(HNM) - Mỗi lần đi xe ô tô, máy bay hay tàu hỏa tôi đều say. Thậm chí, chỉ nghĩ đến việc chuẩn bị phải đi ô tô tôi đã có cảm giác say. Xin hỏi cách phòng hoặc giảm bớt tình trạng say xe? (chị Đinh Lan, Hà Đông)
(chị Đinh Lan, Hà Đông)
Say tàu xe hay máy bay thường xảy ra ở một số người có cơ quan tiền đình (nằm ở phần tai trong, giữ vai trò giúp sự thăng bằng cho cơ thể) nhạy cảm với sự tác động của các lực dưới dạng gia tốc thẳng đứng hướng lên hoặc hướng xuống, gây ra nôn mửa, chóng mặt hay choáng váng. Tùy thuộc vào sự nhạy cảm, hưng phấn của tiền đình và vỏ não mà có người bị say nhiều, người say ít. Ngoài ra, có một số yếu tố khác tác động đến tình trạng này như cơ thể mệt mỏi, uống rượu, cảm xúc không ổn định, không khí ngột ngạt, mùi xăng dầu, khói thuốc lá…
Để hạn chế say xe, khi lên xe ô tô nên chọn chỗ ngồi ngay phía sau cầu xe trước hoặc các ghế trên, cạnh cửa sổ, nơi có tầm nhìn thoáng, rộng. Người say xe cần tránh nghĩ về cảm giác say xe, tạo tinh thần thoải mái, thanh thản. Nếu như khó chịu cũng không nên tỳ trán vào ghế trước, hoặc áp đầu vào thành xe để tránh sự rung, xóc tác động lên cơ quan tiền đình, gây kích thích mạnh. Khi đi đường dài cần ăn từng ít một, ăn nhiều lần, không ăn no. Trước khi lên tàu xe khoảng 1 giờ cần ăn nhẹ nhưng đủ chất, nếu không ăn gì thì cơ thể mệt mỏi, càng dễ bị say. Nên hạn chế uống nước, đặc biệt là không được uống các loại nước có ga nhất là rượu, bia, kể cả trước và trong suốt hành trình; không ăn đồ quá ngọt hoặc nhiều mỡ, béo ngậy; không hút và tránh ngửi mùi thuốc lào, thuốc lá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.