(HNMO)- Theo đúng thông lệ, phải qua Rằm tháng Giêng, khi không khí ăn Tết, chơi Tết thật sự đã... cạn, thì nhịp sống mới trở lại vòng quay bình thường. Dễ thấy nhất là giá các loại thực phẩm sau những ngày leo thang chóng mặt đã hạ nhiệt thực sự. Không chỉ ở các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố mà ở bất cứ nơi đâu có các hoạt động bán mua, trên các vỉa hè, hàng hoá đã đầy ăm ắp và giá bán hợp lý hơn.
(HNMO)- Theo đúng thông lệ, phải qua Rằm tháng Giêng, khi không khí ăn Tết, chơi Tết thật sự đã... cạn, thì nhịp sống mới trở lại vòng quay bình thường. Dễ thấy nhất là giá các loại thực phẩm saunhững ngày leo thang chóng mặt đã hạ nhiệt thực sự. Không chỉ ở các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố mà ở bất cứ nơi đâu có các hoạt động bán mua, trên các vỉa hè, hàng hoá đã đầy ăm ắp và giá bán hợp lý hơn.
Các mặt hàng thực phẩm cũng đa dạng, phong phú hơn |
Đi chợ bớt... đau đầu
Tại chợ Hôm Đức Viên, đến thời điểm này, hầu hết các hộ kinh doanh cho biết giá đã giảm nhiều so với thời điểm Tết và gần như trở về mức của ngày thường. Tâm lý mệt mỏi xách túi đi chợ luôn phải đắn đo, cân nhắc sao cho cả nhà ngon miệng mà túi tiền không bị thâm hụt quá của các bà nội trợ đã được giải toả phần nào.
Theo một chủ quầy kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả, thông thường hằng năm, vào thời điểm Tết và sau Tết, giá các mặt hàng tăng cao và sẽ trở về mức bình thường kể từ sau Rằm tháng Giêng. Năm nay cũng vậy, hiện, giá rau, củ, quả đã giảm 20-30% so với Tết. Cụ thể, bắp cải: 6.000đ/kg trong khi thời điểm Tết và sau Tết một vài ngày là 8.000đ/kg; cà chua: 8.000đ/kg đồng thay vì 12.000đ/kg; dưa chuột: 10.000đ/kg so với 15.000đ/chỉ; hành tây: 10.000đ/kg, giảm 2.000đ/kg; đỗ trạch: 15.000đ/kg thay vì 18.000đ/kg; susu: 6.000đ/kg, giảm 2.000đ/kg; su hào: 4.000 đồng/củ, rau muống: 2.000-10.000đ/mớ (tùy loại)…
Thủy sản hạ giá nhiều và tiếp tục là mặt hàng bán chạy sau Tết |
Không chỉ rau, củ, quả mà thủy-hải sản cũng đã giảm giá nhiều. Tại nhiều chợ, cá trắm đen được bán với giá 140.000đ/kg so với mức 160.000-170.000đ/kg vào thời điểm Tết. Cá quả giảm 20.000đ xuống mức 80.000 đồng/kg. Riêng cá chép và cá trắm trắng có giá lần lượt 50.000đ/kg và 40.000 đ/kg, không thay đổi là mấy bởi trước đó giá hai loại cá này không biến động nhiều; mực loại to được bán với giá 120-130.000đ/kg, giảm 20.000đ/kg; tôm sú loại to cũng giảm 20.000đ xuống mức 170.000đ/kg, loại nhỏ còn mức 130.000đ/kg; cá diêu hồng còn mức 65.000đ/kg.
Cùng với các mặt hàng trên, gà, vịt, ngan đã hạ giá. Gà ta làm sẵn hiện được bán với giá 100.000đ/kg; vịt: 55.000đ/kg, ngan: 76.000đ/kg. Đại diện quầy Loan Lộc-chuyên kinh doanh mặt hàng này cho biết, mức giá trên giảm khoảng 30% so với thời điểm Tết và còn cao hơn ngày thường nhưng không đáng kể.
Giá các mặt hàng thịt đã trở về trạng thái của ngày thường |
Mặt hàng được cho là tăng giá rất cao vào thời điểm Tết là thịt bò thì nay cũng đã trở về trạng thái của ngày thường. Cũng tại chợ này, các chủ quầy thịt bò bán mỗi kg thăn với giá phổ biến là 140.000đ/kg, mông: 130.000đ/kg, diềm thăn: 90.000đ/kg.
Chị Lê Thị Thơm, chuyên bán thịt lợn cho hay, không giống như nhiều mặt hàng khác, năm nay, thịt lợn biến động ít trong dịp Tết, và đến thời điểm này, giá đã hoàn toàn trở về mức bình thường. Ngày đầu tháng 3, giá thịt lợn bán ra phổ biến là: 65-70.000 đ/kg thịt thăn, 55-60.000 đ/thịt ba chỉ hoặc mông sấn, 50.000 đ/kg sườn (loại ngon không có cục là 65-70.000đ/kg); móng giò: 30.000-35.000 đ/kg; tim và cật: 120.000đ/kg.
Dễ thở với hàng quán vỉa hè
Sau Tết, dường như cảnh phải chen chân ăn bát bún trên vỉa hè, dù chẳng ngon gì, nhưng vẫn phải chịu mức giá "cắt cổ" đã trở thành điều hiển nhiên phải chịu đựng với nhiều người dân Hà Nội. Các loại bún, bánh đa riêu cua, ốc, bún thang... "chữa ngán" cho những mâm cỗ Tết càng bán chạy bao nhiêu thì giá cả bị đẩy cao bấy nhiêu. Nếu như ngày thường, giá bún là 8.000 đồng/kg, thì sáng mùng 2 Tết, đã lên tới 30.000 đồng/kg và hiện nay khoảng 8.000đ-10.000đ/kg.
Giá cả quán xá "hạ nhiệt" sau thời gian tăng vọt |
Thêm vào đó, với đủ các lý do, từ giá cả nguyênliệu mua vào như cua, thịt, ốc cho đến mắm, muối, gia vị đều tăng cao nên chi phí cho một bát bún, bánh đa thường ngày chỉ từ 12.000đ - 25.000đ sau Tết tăng vọt lên 40.000đ- 50.000đ. Hai vợ chồng chị Hải Anh (Văn Quán, Hà Nội) sau khi dẫn 2 người bạn từ quê ra chơi "hậu" Tết đã phải hậm hực khi móc túi chi ra 200.000đ cho 4 bát bún riêu nước leo lẻo và chỉ lèo tèo vài sơị bún. Đã vậy, bà chủ quán còn tâm đắc phán rằng, mức giá đó còn là rẻ so với các hàng khác nên đang cân nhắc sẽ tăng thêm giá bán.
Và cũng phải đợi đến Rằm tháng giêng, khi không khí ăn Tết, chơi Tết đã hết thì người tiêu dùng mới được hưởng thụ giá cả các đồ ăn, thức uống theo đúng nghĩa. Mấy chị em nhà bác Tuyết, bán bún, miến cua đầu phố Bà Triệu mặt mũi đã tươi tỉnh, nhẹ nhõm khi được tiếp các khách quen trở lại với mức giá... ngày thường, từ 17- 25.000đ/bát bún, miến. Ngay bên cạnh, một loạt các hàng phở, bún ngan, cháo lòng... cũng đồng loạt "hạ nhiệt" giá bán khiến thực khách thở phào: Đã hết Tết.
Với mặt hàng trái cây, thời điểm Tết và sau Tết, giá cũng tăng mạnh. Chị Hồng, nhà ở phố Châu Long cho biết, ngày Tết mua trái cây giá cao ngất ngưỡng khiến có cảm giá như bị móc túi: “Vào mồng 3 Tết, tôi mua 5 quả cam sành để đi lễ mà giá lên tới 100.000 đồng. Mua xong cứ nghĩ mình trả nhầm tiền hay bị mất, giá lên cao khủng khiếp quá!”
Hoa quả tươi ngon được bán với mức giá "dễ thở" hơn |
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, đến thời điểm này, giá đã “dễ thở” hơn nhiều, giảm tới 30-40%. Giá cam sành hiện còn 40.000đ/kg, giảm 20.000đ/kg; dưa hấu: 14.000đ/kg so với mức 18.000đ/kg như trước, xoài Thái giảm 20.000đ xuống mức 50.000đ/kg, nho Mỹ hạ 30.000đ còn 150.000đ/kg, Thanh Long có giá 30.000đ/kg thay vì 50.000đ/kg; na: 50.000đ/kg, giảm 20.000đ…
Phạt nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp pháp
Trước tình hình giá cả trong đầu năm nay có nhiều biến động, ngày 27/2 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1269/VPCP-KTTH của về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2010. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; xử phạt nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá, các hành vi lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để đẩy giá hàng hóa lên cao, các hành vi đầu cơ găm hàng thu lợi bất chính của các tổ chức, cá nhân.
Theo công văn này, các Bộ Tài chính, Công Thương phải chủ động cung cấp thông tin về các chủ trương, biện pháp điều hành giá cả của Chính phủ trong năm 2010, cũng như triển khai thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng khó khăn khi thực hiện chủ trương điều hành giá cả theo cơ chế thị trường.
Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá cả hàng hóa theo cơ chế thị trường đã được xác định theo lộ trình đối với một số loại hàng hóa như điện, than... đồng thời hạn chế tối đa những yếu tố phát sinh làm cho lạm phát tăng cao, nhất là những yếu tố tác động do việc lợi dụng điều chỉnh giá của Nhà nước để đẩy giá các loại hàng hóa tăng cao, gây tâm lý bất lợi trong xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng ngay trong tháng 3 chủ động rà soát cân đối cung-cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước như gạo, xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép....
Các bộ chủ động kịp thời can thiệp thị trường hoặc trình cấp có thẩm quyền các giải pháp ứng phó trong trường hợp cần thiết để bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động triển khai các biện pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc điều hành tốt các công cụ của chính sách tiền tệ bảo đảm kiềm chế không để lạm phát cao và đáp ứng yêu cầu thanh khoản của nền kinh tế, của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ theo đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng và các tập đoàn kinh tế, không để xảy ra việc đầu cơ, găm giữ ngoại tệ làm ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn; tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý giá cả, nhất là giá các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giá cước vận tải và giá các loại dịch vụ….
Các hành vi tăng giá bất hợp pháp sẽ bị xử phạt nghiêm |
Trao đổi với PV HNMO, ông Hoàng Thọ Xuân – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tuần này, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong tháng 3/2010 và những tháng tiếp theo để đưa ra các biện pháp bình ổn giá. Thực tế trong thời gian mới đây, nhiều mặt hàng đã tăng giá như: giá nước, giá xăng dầu, giá điện, tới đây dự kiến là than… kéo theo giá đầu vào cho sinh hoạt và sản xuất tăng… cần có biện pháp can thiệp cung cầu vĩ mô.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ vào cuộc với Bộ Tài chính tăng cường thực hiện Nghị định 107, kiểm soát giá cả, ngăn chặn ngay những hành vi đầu cơ, tăng giá quá mức, tăng bất hợp lý theo kiểu “tát nước theo mưa”. Bộ Công Thương sẽ huy động tối đa lực lượng quản lý thị trường, kết hợp với chính quyền cơ sở kiểm soát chặt khu vực các chợ, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ… nơi dễ tăng giá theo tâm lý nhất với các hình thức xử phạt mạnh như tước giấy phép kinh doanh…
Ông Xuân cũng cho hay, hai tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,35%, dự kiến trong tháng 3 này, nếu kiểm soát chặt, chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng khoảng 0,5%; như vậy trong quý I, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4%. Trong khi đó, cả năm 2010, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chỉ số giá tiêu dùng không vượt quá 7%, do đó trong các tháng còn lại của năm phải có sự bình ổn cung cầu chặt chẽ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.