(HNM) - Dân chơi đồ đồng biết đến ông như một nghệ nhân tài hoa. Nhiều người ngưỡng mộ ông bởi đôi bàn tay khéo léo, có thể tạo nên những kiệt tác, những bức tượng có “thần” từ chất liệu đồng. Ông là nghệ nhân Lê Khang, người được Hội Cổ vật Thăng Long và giới am hiểu đồ đồng xem như “ông vua đồ đồng”, còn giới nghệ thuật thì gọi ông là “thầy phù thủy về đồng
Nghệ nhân Lê Khang bên các tác phẩm nghệ thuật làm từ đồng. |
Những tác phẩm để đời
Cả khu phố Hàng Khoai dường như đã quen thuộc với việc các vị khách liên tục hỏi nhà ông “Khang đồ đồng”. Chả thế mà mới dắt xe đến đầu con ngõ nhỏ số 82 phố Hàng Khoai hỏi thăm, tôi đã được các bà, các bác tận tình chỉ dẫn. Bước vào căn nhà nhỏ ba tầng của nghệ nhân Lê Khang, tôi như lạc vào một bảo tàng cổ vật tư nhân với rất nhiều tranh, tượng, tác phẩm nghệ thuật bằng đồng đủ kích cỡ, kiểu dáng. Dưới bàn tay tài hoa của ông, những vật dụng thường ngày tưởng chừng chỉ còn là kỷ niệm một thời đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo có giá trị thẩm mỹ cao. Say sưa ngắm các tác phẩm vô cùng đẹp mắt và tinh tế như bức treo tường Tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng; Cúc, Trúc, Mai, Lan, hay "Ngư Tiều Canh Mục", "Lưỡng long chầu nguyệt"… nếu không được nghe ông giới thiệu thì khó có thể biết được rằng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh xảo đó được làm từ những chiếc mâm đồng từng bị bán đồng nát. Ông kể, trước đây chiếc mâm đồng trong văn hóa dân gian có nhiều ý nghĩa, thể hiện sự giàu sang của gia chủ, nhưng sau ít được sử dụng. Ông đã mua về phục chế thành những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đến nhờ ông chạm vào mâm đồng những bài thơ hay làm kỷ vật của gia đình.
Trong suốt hơn 54 năm làm nghề, ông không nhớ đã đúc bao nhiêu bức tượng, đặc biệt là những bức tượng danh nhân văn hóa và lịch sử bằng đồng với cỡ nhỏ đến kỳ lạ, nhưng lại tỉ mỉ đến từng nét khắc họa chi tiết sinh động. Mỗi pho tượng hay các tác phẩm nghệ thuật dưới bàn tay của ông đều rất có “hồn”, trở nên đầy sức sống. Trong đó, một số tác phẩm vẫn đang được trưng bày đại diện cho mỹ thuật Việt Nam đương đại. Đặc biệt, ông còn đúc tượng Phật A di đà phát quang 7 màu tự nhiên đặt ở Thiền viện Trúc Lâm (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)...
Ở mảng tượng đài, hay những tác phẩm tượng lớn, nghệ nhân Lê Khang để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong nghệ thuật đúc đồng đương đại. Nói về những tác phẩm của ông không thể không nhắc đến quần thể tượng Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong tại đền Hùng (đặt tại Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ); bức tượng Bác Hồ nặng 1,6 tấn hiện đặt tại sảnh lớn của Văn phòng Chính phủ… Ông còn là tác giả của hàng loạt tượng đồng khắc họa chân dung các danh nhân, danh y, danh tướng, các bậc tiền nhân từng gắn liền với văn hóa Thăng Long hoặc những sự kiện tiêu biểu của lịch sử. Ông cũng chính là tác giả của chiếc trống đồng Ngọc Lũ đang được lưu giữ tại đình làng Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Ông cũng từng gây sửng sốt cho người xem tại Triển lãm Doanh nhân doanh nghiệp ở Hà Nội với bức tượng Bạch Thái Bưởi. Khi pho tượng hoàn thành, những người thân trong gia đình nhà tư sản họ Bạch đều kinh ngạc vì thần thái nhân vật toát lên từ tác phẩm.
Ngoài ra, ông còn cho ra đời những tác phẩm đúc đồng “siêu nhỏ” (cao vài centimet), độc đáo nhất trong số đó là những biểu tượng văn hóa của Thủ đô như Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Tháp Rùa… hay chân dung những danh nhân như Lý Thái Tổ, Nguyễn Du, Văn Cao… Nghe nói, phải mất rất nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi các kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuật thủ công truyền thống, trang bị kiến thức về văn hóa, lịch sử, văn hóa dân gian, hội họa và cả về tâm linh, tướng mạo, ông mới có thể tạo nên những bức tượng mang tầm vóc, diện mạo, thần thái, tính cách nhân vật, cả dấu ấn thời đại và sự âm vang của năm tháng…
Công phu một thứ nghề xưa cũ...
Có một xưởng sản xuất riêng, ông Khang xem đây như một nơi để đào luyện nhân tài nghề đúc đồng. Ông mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lớp thợ cả của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các nghệ nhân ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cũng có không ít người thành đạt, mở những doanh nghiệp chuyên về đồ đồng. Ông tâm tư, phải mất ít nhất từ 15 đến 20 năm thì mới có được một người thợ lành nghề. Công việc đòi hỏi người thợ muốn thành công phải rất cần cù, chịu khó và đam mê để mỗi tác phẩm hoàn thành là một sản phẩm nghệ thuật. Thế nhưng sản phẩm khi bán ra thị trường lại không đủ để bù công cho thợ, nên thợ đúc đồng thường là nghèo. Hơn nữa, công việc lại quá vất vả, nặng nhọc; trong khi thanh niên thời nay nhiều người chỉ thích chọn việc nhẹ nhàng kiếm được nhiều tiền, chứ không muốn theo nghề của cha ông. Quá nửa đời người cống hiến cho nghệ thuật, ông cũng không thể không day dứt khi đề cập đến tương lai sau này của nghề đúc đồng truyền thống. Nghề đúc đồng sẽ còn tồn tại do nhu cầu của xã hội, nhưng tồn tại như thế nào, làm sao có những nghệ nhân tâm huyết thì luôn là điều mà ông canh cánh trong lòng.
Bên chén trà ấm, ông kể, thú chơi đồ đồng cũng lắm công phu. Những người thích chơi đồ đồng đều là những người rất khó tính vì các tác phẩm nghệ thuật đồ đồng có giá trị rất cao, thường được đặt ở những nơi trang trọng, hay những nơi thờ cúng. Không chỉ vậy, mỗi tác phẩm đồ đồng còn là niềm tự hào của người làm nghề, bên cạnh kiến thức nghề nghiệp, sự khéo léo trong đôi tay, người thợ còn phải vô cùng cần mẫn, tinh tế...
Một điều rất đáng tự hào là dù không sinh ra ở làng đúc đồng nổi tiếng Ngũ Xã (Ba Đình, Hà Nội), nhưng ông được chính dân làng công nhận là người thay mặt cho làng ở các cuộc triển lãm đồ đồng... Với những đóng góp có giá trị, nghệ nhân Lê Khang vinh dự được trao tặng nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như Huy chương vàng Triển lãm quốc tế hàng Thủ công mỹ nghệ năm 1994; giải thưởng “Bàn tay vàng” của Chương trình nghệ thuật Đông Dương và của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam năm 1995; giải thưởng Tinh hoa Việt Nam năm 2003 và danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2003… Đặc biệt, ông là một trong 21 nghệ nhân tiêu biểu của cả nước được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đợt 1 năm 2010 vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc gìn giữ, duy trì và phát triển nghề đúc đồng truyền thống của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.