Sau khi sinh con, chị Sandy Wilson ở Maryland (Mỹ) nhiễm một loại vi khuẩn kinh khủng, chúng ăn mòn dần các bộ phận trong cơ thể.
Sandy Wilson là một y tá bệnh nhi thuộc trung tâm y tế Bệnh viện Đại học Maryland. Người phụ nữ 34 tuổi này bị mắc loại vi khuẩn giết người sau khi sinh cậu con trai Christopher vào ngày 1/4/2005.
Nhớ lại ngày kinh hoàng cách đây 5 năm. Sandy cho biết, khi tỉnh dậy, cô thấy mình nằm trên giường bệnh, các bác sĩ thông báo, cô đã bị nhiễm trùng hậu sản. Nhìn xuống bụng, Sandy không tin vào mắt mình: toàn bộ phần da bụng đã biến mất và tất cả những gì cô nhìn thấy là nội tạng bị phơi ra ngoài.
Theo các bác sĩ, Sandy đã nhiễm loại vi khuẩn gây viêm cận hoại tử, hay còn gọi là bệnh thối rữa thịt. Căn bệnh này đã giết chết 20% - 30% số bệnh nhân của nó, còn những người sống sót thì bị biến dạng kinh khủng.
5 năm trôi qua, trải qua không biết bao nhiêu cuộc phẫu thuật, thậm chí là phẫu thuật thay đổi những bộ phận trong cơ thể, Sandy vẫn không đầu hàng. Bệnh tật khiến cô sống phần lớn ở bệnh viện và các trung tâm phục hồi chức năng. Cô không ăn được như bình thường mà phải thông qua ống truyền thức ăn vào cơ thể. Và tất nhiên, Sandy cũng không thể chăm sóc cậu con trai của mình
Trong lúc phải chống chọi với bệnh tật, một nỗi đau nữa lại đến với Sandy: người chồng từng đầu gối tay ấp không chấp nhận được tình trạng bệnh tật của vợ và đã bỏ cô. Chia sẻ về quãng thời gian khó khăn đó, Sandy cho hay: “Đó thật sự là nỗi đau không thể chịu đựng được. Người chồng mà tôi yêu thương đã bỏ rơi tôi, còn tôi thì không thể chăm sóc con mình. Tôi đã chờ đợi rất lâu để được chăm sóc đứa con do chính mình sinh ra, vậy mà cũng không thể làm được”.
Viêm cận hoại tử (necrotizing fasciitis) thường được gọi là "bệnh thối rữa thịt". Đây là chứng nhiễm trùng rất nặng và lan tràn nhanh chóng qua mô quanh cơ bắp. Trong một số trường hợp, bệnh nhân chết trong vòng 18 giờ. Để điều trị căn bệnh của Sandy, các bác sĩ phải cắt bỏ những tế bào chết. Tuy nhiên, loại vi khuẩn này còn nhanh hơn cả bác sĩ. Ngay khi vừa cắt bỏ phần da bị vi khuẩn hủy hoại, chúng lại lan sang vùng da khác. Từng chút, từng chút một, sau khi “ăn” hết da, chúng “ăn” tới lá lách, túi mật, một phần dạ dày và cuối cùng thì ăn toàn bộ phần ruột của Sandy.
Sandy được điều trị giúp ổn định tâm lý trong vòng hai tuần. Sau đó, các bác sĩ tiến hành cắt bỏ những phần hoại tử và lắp ống để chuyển chất thải ra khỏi cơ thể. Có những lúc, công việc này được tiến hành liên tục và có ngày các bác sĩ phải làm tới vài lần. Các bác sĩ cũng châm cứu giúp Sandy bớt phần nào đau đớn. Tuy nhiên, sức khỏe của cô lại một lần nữa suy kiệt vào tháng 12/2006. Phần ruột chỉ còn lại một đoạn và gan có dấu hiệu lây nhiễm.
Các bác sĩ đã chọn phương pháp có phần mạo hiểm là ghép một phần ruột mà tỷ lệ thành công chỉ khoảng 50%. May mắn là ca phẫu thuật thành công. Tới tháng 1/2007, phần ruột già của cô được cấy ghép tiếp. Ca phẫu thuật diễn ra thành công và một tháng sau, Sandy đã ăn trở lại. Tuy nhiên, chính việc này khiến cho cô bị viêm phúc mạc và buộc phải ăn qua ống truyền một thời gian.
Sau 5 năm với nhiều nỗ lực chống chọi nỗi đau và sự dày vò, cuộc sống của Sandy Wilson hiện đã gần như bình thường. Tuy nhiên, cô phải uống thuốc chống viêm nhiễm suốt phần đời còn lại của mình. Sandy hy vọng rằng cô sẽ có thể quay trở lại làm việc tại bệnh viện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.