Thật hết sức ngỡ ngàng khi biết ông là người đầu tiên có sáng kiến tổ chức ra hai lực lượng: Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu và Đội Danh dự trừ gian - Hai lực lượng đã góp phần quan trọng vào cao trào tiền khởi nghĩa, tiến tới giành chính quyền thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội trong những ngày Tháng Tám lịch sử, thiết lập Chính quyền Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đồng Nam Á.
Ông là Vũ Oanh, sinh năm 1924 ở làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Từ tuổi niên thiếu học Trường Kẻ Sặt ở quê, ông đã được thầy giáo Lê Đức Linh kể về gương các anh hùng dân tộc đánh giặc ngoại xâm. Mạch nguồn yêu nước được anh trai Vũ Duy Hiệu vừa thoát khỏi nhà tù Côn Đảo năm 1936 bồi đắp thêm. 15 tuổi (1939), lên học Trường Bưởi, ông bí mật gặp gỡ, tâm tình với các bạn thân; năm sau (1940) thì lập tổ chức bí mật của học sinh Trường Bưởi lấy tên là Đội Ngô Quyền. Ban đầu, Đội có 8 người, do ông làm Đội trưởng. Chỉ trong thời gian ngắn, Đội đã phát triển lên 40 đội viên.
Từ đây, Đội Ngô Quyền đã trở thành nòng cốt trong lực lượng Thanh niên cứu quốc (TNCQ) Trường Bưởi nói riêng, TNCQ Hà Nội nói chung. Tháng 9-1942, tại một điếm canh đê ở Gia Lâm, ông Vũ Oanh được kết nạp vào Đảng. Một con đường mới đã mở ra cho người đảng viên mới 18 tuổi.
Ông lý giải vì sao lập Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu (TNTTXPTHD) vào cuối năm 1944: Chỉ thị ngày 7-5-1944 của Tổng bộ Việt Minh “Sửa soạn khởi nghĩa” là cẩm nang cho chúng tôi hành động. Là Ủy viên Ban cán sự đảng Hà Nội, phụ trách công tác Thanh vận, tôi suy nghĩ, phải lấy lực lượng TNCQ làm xung kích, hoạt động tuyên truyền bán vũ trang. Tôi trình bày với anh Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ ủy.
Cuối tháng 12-1944, bốn đội viên đầu tiên của Đội được chọn lựa, bắt đầu chọn địa bàn hoạt động tuyên truyền là ngoại thành rồi tiến dần vào nội thành. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Đội trở thành Đoàn TNTTXPTHD với trên 60 đội viên ở 3 Liên đội. Đêm 13-3-1945, Đội đã rải toàn bộ 5.000 tờ truyền đơn được giao khắp thành phố. Các hoạt động tuyên truyền có vũ trang được đẩy mạnh trong mùa hè sôi sục năm 1945 ở nhiều nơi: chợ Canh, Mễ Trì, Vườn Bách thảo, Nhà hát Lớn… Đặc biệt, trong cao trào tiền khởi nghĩa, đoàn viên của Đoàn TNTTXPTHD đã hết sức năng động, tích cực mua và sắm vũ khí, có hẳn kho súng ở Trôi - Sấu và ở Thịnh Liệt, góp phần tổ chức nhiều hoạt động táo bạo: làm nòng cốt cho nhân dân trong các cuộc phá kho thóc ở làng Mọc; diễn thuyết ở Trường Kỹ nghệ thực hành… hô hào nhân dân đánh Pháp đuổi Nhật.
Từ ngày 17 đến 19-8-1945, Đoàn TNTTXPTHD có vũ trang cùng với lực lượng tự vệ, làm nòng cốt cho toàn dân vùng lên giành chính quyền.
Sáng kiến thành lập Đội Danh dự trừ gian do chính ông Vũ Oanh đề xuất với Thành ủy. Tôi băn khoăn hỏi ông: - Bác phụ trách Thanh vận, nhưng lại có sáng kiến tổ chức ra Đội Danh dự trừ gian, đúng là thực tiễn khiến cán bộ Hà Nội đi trước cả chủ trương của Trung ương ạ?
Ông cười sảng khoái: - Đúng vậy! Sau ngày đảo chính Pháp, phát xít Nhật càng tăng cường lực lượng mật thám, tay sai, tăng cường vây ráp ngày đêm, quyết tâm tiêu diệt lực lượng Cách mạng. Để bảo vệ lực lượng và phát triển phong trào, tôi đề nghị với Thành ủy Hà Nội cho thành lập đội vũ trang đặc biệt để tiễu trừ những tên Việt gian đầu sỏ nguy hiểm nhất ở Hà Nội và cảnh cáo bọn Việt gian khác. Ngày 1-4-1945, tại số nhà 101 đại lộ Gambetta, Đội do tôi trực tiếp chỉ đạo được được thành lập gồm ba người với bí danh là Đội AS.
Những hoạt động có hiệu quả của Đội giúp Xứ ủy có căn cứ thực tiễn để ra quyết định cho các tỉnh Bắc Bộ thành lập Đội Danh dự trừ gian. Đội phát triển thêm 6 đội viên nữa và có tên là Đội Danh dự trừ gian trực thuộc thẳng Xứ ủy Bắc Kỳ, do ông Nguyễn Văn Trân, Bí thư Xứ ủy chỉ đạo. Chín đội viên của Đội đã có những trận đánh kỳ tài, diệt trừ các tên tay sai sừng sỏ cho giặc Nhật như Nguyễn Duy Mỹ, Phán Sinh, Trương Tự Anh… Sau này, Đoàn TNTTXPTHD và Đội Danh dự trừ gian được Thành ủy, UBND thành phố, Quân khu Thủ đô công nhận là các tổ chức tiền thân của lực lượng vũ trang Thủ đô.
Ông Vũ Oanh xúc động nói: "Hằng năm, tôi vẫn cố gắng đi thăm hơn 10 gia đình đã nuôi giấu tôi: Nhà bà Từ Mai Trang (số 6 Hàng Đào), nhà ông Lê Vân (ở 46 Bát Đàn), nhà ông Minh Đăng (ở Hàng Sắt); nhà ông Lê Quân (ở 96 Hàng Bột); nhà ông Nguyễn Thụy Ứng (ở số 6 Hàng Giấy); nhà ông Thung (ở phố Huế), nhà ông Thân (ở Thụy Khuê), nhà cụ Hai Chú (ở làng Cót, là gia đình nhạc sĩ Doãn Nho), nhà ông Lê Đức Nguyệt (ở Phương Liệt)… Cuộc đời tôi đã trải nhiều miền đất nước, nhưng nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm nhất, chính là Hà Nội".
Ông Vũ Oanh đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1999 và Huân chương Sao vàng năm 2007. Nhưng với nhân dân Bình Giang, ông giản dị là người con của dòng họ Vũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.