Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Người rừng” trên đỉnh Ba Vì

Minh An| 18/05/2013 07:38

(HNM) - Chỉ cần cái gật đầu, gã sẽ trở thành một đại gia chính hiệu. Nhưng


Nghe về "người rừng" này từ lâu, nhưng phải mất một thời gian dài nhờ người chắp nối, chúng tôi mới có cơ hội được gặp. Không thích gặp người lạ, đặc biệt là với cánh nhà báo, người đàn ông kỳ dị này thích cuộc sống bình lặng, yên ổn, không muốn bị kéo vào cái vòng xoáy cay nghiệt của thị phi xã hội...

Đường lên động Ngọc Hoa công chúa do “người rừng” Nguyễn Văn Thân xây dựng.


Từ bỏ cái gật đầu để trở thành đại gia

Nguyễn Văn Thân đồng ý cho chúng tôi gặp mặt đúng vào hôm rằm. Sở dĩ chọn ngày này là bởi hắn muốn dẫn chúng tôi lên thăm động Ngọc Hoa công chúa mà gã vô tình phát hiện từ hơn 20 năm về trước.

Cơn mưa nhạt nhòa trên suốt dọc đường vào Vườn quốc gia Ba Vì dẫn chúng tôi như lạc vào cõi tiên. Theo chỉ dẫn, chúng tôi đi qua cổng Vườn quốc gia Ba Vì khoảng 2km thì rẽ vào con đường đất, ẩm ướt, nhầy nhụa, vắt ngang sườn núi. Đi cả quãng đường không có lấy một người dân để hỏi, sóng điện thoại lại tịt ngóm, nếu không có sự háo hức tìm hiểu về một con người kỳ lạ, ẩn chứa nhiều bí ẩn hay ho thì chắc chúng tôi đã quay lại.

Cho đến gần 12h trưa, trước mắt chúng tôi xuất hiện ngôi nhà với rất nhiều hoa lá, chim chóc, hòn non bộ được đắp khá cầu kỳ. Rồi tiếng ho húng hắng của một ai đó như muốn nói nhà này có chủ. Một người đàn ông dáng loẻo khoẻo, râu rậm, tóc búi cao quá đầu, miệng nở một nụ cười tươi rói tiến về phía chúng tôi. Giọng hồ hởi vui vẻ như cố nhân lâu ngày gặp lại, "người rừng" chẳng ngại ngần đi đến bắt tay từng người.

Mời khách ngồi vào chiếc bàn nhỏ, ọp ẹp, rồi nhanh tay rót nước, miệng luôn hỏi han với những lời cởi mở, gần gũi, tếu táo. Thân bảo, sở dĩ hôm nay nhận lời gặp chúng tôi không chỉ do bạn bè giới thiệu mà còn bởi cái duyên lớn. Nhiều người được giới thiệu, nhưng đến đây gã vẫn không tiếp. Trong câu chuyện cởi mở, chúng tôi được biết Thân quê ở Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Sau khi xuất ngũ Thân lang bạt khắp nơi với đủ mọi nghề. Nhưng khi về đây, "người rừng" như được một sức mạnh tâm linh lớn lao nào đó rẽ lối để gắn với nơi này.

Sơ sơ vài nét làm quen là vậy, còn về sau, khi câu chuyện đã thoải mái, chẳng còn gì phải dè dặt, đề phòng, Thân mới tâm sự thật rằng: "Sau khi rời quân ngũ, tôi đã làm đủ mọi nghề để sinh sống từ phu hồ, buôn bán, sưu tầm đồ cổ đến chủ bưởng khai thác khoáng sản, vàng bạc. Trong số nghề đó, có lẽ khai thác khoáng sản đem lại cho tôi nhiều lợi nhuận và rủi ro nhất. Vốn có kiến thức về địa chất, cộng với lang bạt khắp nơi nên khi đến vùng đất Ba Vì này, tôi vui mừng khi phát hiện ra rằng dưới lớp đất trầm tích lâu đời là cả một mỏ quặng và vàng cực lớn. Tuy nhiên, khi tìm ra số quặng lớn này thì cũng là lúc nhà nước quản lý chặt việc khai thác". Sau nhiều ngày trăn trở, tính toán, nghĩ ngợi làm sao để khai thác được số quặng lớn ấy, Nguyễn Văn Thân đã nghĩ ra một cách mà thời ấy không phải ai cũng nghĩ ra, đó là xin thuê rừng phát triển kinh tế. Khi đã thuê được rừng thì việc khai thác "trộm" sẽ dễ dàng hơn. Vậy là đề án được lập ra và cũng gần như chẳng gặp bất kỳ trở ngại nào, dự án thuê 50ha rừng của Thân được phê duyệt ngay.

Biết khoáng sản lớn là vậy, nhưng đúng lúc Thân định tiến hành khai thác để kiếm tiền thì phát hiện ra động Ngọc Hoa công chúa trên đỉnh núi. Cũng từ đây suy nghĩ của con người này thay đổi ngược lại và cái tên Thân "khùng" cũng bắt đầu từ đó. Dù có trong tay 50ha đất rừng, với nhiều khoáng sản quý giá như quặng, vàng, phát triển du lịch tâm linh, nhưng Thân "khùng" không hề khai thác, cũng chẳng bán cho bất kỳ công ty nào đến hỏi mua. Theo gã, rừng là tài nguyên quý giá, thì không thể mang ra kinh doanh, buôn bán. Chính từ suy nghĩ ấy, dù cuộc sống khó khăn, nhưng Nguyễn Văn Thân nhất quyết phải giữ bằng được khu "đất vàng" của mình dù chỉ cần gật đầu một cái là cuộc đời sẽ rẽ sang một trang khác vì có trong tay cả "núi tiền". Để bảo vệ quyết định của mình, Thân phải gạt bỏ ngoài tai những mỉa mai là "khùng", là "ngu", là "lập dị"… Cũng chính vì muốn giữ vững lập trường của mình, không phải nghe những từ không hay ho ấy nên Thân quyết định sống khép mình, không giao du với người lạ để khỏi phải vướng vào những thị phi.

Ngoài giọng nói truyền cảm, "người rừng" còn có lối nói chuyện rất duyên và luôn xen vào đó những câu thơ, văn, vè. Thân "khoe", không cần phải ghi chép, nhưng gã có thể nhớ hơn 300 bài thơ mà mình tự sáng tác. Những bài thơ này đều gắn với từng sự kiện, địa danh, sự cố cuộc đời mà gã đã trải qua.

Đang say sưa trò chuyện, Nguyễn Văn Thân đột nhiên khựng lại, bảo chúng tôi chuẩn bị đồ đạc, lên thăm động Ngọc Hoa công chúa. Vượt qua khu rừng măng bạt ngàn, xanh ngút là đến con đường đá ngoằn ngoèo với các bậc đều tăm tắp. Thấy ngạc nhiên, chúng tôi hỏi thì được biết, đó là công sức hơn 20 năm của con người "lập dị" này. Thân bảo: "Hơn 20 năm trước, trong một lần tình cờ dẫn đoàn làm phim lên núi, tôi đã phát hiện ra động Ngọc Hoa công chúa. Ngay sau đó, tôi đã một mình phá đá mở đường lên núi với 487 bậc". Vượt qua rừng măng, là đến rừng trúc, "người rừng" lại khiến chúng tôi thêm một lần ngạc nhiên nữa khi giải thích rằng: "Rừng măng giúp thu lợi kinh tế. Còn trúc là biểu hiện cho đất Phật. Do đó, càng lên gần động, tôi càng trồng nhiều trúc".

Vượt qua bậc đá, Thân tiến đến chiếc am nhỏ, đặt lễ lên khấn vái thần núi, sau đó mới dẫn chúng tôi vào động. Ngoài cửa động Ngọc Hoa công chúa được phủ bằng những rễ cây rừng, tuy nhiên khi vào trong thì đó là cả một khoảng trống rộng, bằng phẳng với những phiến đá thiên tạo được xếp theo bậc lên xuống, tưởng như có người sắp xếp.

Để cho xã hội hưởng lợi

Nguyễn Văn Thân tâm sự rằng, trước đây cũng từng bước qua chiến tranh, giữa cái sống và cái chết nên nhận ra nhiều điều về giá trị cuộc sống. Cũng vì vậy, gã đã chọn cho mình cuộc sống bình lặng, một mình vào rừng, sống ẩn dật cùng với thú vui thơ ca, hòa mình vào thiên nhiên. Nhưng niềm vui thực sự trọn vẹn khi năm 1996, Thân gặp, yêu và kết hôn với người bạn đời bây giờ. Tuy nhiên, gã không kể về câu chuyện tình hay như tiểu thuyết ấy mà chỉ muốn giữ làm bí mật của riêng mình.

Lấy vợ một thời gian dài nhưng vẫn không có con, sau nhiều đêm mất ngủ suy nghĩ, gã dần hiểu rằng, có lẽ nguyên nhân chính là do thứ chất độc quái ác trong chiến trường xưa kia. Dù xác định sẽ không có cơ hội được làm cha, làm mẹ, nhưng vợ chồng vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc. Tuy thế đã không ít lần gã định "giải thoát" cho vợ đi tìm hạnh phúc mới. Dường như hiểu được tâm trạng của Thân, cô vợ thường xuyên động viên, an ủi, chăm sóc chồng một cách tận tâm… Đưa ánh mắt nhìn về phía rừng măng, Thân bộc bạch: "50ha măng và trúc nhiều năm chăm bẵm, bao công sức phá đá mở đường lên động Ngọc Hoa phải gìn giữ lại cho con cháu mai sau chứ…". Chúng tôi hiểu, hai từ "con cháu" mà gã dùng để chỉ xã hội nói chung.

Câu nói của "người rừng" nhắc cho chúng tôi gợi nhớ tới việc cần phải gìn giữ bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống nguyên vẹn của rừng núi Ba Vì. Bao năm qua, 50ha rừng tuy không lớn nhưng đã một phần cùng hơn 10.000ha rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia Ba Vì chống xói mòn, bảo vệ đất và là lá phổi xanh cho Thủ đô. Những gì gã lầm lũi bám rừng suốt gần ¼ thế kỷ là nhân tố cần nhân rộng, đáng khích lệ biểu dương. Và cũng phải khẳng định rằng, một bộ phận không nhỏ người dân Thủ đô đã được thừa hưởng từ thành quả lao động của "người rừng". Cho đến giờ, vợ chồng Nguyễn Văn Thân là hộ gia đình duy nhất được sống trong khu Vườn quốc gia Ba Vì.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Người rừng” trên đỉnh Ba Vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.