Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Phú Phương - Ba Vì: Chẳng ngại xã mình bé nhỏ

Bạch Thanh| 01/07/2012 07:58

(HNM) - Dẫu ai một lần thăm cũng có cảm nhận đặc biệt về đất và người Phú Phương - một trong những địa danh nhỏ nhất huyện Ba Vì nằm ép mình bên dòng sông Cái hiền hòa.

Với nét chân chỉ, đằm sâu mang đậm văn hóa xứ Đoài, không bằng lòng với thực tại, người Phú Phương vươn dậy, chọn cách đi riêng cho mình bằng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để rồi làng quê thay da đổi thịt. Giờ đây, bên cạnh những mái đình rêu phong, nhà cao tầng đang mọc lên san sát.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phương Nguyễn Văn Chí nói một cánh khiêm tốn nhưng cũng đầy tự hào: Xã chỉ có hai làng với 5.900 nhân khẩu của 1.500 hộ dân, nằm cạnh những ngôi làng nổi tiếng như làng Cổ Đô xã Cổ Đô, làng Mai Trai xã Vạn Thắng nên dễ "lép" lắm. Đổi lại, người dân Phú Phương cần mẫn, chịu thương, chịu khó và dám nghĩ dám làm nên giờ đây chẳng ngại xã mình bé nhỏ. Nơi đây, không ít ông chủ dám bỏ ra bạc tỷ làm trang trại, cải tạo đất hồ ao, sản xuất vật liệu xây dựng, làm giàu trên đồng đất quê mình.

Anh Nguyễn Văn Duẩn, chủ một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng lớn trên địa bàn xã, một trong những hộ đi tiên phong trong phong trào làm giàu trên quê hương và nuôi con cái học hành giỏi giang, cho biết: Ở mảnh đất này, mỗi người xây dựng quê hương theo cách riêng của mình: con trẻ yêu quê hương bằng cách chăm ngoan học giỏi. Chả vậy mà năm nào, dù là xã nhỏ song cũng có vài chục học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Có năm, có tới 50% học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Người dân Phú Phương quan niệm: Kinh tế và văn hóa phải song hành. Coi khuyến học là một trong những ưu tiên nhưng luôn gắn chặt với phát triển kinh tế. Với quan niệm, đời sống vật chất chưa cao thì khuyến học khó đạt yêu cầu, xã Phú Phương đặc biệt coi trọng sự tham gia của các cộng tác viên khuyến học. Một trong những người con quê hương Phú Phương được chính quyền và nhân dân trân trọng là ông Nguyễn Tá Huyên hiện là cán bộ của Công ty In và Văn hóa phẩm (Bộ VH-TT&DL). Những việc làm và cả sự hỗ trợ về vật chất của ông Huyên trong nhiều năm qua được ghi nhận là những "cú hích" góp phần thúc đẩy công tác khuyến học ở địa phương.

Con trẻ yêu quê hương bằng nỗ lực học tập, các cụ già thì yêu quê hương bằng cách tích cực tham gia các phong trào của người cao tuổi, vui khỏe sống có ích, đặc biệt địa phương là điểm sáng về tổ chức mừng thọ theo nếp sống văn minh. Việc mừng thọ các cụ trước đây rất tốn kém, có gia đình tổ chức tiệc mặn, tiệc ngọt kéo dài hai, ba ngày và làm mất nhiều thời gian, công sức của cả cộng đồng. Nay vào dịp Tết Nguyên đán, Ðảng ủy, UBND, các ban, ngành, đoàn thể của xã tổ chức mừng thọ các cụ tuổi tròn tại hội trường UBND xã. Lễ mừng thọ trang trọng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và đã đi vào nền nếp, trở thành một nét đẹp văn hóa của làng quê này.

Với vai trò lao động chính ở địa phương, lớp thanh niên, trung niên trong làng đều chịu thương, chịu khó tăng gia sản xuất, đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào đồng ruộng để tăng nguồn thu cho gia đình. Một số cán bộ xã đã gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Chí. Ngoài làm tốt công tác địa phương anh còn say sưa làm trang trại theo hướng chăn nuôi đa canh. Nhờ vậy, đời sống gia đình ngày một khấm khá. Là xã thuần nông, nên người dân ở đây rất tích cực trong chuyển đổi nghề nghiệp. Xã có hơn 1.500 lao động đi làm ăn xa, trong đó thường xuyên có 200-300 người đi lao động nước ngoài mang về nguồn thu nhập không nhỏ cho địa phương. Người ở lại, làm gạch, trồng trọt, chăn nuôi, đào đầm thả cá. Với hệ thống ao, hồ dày đặc, toàn xã có tới trên 100ha đất mặt nước nuôi trồng thủy sản khiến cho bức tranh quê ở đây níu giữ chân người. Diện tích lúa hầu hết đã được áp dụng cơ giới hóa từ khâu gieo trồng tới thu hoạch. Đây là một trong những xã đã xóa lò gạch thủ công và thí điểm thành công công nghệ lò sản xuất gạch có hệ thống xử lý khói thải không ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo xã Phú Phương tự hào: Đường làng ngõ xóm xưa kia chỉ là đường đất thì nay nhân dân đóng góp đã được bê tông hóa sạch sẽ. Nhà cao tầng đua nhau mọc lên, bộ mặt quê tôi thay đổi nhiều. Và đáng nói hơn, trong sự thay đổi ấy, làng quê vẫn giữ được vẻ thanh bình vốn có từ bao đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Phú Phương - Ba Vì: Chẳng ngại xã mình bé nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.