộm… đều được “nhập” vào đây. Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, bãi xe này luôn chật kín phương tiện, có những xe lâu ngày không có chủ đến nhận khiến từng lớp bụi phủ kín, không còn nhận ra màu sắc, nhãn hiệu; nhiều xe trong tình trạng hoen gỉ, bong tróc do phơi mưa, phơi nắng.
Anh Đỗ Anh Tùng, ngõ 233 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) có xe vi phạm vì đỗ sai quy định bị đưa về bãi giữ xe vi phạm ở 533 Nguyễn Khoái. Sau khi nộp phạt hành chính, nhận xe, chứng kiến cảnh tượng rất nhiều xe vi phạm đang phơi mưa, phơi nắng tại đây, anh Tùng bày tỏ xót xa: “Nhiều xe có giá trị cao nhưng do để lâu ngày bị hư hỏng, trở thành phế liệu, không thể khôi phục để sử dụng. Thật quá lãng phí!”.
Lợi cả đôi đường
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho thấy, chỉ tính riêng quý I-2020, lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, tạm giữ khoảng 3.000 phương tiện vi phạm... Do số lượng phương tiện ô tô, xe máy bị tạm giữ quá nhiều khiến các bãi tạm giữ đều rơi vào tình trạng quá tải.
Theo Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội), việc tạm giữ phương tiện của người điều khiển vi phạm là cần thiết, trong trường hợp họ không đầy đủ giấy tờ theo quy định hoặc vi phạm Luật Giao thông đường bộ. "Nghị định số 31/2020/NĐ-CP cho phép đặt tiền bảo lãnh để người vi phạm tự bảo quản và cam kết không mang phương tiện ra sử dụng là giải pháp hữu hiệu để tránh việc lưu xe ở bãi quá lâu trong điều kiện không bảo đảm, gây hư hỏng, lãng phí", Trung tá Trần Quang Vinh nói.
Thông tin thêm, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Đội Cảnh sát giao thông số 1 cho biết, Nghị định số 31/2020/NĐ-CP được cho là đã mở ra một “lối thoát” cho những chiếc xe tồn ở các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm. Nghị định quy định rõ, chủ phương tiện vi phạm muốn tự bảo quản phương tiện phải chứng minh có nơi giữ phương tiện và có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh. Mức tiền này ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm. Một điều kiện bắt buộc nữa, chủ phương tiện phải có giấy tờ chính chủ, trong khi đó đa số xe ở các bãi tạm giữ bị chủ phương tiện bỏ rơi nằm ở hai dạng: Một là giá trị nhỏ hơn nhiều so với tiền xử phạt; hai là phương tiện không chính chủ, mất quá nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục để nhận lại, chính vì vậy rất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, để khi triển khai không gặp vướng mắc.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (quận Thanh Xuân) cho rằng, phương tiện vi phạm không có lỗi mà lỗi ở người tham gia giao thông. Vì vậy, khi người vi phạm đã bảo đảm, cam kết phương tiện đó là của bản thân thì 2 vấn đề được giải quyết. Một là đỡ gây áp lực cho nơi tạm giữ phương tiện, với rất nhiều rủi ro từ phòng cháy chữa cháy cho đến trộm cắp. Thứ hai là bảo đảm cho người vi phạm giao thông sẽ có trách nhiệm tự bảo quản phương tiện và tránh những rủi ro khác đè nặng lên vai cơ quan chức năng.
Thực tế, phương tiện bị tạm giữ lâu ngày, nếu trở thành phế liệu thì việc tiêu hủy cũng gây tốn kém cho ngân sách nhà nước, đồng thời gây thiệt hại cho người vi phạm. Thay vì tập trung phương tiện vi phạm tại các bến bãi, việc giao cho người vi phạm tự bảo quản phương tiện được coi là biện pháp có thể giúp tránh những hệ lụy trên và lợi cả đôi đường - cho cả người vi phạm và cơ quan chức năng. Hiện các đơn vị xử lý thuộc Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội đang chờ các văn bản hướng dẫn để triển khai Nghị định số 31/2020/NĐ-CP sớm đi vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.