Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người “nuôi” rồng vải

Hữu Hoài| 30/01/2012 06:37

(HNM) - Trong hàng nghìn, hàng vạn tài hoa của đất Thăng Long, có


Nằm sâu trong con phố nhỏ làng Đa Sỹ là ngôi nhà đơn sơ, nơi duy nhất còn lưu giữ và phát huy được nghề làm rồng vải truyền thống của Việt Nam, người ta thấy một ông già ngoài 80 tuổi ngồi căm cụi chẻ tre, đan lồng, cắt dán, lắp ráp... Ông là ông Lê Ngọc Nguyện, người được tôn vinh là "Vua rồng vải", "Nghệ nhân làm rồng vải" và mới đây ông có cái tên mới "Người nuôi rồng" làng nghề Đa Sỹ.

Nhâm nhi chén trà, ông Nguyện say sưa kể, Đa Sỹ nằm bên dòng sông Nhuệ, cách trung tâm quận Hà Ðông hơn một cây số về phía hạ lưu. Trải hơn một nghìn năm biến đổi, nay Ða Sỹ còn giữ được đầy đủ thiết chế của một làng Việt cổ. Theo truyền thuyết, đất Ða Sỹ là đất tứ linh, có hình dáng một con rồng chín khúc, đầu rồng là chùa Thượng, mắt rồng là hai giếng nước đầu làng. Miệng rồng ngậm ngọc nên quanh năm mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn thịnh đạt. Đa Sỹ không những sinh ra nhiều bậc hiền tài, học hành đỗ đạt được ghi vào sử sách mà còn là nơi có nghề rèn, đặc biệt là nghề làm rồng vải nổi tiếng. Nghề làm rồng vải có tự bao giờ không ai còn nhớ rõ. Chỉ biết, có một thời, ở làng Đa Sỹ hầu như nhà nào cũng làm rồng vải, nam nữ trong làng ai cũng biết múa rồng. Rồng Đa Sỹ xuất hiện thường xuyên trong các lễ hội truyền thống của người Việt cổ xưa. Nhưng rồi những mối lo cơm áo gạo tiền đã khiến người dân Đa Sỹ chuyển sang làm thợ rèn, một nghề có thu nhập cao hơn nhiều. Nghề làm rồng vải vì thế cũng đã chìm vào quên lãng, ngày càng mai một. Lúc này ông Nguyện phải chứng kiến cảnh các đội múa rồng giải tán, rồi trong nhiều lễ hội không còn rồng vải Đa Sỹ mà là rồng nhập ngoại. Điều này làm ông trăn trở, quyết tâm phục chế việc làm rồng vải để giữ lại nghề xưa. Vậy là từ nguyên mẫu một con rồng vải khung sắt nặng 30kg còn sót lại tại đình làng, năm bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, ông tìm cách phục chế thành công rồng vải.

Khi bắt tay vào làm rồng, ông Nguyện nghĩ: "Giờ còn có một mình mình làm rồng thì phải tìm cách cải tiến để rồng làm ra có cái mới mà vẫn giữ được cái hồn của rồng Đa Sỹ". Thế rồi ông đã tìm hiểu rồng thời trước và thấy: Các bộ phận của rồng như hàm, mang, sừng... đều làm bằng sắt nên con rồng nặng làm cho người múa chóng mệt và kém linh hoạt trong các động tác. Ông đã nghĩ ra cách làm những bộ phận đó bằng các loại tre, trúc và đã giảm sức nặng của mỗi con rồng từ 30kg xuống còn 6-7 kg. Lúc này, con rồng trở nên mềm mại, uyển chuyển hơn trong quá trình múa mà không bị mất đi cái thần thái uy nghi của rồng.

Ông Nguyện chia sẻ, con rồng là sáng tạo nghệ thuật siêu nhiên. Vì vậy việc làm rồng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn và đôi tay khéo léo, phải thạo bốn nghề: nghề đan lát, nghề in, nghề may và nghề gò hàn. Nghề làm rồng khá công phu, để làm một con rồng dài 18 mét, 9 khúc và 10 chân thì việc lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng. Tre bánh tẻ chẻ cật thật mỏng, vót nhẵn rồi đan thành lồng có đường kính 40 cm, dài 80 cm, sau đó tẩm dầu luyn và sơn chống mọt. Bên trong lồng bọc một lớp tải dứa, tiếp đó là một lớp mút, ngoài cùng mới là lớp lụa xatanh in vẩy rồng. Mình rồng được phủ một lớp lụa vàng trên các lồng tre, được cố định bằng 10 chân rồng có nhiều tua nilon. Bụng rồng màu xanh, xương sống màu đỏ rực, khi múa mình rồng uốn lượn như những lớp sóng, trông rất đẹp mắt. Gần đây, ông Nguyện còn gắn thêm nhiều kim tuyến, vật phản quang vào các đường viền khiến con rồng lấp lánh, rực rỡ hơn. Những con rồng vải ông làm đẹp hơn hẳn so với những loại rồng Trung Quốc, bởi 100% các công đoạn đều làm thủ công nên rất sống động.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông chưa bao giờ tự nhận mình là nghệ nhân, với 20 năm có lẻ gắn bó với nghề làm rồng vải, ông chỉ mong muốn các thế hệ sau nối nghiệp ông theo đuổi mấy chục năm nay... Vào những thời điểm việc nhiều, ông Nguyện đã để cho con cháu phụ giúp kết gắn các chi tiết làm rồng vải, nhưng rồi lại phải tháo ra làm lại vì các phần của con rồng ấy không hài hòa, vô hồn, thiếu sinh khí.

Có thể số người giữ được nghề làm rồng vải như ông Nguyện ngày nay ít dần, nhưng những cống hiến của họ vẫn minh chứng cho một sức sống trường tồn của làng nghề, phố nghề Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người “nuôi” rồng vải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.