Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người tiêu dùng Việt Nam biết gì về loại chất béo có hại Trans fat?

Thanh Bình| 24/06/2010 07:47

(HNM) - Kỹ nghệ sản xuất thực phẩm đã làm nảy sinh ra Trans fat - loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại, làm tăng nguy cơ bị các bệnh về đau tim, đột quị và bệnh mạch vành.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, chất béo có tên Trans fat vẫn còn là một khái niệm mới mẻ với người tiêu dùng. Thực tế đáng lo ngại này đã được nhiều chuyên gia, bác sĩ phân tích trong hội thảo “Tác hại của việc sử dụng thực phẩm có Trans fat” do viện Dinh Dưỡng Quốc Gia và chi hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14/6 vừa qua.

Vô tư “nạp” Trans fat hàng ngày

Sử dụng thực phẩm chiên thường xuyên khiến nhiều người đang ngày ngày “tích lũy” những thành phần có hại cho tim mạch mà không hề hay biết. Báo cáo “Trans fat trong thực phẩm chế biến và nguy cơ các bệnh tim mạch” của PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay, các loại thực phẩm chiên thường dùng các loại dầu thực vật đã được hydro hóa trong quá trình chế biến (Hydrogenated vegetable oil), làm sản sinh Trans fat. Phương pháp này có thể kéo dài thời gian bảo quản, đồng thời giúp sản phẩm tươi ráo, giòn và có màu sắc hấp dẫn hơn. Nhưng Trans fat lại làm tăng Cholesterol toàn phần và Cholesterol xấu đồng thời làm giảm Cholesterol tốt dẫn đến tăng nguy cơ các bệnh tim mạch. Khi xâm nhập vào cơ thể, Trans fat sẽ làm giảm độ đàn hồi của tĩnh mạch và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín khiến cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn từ đó dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Theo thống kê, hàng năm, tại New York (Mỹ), có đến hơn 500 người chết vì bệnh tim mạch do có liên quan đến Trans fat. Tại Việt Nam, theo báo cáo “Tình hình bệnh tim mạch và các yếu tố có liên quan” của TS. Nguyễn Bạch Yến, Phó Viện Trưởng - Viện Tim Mạch - Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu với số lượng người mắc ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt. Năm 2001, có đến 22,1% số bệnh nhân bị bệnh động mạch vành/tổng số bệnh nhân nhập viện tại viện tim mạch Việt Nam. Năm 2002, chỉ tính riêng nội thành Hà Nội đã có 23,3% người lớn bị bệnh tăng huyết áp. Tại các bệnh viện khác như Cần Thơ, bệnh viện Nhân dân 115, tỷ lệ số bệnh nhân bị bệnh tim mạch cũng cao hơn nhiều so với các bệnh khác như đái tháo đường, ung thư… Một trong những nguy cơ gây ra tình trạng này, theo TS Yến, chính là từ việc rối loạn lipid máu do chế độ ăn nhiều chất béo Trans fat và chất béo bão hòa.

Lựa chọn thực phẩm không có Trans fat vì một trái tim khỏe

“Với những tác hại do Trans fat gây ra hiện nay, người tiêu dùng không nên sử dụng những thực phẩm có chứa Trans fat - loại chất béo có hại nguy cơ gây nên bệnh tim mạch và đột quỵ!” - đó chính là khuyến cáo của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia được PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm nêu ra trong hội thảo. Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã đưa ra những quy định về việc ghi rõ hàm lượng Trans fat trên bao bì. Luật Canada cho phép các công ty được quyền ghi Không có Trans fat, Trans 0, 0 % Trans, 0 gram Trans fat nếu sản phẩm chứa ít hơn 0.2 g (tức 2%) Trans cho mỗi 1 phần chuẩn (per serving, per portion). Tại Mỹ, cơ quan FDA khuyến cáo người dân tốt nhất không nên sử dụng các thực phẩm có Trans fat. Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Y học New York cho thấy, việc thay thế dầu chứa chất béo Trans bằng các loại dầu tốt cho tim mạch (các loại dầu có chứa chất béo có lợi như Omega 3, Omega 6 v.v…) làm giảm 6% nguy cơ bị các bệnh tim mạch. Tuy tại Việt Nam vấn đề Trans fat vẫn chưa có quy định rõ ràng, nhưng theo tiến sĩ Lâm, để tránh Trans fat, trước tiên người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách thận trọng khi lựa chọn thực phẩm: đọc kỹ nhãn hiệu dinh dưỡng (Nutrition fact), chỉ nên dùng những sản phẩm có ghi rõ thông tin Không chứa Trans fat trên bao bì.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng Việt Nam biết gì về loại chất béo có hại Trans fat?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.