(HNM) - Nhiệt huyết, thân thiện, đó là cảm nhận của tôi khi lần đầu tiếp xúc với thầy giáo Trần Xuân Hiệp, Bí thư đoàn Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh). Với các thầy, cô giáo và học trò, sự tâm huyết với nghề của thầy Hiệp góp sức không nhỏ tạo nên những chuyển biến ở ngôi trường này.
Giáo viên nhiều sáng kiến
Sinh năm 1983 ở xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh), từ nhỏ, Trần Xuân Hiệp đã ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, song Trần Xuân Hiệp vẫn quyết tâm học tập tốt, thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và nhận bằng tốt nghiệp năm 2006. Năm 2007, Trần Xuân Hiệp được nhận làm giáo viên dạy môn toán của Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh.
Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, thầy giáo Trần Xuân Hiệp đã luôn trăn trở với việc làm thế nào để những học sinh của ngôi trường có “đầu vào” thấp học tập hiệu quả hơn. Do điều kiện cơ sở vật chất của trường thiếu thốn, thầy Hiệp đã mày mò để tạo ra nhiều thiết bị dạy học giúp cho mỗi giờ học thêm lôi cuốn và để học sinh dễ nhớ kiến thức hơn. Năm nào, thầy cũng viết ít nhất một sáng kiến kinh nghiệm, trong đó có những sáng kiến có tính ứng dụng cao, được phổ biến ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố, như: Rèn luyện kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay trong việc giải bài toán lãi suất; hướng dẫn học sinh lớp 12 giải toán phần thể tích khối đa diện; hướng dẫn tư duy học sinh lớp 11 giải toán hình học không gian…
Năm học 2016-2017, thầy Trần Xuân Hiệp đã giành giải Nhất hội thi “Thiết bị, đồ dùng dạy học tự làm” cấp thành phố do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức với thiết bị mang tên “Máy chiếu phiếu học tập”. So với giá thành của hệ thống máy chiếu thường sử dụng ở các nhà trường (khoảng trên dưới 20 triệu đồng), “Máy chiếu phiếu học tập” có nhiều tiện ích như dễ làm, chi phí thấp (từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng), gọn nhẹ… Bởi vậy, ngay sau hội thi, thiết bị này đã được đồng nghiệp ở nhiều trường học chia sẻ để ứng dụng.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh Nguyễn Văn Đồng nhận xét về thầy Hiệp: Không chỉ là một giáo viên vững chuyên môn, thầy Trần Xuân Hiệp còn là một thủ lĩnh thanh niên giỏi. Với cương vị là Bí thư Đoàn, thầy Hiệp đã tham mưu, giúp Ban Giám hiệu nhà trường gỡ nhiều nút thắt, trong đó có việc giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ tốt nghiệp đã đạt trên 95%. Qua nhiều hoạt động ý nghĩa của thanh niên, nhiều học sinh đã yêu trường hơn; sống có trách nhiệm hơn; biết chia sẻ, yêu thương và hỗ trợ những bạn còn khó khăn… Không ít học sinh đã có tiến bộ rõ rệt về cả ý thức và kết quả học tập. “Cách đây vài ngày, một học sinh của trường nhặt được 1 triệu đồng đã báo cáo với giáo viên để tìm người trả lại. Rõ ràng, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song học sinh đã sẵn sàng cho cuộc sống lương thiện, có trách nhiệm hơn với cộng đồng” - thầy Nguyễn Văn Đồng chia sẻ.
Tấm lòng nhân hậu
“Hầu hết học sinh của trường đều là con em các gia đình làm nghề nông. Sự quan tâm, chăm chút của bố, mẹ dành cho việc học tập hạn chế; một số học sinh vì hoàn cảnh khó khăn đã bỏ học để đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn. Bởi vậy, khi thấy các em trưởng thành hơn về ý thức, tôi lại đau đáu trong lòng về việc làm sao để các em tiến bộ trong học tập. Ý tưởng kêu gọi đồng nghiệp và trực tiếp dành thời gian dạy kèm cho những học sinh yếu, hỗ trợ học sinh khó khăn nảy sinh như thế” - thầy Trần Xuân Hiệp bày tỏ.
Để các em yên tâm học tập, giảm nguy cơ bỏ học, mỗi tuần thầy Hiệp dành từ 1 đến 2 buổi để dạy kèm miễn phí môn toán cho những học sinh của trường hoặc học sinh của các trường khu vực lân cận có học lực yếu, có nguyện vọng bổ sung kiến thức. Ngoài ra, thầy Hiệp còn tổ chức dạy trực tuyến vào tối thứ sáu hằng tuần để tăng cơ hội học tập cho những học sinh không thể đến học trực tiếp.
Là một trong những giáo viên tích cực hưởng ứng phong trào “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn” do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phát động, hằng năm, thầy Trần Xuân Hiệp đều trích một phần tiền từ lương của mình để mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho nhiều học sinh khó khăn. Thông qua việc phát động phong trào quyên góp giấy vụn, ủng hộ 1 phần quà sáng từ học sinh, ủng hộ kinh phí từ cán bộ, giáo viên, hằng năm Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh đều tổ chức tặng quà cho học sinh khó khăn nhân dịp Tết; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, nhà trường đã tặng 56 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó với tổng trị giá hơn 30 triệu đồng.
Em Trần Thị Kim Băng, lớp 11A6 là một trong nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được thầy Trần Xuân Hiệp nhận đỡ đầu và kèm thêm trong học tập. “Em được thầy Hiệp nhận đỡ đầu ngay khi vào lớp 10. Thầy Hiệp còn vận động các thầy, cô giáo, các bác phụ huynh hỗ trợ em về mọi mặt. Bởi vậy, em yên tâm hơn để học tập. Kết thúc năm học lớp 10, em đạt danh hiệu học sinh giỏi” - Trần Thị Kim Băng nói.
Còn rất nhiều học sinh đã được thầy Hiệp cưu mang, dạy kèm miễn phí và đã tiến bộ, trong đó có những em nay là sinh viên, trở thành niềm tự hào của gia đình và làng xóm. Đơn cử như em Nguyễn Thị Lụa (sinh năm 1998) hiện là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Một trường hợp khác là em Lê Phương Trang, sinh viên năm cuối của Trường Đại học Hà Nội. Đáng chú ý, Lê Phương Trang không phải là học sinh của trường nơi thầy Hiệp công tác. Năm 2014, khi biết được hoàn cảnh và sự quyết tâm, mong muốn tiếp tục học tập của Thảo, thầy Hiệp đã dành nhiều thời gian dạy kèm.
“Hiện nay, em Thảo phải tự trang trải cuộc sống bằng việc đi làm thêm, song vẫn dành học bổng của trường. Nghị lực và sự thành công bước đầu của những học sinh như thế giúp tôi có thêm động lực và quyết tâm để tiếp tục dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho những công việc sắp tới” - thầy Trần Xuân Hiệp bộc bạch.
Với sự tâm huyết, trách nhiệm và mẫu mực trong công việc và cuộc sống, thầy giáo Trần Xuân Hiệp luôn được đồng nghiệp yêu mến, phụ huynh và học sinh tin tưởng, quý trọng. Ghi nhận những nỗ lực trong quá trình công tác tại Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh, thầy giáo Trần Xuân Hiệp đã được tặng nhiều phần thưởng, trong đó 4 năm liên tục gần đây được tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; năm 2017 được Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tặng Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”; năm 2018 được tặng Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội; năm 2019 được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.