Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người sử dụng "tiếp tay" cho sai phạm

Nguyễn Huy| 23/02/2016 07:30

(HNM) - Trước tết Nguyên đán Bính Thân, Hà Nội phát hiện đường dây

Người dân khó nhận biết thuốc hết hạn đã được "nâng đời". Ảnh: Thái Hiền


Thô sơ "khó tin"

Trước Tết, đội kiểm tra liên ngành TP Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 3 cửa hàng thuốc tây thuộc cùng một hệ thống có địa chỉ ở số 11A An Dương (Tây Hồ), số 20 Nguyễn Biểu và 129 Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội), phát hiện và thu giữ trên 500.000 đơn vị thuốc các loại hết hạn sử dụng đã bị tẩy xóa, sửa hạn sử dụng. Chủ của các cửa hàng trên là bà Trần Thị Ánh Tuyết (SN 1966, trú tại phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Thủ đoạn nâng hạn thuốc hết hạn sử dụng của "bà trùm" Ánh Tuyết rất đơn giản, chỉ bằng kéo, dao dọc giấy, bút và cồn. Đối với thuốc tân dược có hạn sử dụng in trên hộp giấy, hộp thiếc, Tuyết đã cho tẩy xóa, cạo ngày in trên vỏ hộp thành còn hạn sử dụng. Với thuốc đóng trong vỉ, có ngày sử dụng dập chìm thì Tuyết cắt phần ngày tháng đó đi. Người mua thường ít khi xem xét kỹ vỉ thuốc khi mua nên khó phát hiện thuốc còn hạn sử dụng hay không.

Theo cơ quan chức năng, để tạo mạng lưới tiêu thụ thuốc hết hạn, Tuyết đã mở hơn 30 cơ sở bán thuốc tại nhiều khu dân cư đông đúc. Thủ đoạn này đã kéo dài nhiều năm và khó có thể ước đoán được bao nhiêu triệu đơn vị thuốc quá hạn đã được bán ra ngoài thị trường, gây thiệt hại cả về kinh tế và sức khỏe của người dùng.

Giáo sư Hoàng Tích Huyền, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý (Đại học Y Hà Nội) cho biết, hoạt chất gì cũng chỉ có thời hạn sử dụng nhất định. Nếu dùng sản phẩm quá hạn thì thuốc sẽ biến chất, tác dụng chữa bệnh không còn, thậm chí làm gia tăng các tác dụng phụ của thuốc hoặc biến thành chất độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe. "Đó là chưa kể khi người bệnh dùng thuốc quá hạn, giảm tác dụng trị bệnh, bệnh không khỏi mà còn nặng hơn. Lúc đó, việc điều trị khó khăn hơn, thậm chí bệnh nhân tử vong. Thuốc quá hạn cũng gây ra nhờn thuốc, kháng thuốc. Tác hại của việc kháng thuốc sẽ lâu dài và nghiêm trọng, nhất là với trẻ em. Khi kháng thuốc kháng sinh, bệnh nhân sẽ phải dùng kháng sinh thế hệ cao hơn, bệnh khó trị hơn, tốn tiền hơn, thậm chí tử vong vì không còn thuốc chữa" - Giáo sư Hoàng Tích Huyền phân tích.

Đáng nói, đây không phải lần đầu cơ quan chức năng bắt giữ được thuốc hết hạn sử dụng được bán ra thị trường. Trước đó, tháng 9-2015, 38kg tân dược hết hạn sử dụng được trà trộn vào thuốc còn hạn tại một nhà thuốc ở An Giang cũng đã bị thu giữ. Tháng 4-2014, tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, Thanh Hóa, qua kiểm tra một nhà thuốc, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 160 loại thuốc và 25 loại thực phẩm chức năng hết hạn sử dụng từ năm 2011, 2012, 2013 nhưng vẫn được bày bán. Không thể đếm được đơn vị thuốc, cơ quan chức năng đã đem thuốc này cân lên, nặng tới hơn 200kg.

Người dân bối rối

Đọc được thông tin về thuốc hết hạn bị "phù phép", chị Phạm Thị Hạnh (quận Tây Hồ, Hà Nội) giật mình lo ngại. Chị cho biết, đã nhiều lần mua thuốc ở địa chỉ 11A An Dương (Tây Hồ) - nhà thuốc vừa bị kiểm tra và phát hiện nhiều thuốc quá hạn bị "lên đời".

"Có lần tôi mua thuốc theo đơn của bác sĩ, có lần không. Chẳng bao giờ tôi để ý đến dòng chữ nhỏ tý ghi ngày tháng trên bao bì nên cũng chẳng biết lần nào mua phải thuốc quá hạn. Tôi cứ nghĩ người làm ngành Y, Dược, liên quan đến sự sống chết của con người sao còn ăn gian, làm dối. Nào ngờ…" - chị Hạnh chia sẻ.

Dược sĩ Nguyễn Huy Am - nguyên Trưởng khoa Dược (Bệnh viện 198) cho biết, người Việt Nam có thói quen xấu là mua thuốc không cần đơn thuốc, khi ốm là ra ngoài hàng "mua đại" vài viên thuốc, người bán lấy lẻ vài viên, cắt rời vỉ thuốc. Các nhà thuốc gian dối đã lợi dụng chính điều này để tuồn thuốc quá hạn cho người bệnh. "Thậm chí người ta chẳng cần cạo, sửa ngày làm gì cho mệt. Cứ vô tư đưa vài viên thuốc theo yêu cầu của người dân, làm gì có ngày tháng mà kiểm tra. Thuốc mua về uống luôn, cũng chẳng có hóa đơn, lấy bằng chứng nào để phát hiện hay tố cáo" - dược sĩ Am phân tích.

Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, những loại thuốc cận ngày sử dụng thì công ty sản xuất, phân phối phải có trách nhiệm thu hồi và tiêu hủy. Đồng thời, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải ngừng phân phối và trong thời gian không quá 5 ngày, phải thông báo thu hồi đến tất cả các cơ sở phân phối, đơn vị sử dụng đã mua thuốc và báo cáo về cơ quan quản lý trong vòng 30 ngày. Thực tế, các cửa hàng thuốc đã mua thuốc về rồi thì việc tiêu hủy thuốc quá hạn tùy thuộc vào sự tự giác của họ. Chẳng ai biết cửa hàng này đã bán được bao nhiêu thuốc, có tiêu hủy thuốc quá hạn hay không. Lực lượng kiểm tra không thể hàng ngày "bới" hàng triệu đơn vị thuốc để tìm thuốc quá hạn được.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên:

Chế tài chưa đủ răn đe

"Hiện nay, mức xử phạt bán thuốc quá hạn sử dụng là 40 triệu đồng, kèm đó là tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là chưa đủ răn đe. Vì chỉ 5-6 tháng sau cơ sở bị phạt sẽ có thể xin giấy phép hoạt động trở lại. Theo tôi, cần phải có các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi kinh doanh thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng như đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, thu hồi giấy phép hành nghề dược sĩ, thậm chí khởi tố hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người sử dụng "tiếp tay" cho sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.