Người ta ước tính con số phim ảnh và bưu ảnh của Pierre Dieulefils lên đến 5.000 bản. Nó giúp chúng ta khám phá các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Vân Nam và Campuchia trong giai đoạn 1885 và 1925. Nó biểu hiện mọi mặt của đời sống thường ngày ở Đông Dương thời đó, tạo nên một bằng chứng cảm động về các khía cạnh của xã hội.
Công trình này một phần cũng tạo nên lịch sử Việt Nam. Có lẽ ông là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp đầu tiên định cư ở Hà Nội năm 1888. Tên tuổi của ông nhanh chóng lan rộng đưa đến cho ông nhiều huy chương khi ông trưng bày các bức ảnh của mình tại các cuộc triển lãm quốc tế ở châu Âu.
Ông thường được gọi là “Nhà nhiếp ảnh thám hiểm và sản xuất bưu ảnh”. Vào thời đó mất khoảng 40 ngày đi đường thủy từ Pháp sang Đông Dương. Thiết bị nhiếp ảnh hồi đó rất nặng, cồng kềnh và dễ hư hỏng. Đường giao thông ở Bắc Kỳ khi ông bắt đầu tác nghiệp hầu như không có và việc đi lại rất nguy hiểm. Đúng là phải có ý chí của nhà thám hiểm thì mới dám đi lại như thế ở Bắc Kỳ.
Sự bùng nổ bưu ảnh trên toàn thế giới xảy ra giữa năm 1900 và 1905. Năm 1902 ở Hà Nội có cuộc Triển lãm Quốc tế. Dieulefils không chỉ trưng bày ảnh mà còn đưa ra những bưu ảnh đầu tiên.
Ông có ý tưởng sáng tạo và đưa ra logo của mình (một lư hương) trên các bưu ảnh. Đấy là bước mở đầu của một hành trình dài sẽ đóng góp vào thành công, vào tài sản và củng cố tiếng tăm của ông. Sự phát triển đó được mở rộng không ngừng sau Triển lãm Quốc tế Marseille năm 1906.
Dieulefils sinh ngày 21 tháng 1 năm 1862 ở Malestroit (Morbihan), một làng nhỏ của xứ Bretagne không xa Vannes mấy. Năm 1883 ông ký hợp đồng đăng lính 5 năm với quân đội Pháp, ông đến Bắc Kỳ cùng các trung đoàn pháo thủ thứ 13 và 24 năm 1885.
Dieulefils đóng quân ở Hà Nội. Ông đã tham gia vây hãm Ba Đình năm 1887 cùng với những trận khác. Trong thời gian đó ông đã chụp ảnh và một số địa phương có tên gọi phức tạp đã trở thành quan trọng vì những chiến dịch diễn ra ở đấy.
Sau 2 năm ở Bắc Kỳ, ông trở về Pháp nghỉ phép tự do vào tháng 8/1887. Trở về Malestroit, ông phải lòng cô Marie Glais và quyết định cưới nhau ngày 8 tháng 7/1889.
Trong thời gian đó ông trở lại Bắc Kỳ vào tháng 7/1888 và mở một hiệu ảnh. Ông đã chụp nhiều ảnh cho Triển lãm Quốc tế Paris tháng 4/1889 và được một huy chương đồng cho các tấm ảnh của mình.
Vợ ông đến với ông năm 1889 và hai người sống trong một ngôi nhà khiêm tốn. Năm sau hai người sinh con đầu lòng, cô con gái Marguetite Marie và hai bé trai sinh đôi Pierre và Georges ra đời năm 1891, đứa sau đã mất trong một vụ tai nạn. Một cô con gái khác ra đời năm 1894. Họ dọn về số nhà 53 phố Jules Ferry (Hàng Trống và Lê Thái Tổ ngày nay).
Chính địa chỉ này đã được ghi trên các bưu ảnh đầu tiên được phát hành sau đó. Cũng năm đó ông đã trúng thầu của chính quyền để chụp ảnh căn cước dán trên thẻ lưu trú của người nước ngoài sống tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ (chủ yếu là người Trung Quốc). Việc đó đã đưa ông di chuyển trên khắp xứ Bắc Kỳ, đến rất nhiều trung tâm trong những điều kiện đôi khi khó khăn.
Gia đình ông trở về Pháp năm 1898 và ông đã mua một mảnh đất ở Malestroit với ý đồ xây một xưởng làm rượu táo và một ngôi nhà ở. Năm 1899 đứa con cuối cùng là Jean sinh ra ở Malestroit. Dieulefils chuẩn bị cho Triển lãm Quốc tế ở Paris năm 1900 trong đó có 5 gian dành cho Đông Dương. Vào dịp đó ông đã được một huy chương vàng cho những tấm ảnh của mình.
Trở lại Hà Nội năm 1901, ông bắt đầu hoạt động trong việc phát hành bưu ảnh. Bị ốm nặng năm 1904, ông phải trở về Pháp an dưỡng. Năm 1905 ông quyết định đi Campuchia, ngược dòng Mê Kông bằng tàu thủy từ Sài Gòn, để cập bến ở Phnôm Pênh rồi đi về Angkor.
Mấy tháng sau ông mở một cửa hàng mới ở Hà Nội tại số 42/44 phố Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay) rồi lại xuống tàu thủy để tham gia Triển lãm Thuộc địa ở Marseille năm 1906. Triển lãm mở từ ngày 15 tháng 4 cho đến tháng 11/1906 và gồm 8 gian dành cho Đông Dương. Ông nhận được huy chương vàng cho các bức ảnh.
Năm 1907 gia đình ông tậu một ngôi nhà ở Đồ Sơn, khu nghỉ mát thượng lưu thời đó gần Hải Phòng. Năm 1908 ông tham gia Triển lãm Pháp-Anh ở Luân Đôn và giới thiệu cuốn sách Campuchia và phế tích Angkor mà đến nay vẫn còn là một trong những cuốn sách đẹp nhất và đầy đủ nhất về các phế tích ở Angkor.
Năm 1909 ông lại chụp ảnh Bắc Kỳ và xuất bản cuốn sách mới Đông Dương Tráng lệ và Kỳ vĩ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ trưng bày tại Triển lãm Quốc tế ở Bruxelles năm 1910 và ông lại được một huy chương vàng. Họ trở về Pháp đến ở tại Fontenay axu Roses năm 1913 trước khi nổ ra cuộc Đại chiến.
Ông giao cửa hàng tại Hà Nội cho người khác quản lý. Con trai đầu của ông là Pierre đã hy sinh ở Chemin des Dames năm 1917. Sau chiến tranh một con đường ở Hà Nội được mang tên anh ta.
Những năm đầu chiến tranh (1914/1915) ông đi Maroc, ở đó có Lyautey. Ông đã chụp nhiều bức ảnh đẹp và nhanh chóng xuất bản cuốn sách Fez-Mekes.
Sau chiến tranh, Dieulefils trở lại con đường sang Đông Dương mà ông sẽ đều đặn đến trong nhiều năm. Ông sống tại Malestroit, nơi ông xây ngôi nhà gia đình mang tên “Cội nguồn” bên cạnh xưởng rượu táo trong những năm 1920. Ông dành phần lớn thời gian cho thi ca và một vài bài thơ của ông sẽ được xuất bản.
Ông qua đời năm 1937, được chôn tại nghĩa trang Malestroit (Morbihan) ở Bretagne, xứ sở của những truyền thuyết. Ông vẫn còn sống trong lòng gia đình ông… và trong lòng những người sưu tập như tôi.
Hiện nay, Philippe Chaplain đã tìm được Lionel, người chắt của Dieulefils. Ông này đã 62 tuổi và còn giữ những phim ảnh gốc và những bưu ảnh của cụ mình (hơn 2.000 bản).
Ông mong muốn công trình của Dieulefils được biết đến nhiều hơn và cho thấy tình yêu của cụ đối với Việt Nam. Hai người hẹn sẽ gặp lại các bạn trong một cuốn sách sẽ ra mắt và một cuộc trưng bày tương lai ở Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.