(HNMO) - Mặc dù công việc vất vả, chỉ mang tính thời vụ, nhưng ông Trần Văn Bản, thôn Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn miệt mài đục từng khuôn bánh Trung thu bằng gỗ.
Vào những ngày đầu tháng Tám âm lịch, gia đình ông Trần Văn Bản, thôn Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại tất bật đục khuôn bánh Trung thu.
Hơn 30 năm theo nghề, thấu hiểu được mọi nỗi vất vả nên ông luôn tìm tòi, sáng tạo để phát triển nghề.
Ông Trần Văn Bản cho biết: “Khuôn bánh Trung thu thường được làm từ gỗ xà cừ, bởi độ bền, dễ đục đẽo. Trước kia, tại địa phương có nhiều hộ gia đình làm nghề đục khuôn bánh Trung thu, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn 2 hộ gia đình”.
Theo ông Bản, lý do nhiều gia đình bỏ nghề, bởi nghề chỉ mang tính thời vụ và lợi nhuận không xứng với công sức bỏ ra.
Để làm ra một khuôn bánh Trung thu hoàn chỉnh phải trải qua các công đoạn như: Vẽ khuôn, xẻ gỗ, đục…
Đặc biệt, khuôn bánh nướng và khuôn bánh dẻo được làm khác nhau. Đối với bánh nướng phải đục đều nét, để khi nướng lớp vỏ bên ngoài bắt lửa đều, bánh sẽ không bị cháy hay vàng không đều.
Ông Trần Văn Bản cho hay: “Hiện nay, khuôn bằng nhựa tràn lan trên thị trường, mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ nên khuôn gỗ dần mất chỗ đứng. Số lượng khuôn của gia đình tôi bán ra thị trường giảm theo năm”.
Theo ông Bản, khuôn bánh Trung thu bằng gỗ có độ bền vài chục năm, tùy theo cách sử dụng và bảo quản của người dùng.
Trung bình, ông mất khoảng 2 giờ để hoàn thành một khuôn bánh Trung thu cỡ trung.
Mỗi dịp Tết Trung thu, gia đình ông bán ra thị trường khoảng 700 khuôn bánh Trung thu.
Mỗi khuôn có giá dao động từ 150.000 đến 2 triệu đồng tùy theo kích cỡ khuôn.
Hiện tại, gia đình ông Trần Văn Bản có 3 thế hệ theo nghề đục khuôn bánh Trung thu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.