(HNM) - Người ta thường nghĩ phụ nữ thôn quê tầm mắt thường chỉ bó hẹp trong lũy tre làng, nhưng ở đất Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thì khác. Nơi đây, chỉ có những phụ nữ sức khỏe yếu là chịu cảnh cả đời quanh quẩn trong làng, còn có tới 80% phụ nữ trong xã đi buôn bán làm ăn. Cả đời họ tần tảo, chắt chiu phát triển kinh tế gia đình từ những đôi vai yếu mềm.
Quăng quật với áo cơm
"Ngày nào cũng như ngày nào, dù mưa gió, bão bùng hay rét mướt thì từ 3 - 4 giờ sáng, khắp 4 thôn của xã Quảng Bị, từng tốp chị em phụ nữ ríu rít ới nhau đi chợ sớm, đông cả nghìn người, tắc cả đường làng", Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Dương Viết Quang mở đầu câu chuyện. Ở đây, đi chợ "buôn thúng bán mẹt" là kế sinh nhai và được coi là một nghề sau những ngày nông nhàn. Họ buôn đủ thứ, từ cá, thịt, rau, trứng đến phế liệu. Phần lớn chị em đi xe máy, nhưng cũng có nhiều người mới vào nghề, vốn liếng chưa có, đạp xe đạp vài chục cây số vào nội thành buôn bán là bình thường.
Kinh tế gia đình phụ thuộc nhiều vào những buổi chợ với mớ rau, con cá của người phụ nữ. |
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trịnh Thị Ba phân trần: Ở đây nghề phụ có đủ cả, từ mây tre giang đan, thêu ren, móc sợi nhưng rất ít người làm vì công xá thấp, ngồi cả ngày hì hụi cũng chỉ được dăm chục ngàn, trong khi chạy chợ, trừ mọi chi phí ăn tiêu, ít nhất mỗi ngày cũng được một vài trăm nghìn đồng. Có chị "vào cầu", ngày kiếm dăm sáu trăm. Biết là nhọc nhằn, vất vả sớm khuya nhưng được cái có đồng ra đồng vào, chứ trông vào sản xuất nông nghiệp làm sao đủ tiền cho con ăn học. Mỗi năm chỉ có 2 vụ cấy, 2 vụ gặt, làm hai chục ngày là hết việc, còn hơn 300 ngày, chị em rong ruổi đường nhựa kiếm sống. Chả vậy mà nhìn bên ngoài, diện mạo làng quê Quảng Bị "sáng" hơn hẳn các xã lân cận bởi xe máy đông đúc hơn, nhà cao tầng, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bình nóng lạnh, nội thất đắt tiền ở đây giờ không thiếu.
Nghèo nhưng khát chữ
Ở xã Quảng Bị giờ vẫn còn tới 17% hộ nghèo, một tỷ lệ khá cao so với bề ngoài khang trang. Phó Chủ tịch UBND xã Dương Viết Quang nói, cái nghèo ở đây cũng không như nơi khác, chúng tôi nghèo nhưng tương lai xán lạn bởi vì ở đây người dân "nghèo nhưng khát chữ".
Thấy tôi ngạc nhiên, ông Quang phân trần: "Các hộ nghèo ở đây, ngoài những người bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật, già cả neo đơn thì đa phần còn lại rơi vào các hộ có đông con ăn học. Một tháng, bố đi làm thợ hồ được 5 triệu, mẹ chạy chợ 4 triệu nhưng nuôi một lúc 3 đứa con ăn học trong nội thành hết 10 triệu, chưa kể hàng trăm khoản cưới xin, giỗ chạp, thăm nom, phí đóng góp khác, không nghèo mới lạ.
Nếu như cách đây hai ba chục năm, phụ nữ ở đây 12, 13 tuổi mới lớn đã tập đi chợ làm ăn để dành dụm ít vốn lấy chồng thì nay hoàn toàn khác. Những ông bố, bà mẹ sẵn sàng ngày đêm "cày đường nhựa", làm phu hồ xây dựng nhưng đều đầu tư cho con em học hành. Chị Nguyễn Thị Thủy thôn 2 vừa nấu xong nồi rượu, mặt lấm tấm mồ hôi khiêm tốn không nói về chuyện nuôi hai đứa con đang học đại học mà kể về gia đình bác Nguyễn Viết Gần với sự nể phục sâu sắc: "Những năm trước bác gái còn chạy chợ, bác trai đi chở gạch, cát thuê nuôi 4 con ăn học, chẳng may bác gái lâm bệnh trọng mất, một mình bác Gần gà trống nuôi 4 người con lần lượt vào các trường đại học có tiếng như Xây dựng, Thủy lợi…".
Làng quê là thế, khi bình yên và có cả những ngày giông tố nhưng nhờ tần tảo, chắt chiu, nhờ sự chịu thương chịu khó của những người "giữ lửa gia đình" mà cuộc sống vẫn luôn tràn đầy hy vọng, như chị Thủy, như bác Gần đang hy vọng thoát nghèo, đổi đời nhờ tương lai của các con.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.