Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người “tiếp lửa” cho làng nghề

Bảo Nga - Ngọc Thủy| 09/12/2013 02:22

(HNM) - Trong khi không ít làng nghề leo lét như


Đó là ông Triệu Khắc Thủy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trung Dũng (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), người nhiều năm liền đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân thành phố Hà Nội trao tặng. Từ nhiều năm nay, công ty của gia đình ông đã trở thành một địa chỉ sản xuất nguyên phụ liệu ngành may nức tiếng gần xa với hàng trăm bạn hàng trong nước và quốc tế...

Ông Triệu Khắc Thủy tại cơ sở sản xuất.


Cái khó ló cái khôn...

Men theo con đường bê tông nhỏ chạy ngoằn ngoèo trong ngõ xóm của xã Tân Triều, bất giác chúng tôi như lọt thỏm giữa màu xanh ngút ngát của những thửa ruộng, vạt rau đúng tầm thu hoạch. Dù đã được giới thiệu trước về quy mô hoạt động của công ty, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cơ ngơi nhà xưởng đồ sộ. Khác hẳn với cái danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trung Dũng (Công ty Trung Dũng), ông Thủy có dáng vẻ của một "nông dân chính hiệu", không thể trộn lẫn. Tự nhận mình là người "ba đào" trong kinh doanh, ông Thủy đã lần lượt trải qua hàng chục nghề khác nhau trước khi trụ lại với nghề truyền thống.

Sinh năm 1959, trong một gia đình có 8 anh em, thu nhập chỉ dựa vào nghề nông, hoàn cảnh khó khăn khiến ông Thủy phải rời xa trường lớp từ rất sớm. Lập gia đình khi bước vào tuổi 24, chàng thanh niên Triệu Khắc Thủy phải "kinh qua" đủ nghề để có thu nhập nuôi sống gia đình. Cho đến bây giờ, ông vẫn không thể quên những tháng ngày vất vả của hai vợ chồng. Ngày đó, ông lọc cọc với chiếc xe đạp cũ, ngày ngày đạp hàng chục kilômét khắp làng trên, xóm dưới với thùng kem, vợ ông quẩy đôi quang gánh đi thu mua đồng nát. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tuy đạm bạc nhưng đầy ắp tiếng cười. Thương vợ vất vả, tích cóp được chút vốn, ông quyết định bán cả chiếc quạt cũ, chiếc áo khoác duy nhất của mình, dành tiền mua một chiếc máy dệt khăn mặt. Trời không phụ lòng người, cứ vài năm làm lụng đầu tắt mặt tối, ông lại chuyển nghề kinh doanh và nghề nào cũng có "của ăn của để". Sau hơn chục năm trời loay hoay với đủ thứ nghề, từ dệt khăn, xay xát gạo, thu gom đồng nát, dịch vụ vận tải... ông chợt nhận ra một chân lý: Không có gì bền vững bằng chính nghề truyền thống của quê hương. Triều Khúc nổi tiếng với nghề dệt bao tượng lâu đời, những công đoạn dệt, nhuộm màu... như đã thấm vào từng thớ thịt mỗi người dân nơi đây. Phát huy thế mạnh ấy, ông Thủy đầu tư mua máy sản xuất dây giày, cung cấp nguyên phụ liệu cho người dân làng Cổ Nhuế. Chinh phục khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, chỉ sau vài năm, bạn hàng của gia đình anh mỗi lúc một đông. Năm 2003, ngành công nghiệp dệt may phát triển mạnh, muốn trụ vững và đáp ứng nhu cầu thị trường, tất yếu phải mở rộng nhà xưởng và hiện đại hóa quy trình sản xuất. Nghĩ là làm, ông Thủy quyết định thành lập Công ty Trung Dũng, chuyên sản xuất các mặt hàng chỉ, dây giày, dây chun, nhãn mác, phụ liệu ngành may mặc. Từ khi được thành lập, mặc dù nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, song hoạt động của Công ty Trung Dũng gặp phải nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu mặt bằng, các khu vực sản xuất bị phân tán trong địa bàn khu dân cư, chi phí quản lý cao dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Với bản lĩnh của một nhà kinh doanh từng nhiều năm lăn lộn chốn thương trường, ông Thủy đưa ra một quyết định táo bạo: Đấu giá 1.000m2 đất tại khu sản xuất làng nghề tập trung của xã để xây dựng nhà xưởng quy mô lớn. Cũng từ đây, bước ngoặt phát triển mới của Công ty Trung Dũng chính thức bắt đầu...

"Trúng mùa" trong khó khăn

Có đất, ông Thủy mạnh dạn đầu tư xây dựng 2.000m2 hệ thống nhà xưởng, từng bước hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, đưa Công ty Trung Dũng vươn xa đến những thị trường quốc tế. Từ năm 2008 đến nay, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư 80 tỷ đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", toàn bộ nguồn vốn đầu tư đều được ông tích lũy dần trong quá trình sản xuất - kinh doanh, không lệ thuộc vào vốn vay của các tổ chức tín dụng. Sau khi hoàn thiện hệ thống nhà xưởng, ông Thủy lần lượt đầu tư hệ thống lò nhuộm, hấp và máy ép nhựa; sử dụng hệ thống quản lý người lao động và chấm công lao động bằng phần mềm quản lý qua vân tay; đầu tư hệ thống dây chuyền tự động sản xuất chỉ... Ông chia sẻ: "Muốn chinh phục bạn hàng, cái khó nhất của nghề sản xuất nguyên phụ liệu ngành may chính là nằm ở khâu nguyên liệu và pha màu. Từ khi hiện đại hóa quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu của Công ty Trung Dũng được lựa chọn nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan. Trước đây, nhờ gia đình có nghề truyền thống nhuộm len, tôi cũng được truyền dạy nhiều kinh nghiệm trong công nghệ nhuộm màu chỉ. Nhưng mỗi lần nhận một đơn hàng khó, tôi phải mất cả ngày trời mò mẫm mới cho ra mẫu chỉ đúng màu sắc theo yêu cầu của bạn hàng. Vì vậy, đầu năm 2013, tôi quyết tâm đầu tư 13 tỷ đồng mua một máy thí nghiệm phân tích màu của Mỹ, cho phép phân tích màu chỉ ngay trên mẫu vải và pha màu theo đúng mẫu với độ chính xác lên tới 100%...".

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, chỉ sau 10 năm tạo dựng cơ nghiệp, đến nay gia đình ông Thủy đã có cả một hệ thống nhà xưởng khang trang với hơn 200 máy móc được trang bị hiện đại, thu hút 150 lao động lành nghề với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/tháng. Hiện Công ty Trung Dũng đã sản xuất hàng trăm sản phẩm nguyên phụ liệu ngành may các loại, trong đó có hàng chục sản phẩm chỉ thêu, chỉ chun... "Hữu xạ tự nhiên hương", ngay trong những thời điểm khó khăn nhất của suy thoái kinh tế, hoạt động của công ty vẫn phát triển mạnh với hệ thống sản xuất tự động, khép kín, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường với khoảng 200 bạn hàng trong và ngoài nước, trong đó có cả những bạn hàng "khó tính" nhất như Nhật Bản, Mỹ, Đức...

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu nhà xưởng, ông Thủy không giấu nổi tự hào: "Có lẽ cả đời tôi đã dành trọn và gắn bó với nghiệp của cha ông. Không có điều kiện được học qua bất cứ trường lớp cơ khí nào, nhưng tôi có thể tự mày mò, sản xuất được một số loại máy móc đơn giản như máy côn, máy sấy... Toàn bộ máy móc trong nhà xưởng hiện cũng đều do một tay tôi tự sửa chữa, chưa phải thuê thợ bao giờ. Nghiệm ra, muốn làm việc gì thành công cũng cần có niềm đam mê với nó...". Có lẽ chính niềm đam mê với công việc, với nghề truyền thống đã giúp ông Thủy có được thành công hôm nay, với tâm thế của một người "giữ lửa" cho làng nghề Triều Khúc...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người “tiếp lửa” cho làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.