Khoản tiền mua căn hộ đóng theo đợt bỗng dưng tăng thêm cả chục triệu đồng khiến nhiều người mua nhà không biết kêu ai.
Tỷ giá đôla Mỹ bình quân liên ngân hàng và thị trường tự do lao vút lên hơn 19.500 đồng/USD mấy ngày nay khiến cho nhiều khách hàng mua căn hộ trung và cao cấp tại Hà Nội méo mặt vì khoản tiền bỗng dưng tăng thêm hàng chục triệu đồng. Giới kinh doanh cho rằng đây là một yếu tố càng góp phần làm giảm sự hấp dẫn của việc đầu tư căn hộ.
Đóng tiền mua căn hộ tại dự án Làng Việt kiều Châu Âu ở Mỗ Lao cùng một người bạn, hiện đã là đợt đóng tiền thứ 3 nhưng mấy ngày nay anh Trọng Sơn, trưởng phòng một doanh nghiệp kinh doanh tại quận Hai Bà Trưng lại tỏ ra khá “giận” chủ đầu tư dự án.
Theo hợp đồng mua bán giữa công ty TSQ Việt Nam với khách hàng thì việc đóng tiền đợt 3 đã diễn ra cuối quý II/2010. Tuy nhiên đến thời điểm đó, công ty này đưa ra văn bản “chưa thu tiền”, mà chuyển sang thu từ mùng 1-10/8/2010.
“Mặc dù hợp đồng bán căn hộ quy ra tiền Việt nhưng cái gốc là vẫn tính theo giá đôla. Mà tỷ giá đôla lại tăng từng ngày, từ mức 18,6 trước đó, rồi lên 19,3 và hiện là 19,5 thì không ít người, nhất là những ai nộp tiền muộn mấy ngày thì đã “mất oan” vài chục triệu đồng cho lần đóng tiền này” – anh Sơn bực dọc.
Cũng trong cảnh bỗng dưng bị phát sinh khoản tiền “từ trên trời rơi xuống”, chị Hạnh – làm ở lĩnh vực truyền hình mấy ngày nay phải chạy đôn đáo vay mượn bạn bè, gom góp trả gấp số tiền hơn 200.000 đôla cho đợt thanh toán căn hộ ở Văn Phú.
“Nếu mà thanh toán từ đầu tháng thì nhà mình đã không mất thêm hơn 20 triệu tiền chênh lệch tỷ giá. Nay dù chưa đủ tiền cũng phải cố kiết vay mượn, không để lâu tỷ giá lại tăng tiếp thì khổ” – chị Hạnh nhăn nhó phân bua.
Theo đại diện nhiều sàn bất động sản tại Hà Nội, tình trạng các dự án căn hộ, biệt thự, đất liền kề... tính tiền theo giá đôla hiện rất phổ biến, diễn ra ở hầu khắp dự án thuộc hàng trung, cao cấp, có yếu tố nước ngoài – nơi tập trung phần lớn nguồn cung căn hộ trong tổng cung của thị trường. Đó là một biện pháp để chủ đầu tư “giữ giá” và thể hiện “đẳng cấp” của mình.
Mặc dù pháp lệnh ngoại hối đã quy định mọi giao dịch, thanh toán... trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại tệ, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý... vậy mà không khó để thấy việc chào bán bằng giá đôla là hết sức thản nhiên, công khai.
Có thể kể đến như căn hộ tại Indochina Plaza (Cầu Giấy) được chào ở 2.800 USD/m2; Royal City (Thanh Xuân) khoảng 2.000 USD/m2; U silk City: 1.600 USD/m2, Park City (Hà Đông) 3.300 USD/m3 đất biệt thự, liền kề; Tricon Towers (Bắc An Khánh) khoảng 1.400 USD/m2, block E – được cho là giá thấp nhất trong 5 toà ở Mulberry Lane (Mỗ Lao) cũng từ 1.500-1.700 USD/m2...
Đại diện một sàn trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, việc niêm yết giá bán căn hộ bằng đồng đôla như vậy có ảnh hưởng nhiều hơn cả trên thị trường thứ cấp – khi người mua thường muốn được tính theo tỷ giá liên ngân hàng, nhưng người bán thường lấy theo giá đôla trên thị trường tự do.
Với những người đã và đang góp tiền mua căn hộ trung, cao cấp, việc giá tiếp tục chênh cao lên vài phần trăm theo tỷ giá đôla thì hiện không phải vấn đề quá lớn. Nhưng về trung hạn, khi mà cầu thị trường vẫn trầm lắng, tỷ giá đôla còn tăng cao sẽ là yếu tố góp phần làm giảm sự hấp dẫn, thu hút của giới đầu tư vào loại hình căn hộ so với hình thức gửi tiết kiệm bằng đôla.
Song từ khía cạnh chủ đầu tư, ông Edward Minh Chi – Tổng GĐ Công ty CP Đầu tư Minh Việt lại cho rằng, biến động tỷ giá ngoại tệ chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của những nhà đầu tư ngắn hạn, làm ăn theo kiểu “chộp giựt”. Còn với những nhà đầu tư lâu dài, những người có nhu cầu thực thì diễn biến tỷ giá lên xuống như vậy chỉ là nhất thời. Cái chính và quyết định sự hấp dẫn của thị trường bất động sản lúc này là giá cả hiện đã được coi là “đến đáy” để chuẩn bị những “đột biến” đi lên.
Việc sử dụng ngoại tệ như một đồng tiền thứ 2 sẽ làm méo mó và rối loạn thị trường hàng hoá. Đối tượng chịu tác động đầu tiên là người tiêu dùng, còn lâu dài là tính độc lập của chính sách tiền tệ quốc gia - Ảnh: N.N |
Nhưng dù có biện bạch thế nào cũng phải khẳng định rằng việc niêm yết bằng USD là gây phiền toái cho người tiêu dùng và trái luật.
Chuyên gia trong lĩnh vực giá cả - TS. Vũ Đình Ánh nhận xét, đó là một câu chuyện “không nghiêm túc và cực kỳ bất cập”. Ở góc độ vĩ mô, nó liên quan đến vấn đề xưa nay đã được bàn luận rất nhiều đó là mức độ đôla hoá (hiểu theo nghĩa quốc tế nghĩa là tỷ lệ đôla trên tiền gửi rất cao) và nghiêm trọng hơn là việc mặc nhiên sử dụng ngoại tệ là đôla Mỹ như một đồng tiền thứ 2 ở Việt Nam.
Theo ông Ánh, hai vấn đề này chính là cội nguồn cho những biến động ngay lập tức của giá cả hàng hoá mỗi lần điều chỉnh tỷ giá hối đoái hay thị trường ngoại hối. “Dù Việt Nam là nền kinh tế có đội mở rất lớn – xuất, nhập khẩu cao, tuy nhiên không đến mức mặt hàng nào liên quan cũng đều tăng giá theo sự thay đổi của tỷ giá hối đoái.
Để câu chuyện điều hành tỷ giá hối đoái ở Việt Nam có hiệu lực, hiệu quả cũng như hạn chế các tác động tiêu cực không đáng có, chuyên gia này cho rằng, cần phải quay lại nguyên tắc cơ bản là: ở lãnh thổ Việt Nam phải dùng duy nhất đồng Việt Nam. Đây là nguyên tác cốt yếu nhất trong tài chính mà xa hơn là độc lập trong chính sách tiền tệ. Nhiệm vụ này là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó cần năng lực và bàn tay kiên quyết, cứng rắn từ phía các cơ quan quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.