(HNM) - Chiều 18-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi (BVQL) người tiêu dùng (NTD). Với tinh thần trách nhiệm cao nhằm nâng tính khả thi, tính minh bạch của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để góp phần phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của NTD... các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc.
Quyền lợi NTD bị xem nhẹ
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu nêu thực trạng đáng buồn là quyền lợi NTD ở nước ta nhiều năm qua bị xem nhẹ, nguyên nhân là do hệ thống pháp lý về lĩnh vực rất quan trọng này còn quá thiếu. Các văn bản pháp luật hiện có chưa tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi NTD, thiếu những quy định bảo vệ quyền lợi NTD trước những loại hình kinh doanh mới phát sinh hoặc để NTD có thể tự bảo vệ mình; chưa có cơ chế giải quyết các khiếu nại, tranh chấp hữu hiệu.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình (đoàn Tuyên Quang), đại biểu Ly Kiều Vân (đoàn Quảng Trị) nhận xét thẳng thắn, dự thảo Luật BVQL NTD còn chung chung, nhiều nội dung khó hiểu, trùng lắp và vì vậy không khả thi. Đại biểu Hoàng Thị Bình (đoàn Cao Bằng), Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị phải quy định rõ ràng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, phân phối, nhập khẩu hàng hóa chịu sự điều chỉnh của luật. Ngoài ra, một số tổ chức cung cấp dịch vụ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bệnh viện, trường học, văn phòng công chứng, nhà hát, rạp chiếu phim… có thuộc đối tượng áp dụng của luật không?
Quy định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm
Từ những băn khoăn như trên, các đại biểu cho rằng, Luật BVQL NTD phải xác định và khẳng định rõ quyền lợi NTD là mục tiêu chính và các biện pháp BVQL NTD phải được nêu cụ thể, rõ ràng và khả thi. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn) chia sẻ, đại biểu Quốc hội cũng đồng thời là NTD và trong lĩnh vực này cũng là người "yếu thế", chịu nhiều thiệt thòi.
Với nhận thức đó, các đại biểu cho rằng, sự yếu thế của cá nhân, tổ chức NTD không chỉ thể hiện ở năng lực tài chính mà còn thể hiện ở sự mất cân xứng về thông tin cũng như độ chuyên nghiệp trong quan hệ với hàng hóa, dịch vụ. Đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng về vấn đề này, dự thảo luật chưa nêu được thông tin ai là người trực tiếp BVQL NTD và bảo vệ bằng những hình thức nào. Cụ thể hơn, đại biểu Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn) cho rằng luật cần nêu rõ hình thức thông tin cho NTD ở những vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số để bảo đảm công bằng.
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là vai trò của tổ chức BVQL NTD. Đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh), Phạm Quí Tỵ (đoàn Bình Dương) băn khoăn, luật không nêu rõ ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm thành lập tổ chức BVQL NTD, cơ quan này vận hành theo thể chế nào... dù tổ chức trên chỉ là tổ chức xã hội. Đề nghị quan tâm hơn nữa đến tổ chức này, đại biểu Hoàng Thị Bình (đoàn Cao Bằng) đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, cả về nhân sự, tổ chức và kinh phí để đơn vị này hoạt động hiệu quả.
Để làm rõ hơn tính khả thi trong quá trình BVQL NTD, đại biểu Chu Sơn Hà có ý kiến đề nghị bổ sung thêm quyền của NTD được lựa chọn tổ chức nào đại diện cho mình để khởi kiện trước tòa, quyền của NTD được sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ đúng với các cam kết của người cung cấp, quyền của người thứ ba được bồi thường thiệt hại do lỗi sản phẩm, dẫn chiếu với các luật khác. Các đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) đề nghị cần nêu rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ NTD, cụ thể là Bộ Công thương và UBND cấp xã, phường, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại.
Thảo luận về Luật Tố tụng hành chính: |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.