(HNM) - Anh Nguyễn Đăng Thái ở thôn Phong Triều, xã Nam Triều là nông dân cấy nhiều ruộng nhất huyện Phú Xuyên với gần 10ha. Mỗi vụ, anh thu gần 50 tấn thóc. Hành trình để anh Thái trở thành người nhiều thóc nhất vùng trũng Phú Xuyên gợi mở nhiều vấn đề về tích tụ ruộng đất, phân công lao động ở ngoại thành Hà Nội.
Mê cái người ta chán!
Người dân Nam Triều có câu: “Thượng Chùa Đống, hạ Chùa Vôi” để chỉ những cánh đồng xa, khó sản xuất ở vùng đất này từ nhiều đời nay. Nhiều hộ dân chán xứ đồng trũng kể cũng đúng, bởi mỗi hộ chỉ một vài sào ruộng, cấy vụ được, vụ không. Thế nhưng anh Nguyễn Đăng Thái đã đến từng hộ “xin” ruộng để cấy lúa. Gần 200 hộ gia đình có ruộng đã đồng ý.
Anh Thái kiểm tra trà lúa mùa vừa gieo cấy. |
Trước quyết tâm của anh Thái, người thân trong gia đình mừng thì ít, lo thì nhiều. Mẹ anh Thái chia sẻ: “Làm nông nghiệp trên mảnh ruộng người ta đã chán vì khó sản xuất thì lấy đâu ra lãi. Nhiều hôm thấy con vừa sạ lúa xong, gặp mưa to gió lớn tôi lại buồn ngồi ngâm bài hát ru thuở nào: “Người ta đi cấy lấy công. Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề. Trông trời trông đất trông mây. Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm. Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng” để nhắc con cái làm ăn nông nghiệp không hề dễ”. Vậy nhưng anh Thái vẫn quyết tâm và tin tưởng vào tính toán của mình. Anh Thái cho rằng: Nếu chỉ gieo cấy một vài sào ruộng thì nông dân cầm chắc thua lỗ, ngay cả khi năng suất kịch trần tới 3 tạ/sào. Nhưng nếu thay đổi tập quán, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn kiểu gì cũng thành công.
Với 21 mẫu ruộng, anh Thái chỉ sử dụng máy cấy và gặt đập liên hợp được 5 mẫu, còn lại là phải gieo sạ. Đến vụ thu hoạch thuê công gặt tay vì ruộng trũng, úng, máy gặt đập không thể chạy được. Mới đây gia đình anh phải thuê hết 400 công, mỗi công 250.000 đồng/ngày mới gặt xong. Năng suất trung bình được 2 tạ/sào, gia đình anh thu được gần 50 tấn thóc, trừ chi phí đi thì vẫn có lãi.
Anh Thái vốn là dân xây dựng, từ chỗ chẳng biết ruộng đồng, chăn nuôi vịt, gà, nay mọi thành viên trong gia đình đều thuần thục việc nhà nông. Vợ chồng tối ngày chăm nom ruộng đồng, hai cô con gái đang tuổi lớn, sau giờ học cũng ra đồng giúp bố mẹ. Cậu con trai út thấy cả nhà bận rộn cũng ngoan ngoãn và tự lập hơn hẳn. "Đó là điều đáng kể nhất mà tôi nhận được kể từ khi vất vả với đồng ruộng" - anh Thái khẳng định. Còn vợ anh, chị Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ: Làm nghề nào cũng vất vả nhưng nghề nông vất vả bội phần vì phụ thuộc thời tiết, giá cả thị trường, đất đai lại là đi thuê, đi mượn của bà con. Trăm nỗi lo, nhưng vợ chồng động viên nhau: Mình cứ chăm chỉ rồi thì trời thương. Và dù sản xuất nông nghiệp ngày một khắc nghiệt do thiên tai, biến đổi khí hậu, được mùa mất giá nhưng nếu canh tác trên quy mô lớn thì vẫn có thể "sống khỏe".
Nghề nông thực sự là một nghề nhọc nhằn, ngay cả khi cầm “hạt ngọc” trên tay vẫn chưa hết lo. Năm nay do chăn nuôi thất bát, nông sản tiêu thụ khó khăn, giá thóc cũng thấp. Dẫn chúng tôi đi thăm các kho thóc, nói cho oai thực ra là anh chỉ kê gạch, chất bao tải và quây vải mưa để che, anh Thái nói: "Kể bán đổ bán tháo cho thương lái với giá 5.600 - 5.700 đồng/kg thì cũng hết nhưng tiếc của vì giá thóc năm nay thấp hơn năm ngoái tới 1.000 đồng/kg, nên đành chờ một vài tháng nữa rồi tính tiếp". Rồi anh cười: "Mình chưa bán thì mình vẫn là nông dân sở hữu nhiều thóc nhất huyện". Vụ mùa 2017, với diện tích trũng không cấy được, gia đình nuôi vịt, thả cá. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi 15 con dê, 200 con gà chọi để tận dụng nguồn cỏ, lúa non và cho bắt sâu bọ, tạo môi trường sinh thái tốt để vụ xuân năm sau tiếp tục cấy lúa.
Mở hướng tích tụ ruộng đất
Tình trạng nông dân chán bỏ ruộng xấu, trũng hoặc ở các nơi canh tác không thuận lợi để đi làm công nhân không còn là chuyện hiếm ở ngoại thành Hà Nội. Xã Nam Triều cũng vậy. Chủ tịch UBND xã Nam Triều Lâm Văn Điện nhẩm tính: Nếu như ở các xứ đồng xấu như nơi gia đình anh Thái nhận canh tác, trước đây hộ cấy, hộ bỏ hoang, nên sâu bệnh, chuột bọ cứ tập trung kéo về phá hết, cuối vụ gặt chỉ toàn thấy rơm rạ với lép lửng, nông dân lỗ đậm. Nhưng với cách làm của anh Thái, đồng ruộng xấu lại hóa "bờ xôi, ruộng mật".
Bí thư Đảng ủy xã Nam Triều Phan Cao Lạc cho hay: Anh Thái là người chịu khó học hỏi, hơn hết là có tư duy, nghĩ đến cánh đồng mẫu lớn để sản xuất. Địa phương khuyến khích tinh thần mạnh dạn của anh Thái, nên đã giao cho hợp tác xã đứng ra tập hợp, xác nhận từ các hộ có đất nhưng để hoang hóa, giúp anh Thái có thể yên tâm sản xuất. Đến nay nhiều hộ gia đình đã cho anh Thái thuê, mượn ruộng từ 5 đến 7 năm. Tuy nhiên, để người dân tích tụ được ruộng đất, cải tạo và đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như định hướng trồng các loại lúa mới năng suất cao, rất cần có thêm sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị về kỹ thuật, giống mới chất lượng cao. Thực tế ở Nam Triều, còn nhiều người đi làm công nhân với thu nhập ổn định nhưng vẫn giữ đất sản xuất và nếu các hộ này cũng có ý tưởng cho mượn, cho thuê ruộng thì vấn đề tích tụ ruộng đất sẽ có chuyển biến tích cực.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ chia sẻ: Nông dân thường hay so sánh lợi ích trước mắt. Cái gì có lợi hơn thì họ làm. Cấy lúa mà không hiệu quả là họ bỏ. Với cách cho thuê, cho mượn ruộng ở những nơi nông dân bỏ ruộng, không chuyên tâm làm nông nghiệp như ở Nam Triều thì hiện trạng đất đai không mất đi, ô thửa và quyền sở hữu của người dân không thay đổi. Chỉ là thay vì cả trăm hộ, mỗi hộ cấy vài sào ruộng không đủ chi phí thì nay giao khoán cho một hộ làm chuyên canh. Nhờ cách làm này, việc xây dựng các mô hình canh tác lúa hữu cơ, lúa an toàn hoặc chuyển giao giống mới sẽ thuận lợi hơn nhiều. Khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá trị canh tác trên một héc ta cao hơn, và thêm nhiều tỷ phú nông dân từ ruộng đồng thay vì cả làng ra đồng, cấy lúa cũng chỉ đủ ăn.
Chia tay anh Thái, nhìn cánh đồng lúa xanh mướt, chúng tôi thầm nghĩ giá như ở nhiều miền quê ngoại thành, khi các xứ đồng sâu, trũng, xen kẹt… bị bỏ hoang, mà cũng có những người dám nghĩ, dám làm, dám mạnh dạn thuê, mượn lại để sản xuất như anh Thái thì đồng đất quê hương sẽ có thêm những cơ hội để được trở nên trù phú, làm giàu cho bà con.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.