(HNM) - Chúng tôi đến thăm ông trong những ngày cả nước sôi nổi hướng tới lễ kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hiệp giới thiệu về các hiện vật trưng bày tại bảo tàng. |
Từ cửa khẩu ven đê rẽ vào đường bê tông chỉ vài trăm mét, chúng tôi dễ dàng tìm thấy Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của ông Nguyễn Mạnh Hiệp nằm cuối một con ngõ rộng. Bước qua cánh cổng bảo tàng, ập vào mắt người xem là một không gian với hai dãy nhà cao tầng lợp mái đỏ ôm lấy khoảng sân rộng, rợp bóng cây xanh. Hàng trăm hiện vật trong thời chiến được gia chủ bố trí gọn gàng ở một góc sân, dưới vòm mái che màu xanh xinh xắn. Vừa kết thúc đợt điều trị do tai biến tại Bệnh viện 354 được ít lâu, nom ông Hiệp vẫn còn xanh xao, mệt mỏi. Ngồi tiếp chúng tôi, tay vẫn run run khi pha trà nhưng lúc được hỏi về lai lịch những kỷ vật và lý do thành lập Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, ánh mắt người cựu chiến binh như bừng sáng.
Sinh năm 1949, vừa tròn 18 tuổi, dù thuộc diện được miễn nhập ngũ, chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn cùng bạn đồng trang lứa xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tấm gương về sự hy sinh anh dũng của anh trai - Liệt sĩ Nguyễn Chí Linh thôi thúc ông lên đường ra chiến trận. Được biên chế vào Tiểu đoàn 420 thuộc Sư đoàn 320B, sau 3 tháng huấn luyện miệt mài, chàng tân binh Nguyễn Mạnh Hiệp nhận lệnh đi B, tham gia trinh sát bảo vệ Quân khu Trị Thiên. Thời kỳ đó, chỉ vẻn vẹn hai từ "đi B" đã gói gọn đầy đủ sự khốc liệt của bom đạn. Lính đi B dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu, đã ra đi là không hẹn ngày về. Gần hai năm vào sinh ra tử trên chiến trường lửa đạn, năm 1969, trong một trận đánh ác liệt với kẻ thù, ông bị thương nặng, buộc phải chuyển về tuyến sau điều trị tại Đoàn 580 (Quảng Bình). Ông Hiệp nhớ lại, chính trong những lúc nằm trên giường bệnh, ông càng thấm thía về nghĩa tình đồng đội. Một lần, được Thiếu tướng Trần Minh Đức cùng đồng đội ghé thăm, tặng chăn và một chiếc võng, ông mừng đến ứa nước mắt. Kỷ vật đó là nguồn động viên lớn để ông chiến thắng thương tật và cũng là động lực để sau này khi đất nước hòa bình, ông quyết tâm đi tìm kiếm, thu thập những kỷ vật chiến trường, lập nên Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Khu vực chính của bảo tàng gồm ngôi nhà hai tầng khang trang, được bày biện rất khoa học. Trong những tủ kính, những kỷ vật thời chiến được gìn giữ cẩn thận và lưu lại khá đầy đủ từ các loại ba lô, áo trấn thủ, mũ cối, ca đựng nước, màn, máy điện đàm... của bộ đội ta đến vỏ đạn pháo, bom mìn, dù, thùng đựng đạn, áo giáp, máy tra tấn điện... của địch. Tất cả hiện vật đều sống động, giúp người xem cảm nhận phần nào "cuộc chiến không cân sức" giữa một bên là những người lính Cụ Hồ "chân trần chí thép" với những vũ khí hết sức thô sơ, một bên là kẻ địch hùng mạnh, được trang bị vũ khí tối tân. Ở một góc riêng trên giá sách, người xem còn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập hồi ký chiến tranh của nhiều nhà lãnh đạo, những vị tướng tài ba của dân tộc và thế giới. Không gian ở bên ngoài căn phòng là khu vực trưng bày hàng trăm bức ảnh về hai cuộc chiến đấu đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, trong đó có những hình ảnh rất đáng quý như bức hình chụp anh Nguyễn Văn Trỗi bị địch bắt; bộ ảnh mười cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc; lá cờ giải phóng tung bay trên đỉnh Phu Văn Lâu - giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế; tấm bản đồ tác chiến vùng A Lưới (Thừa Thiên - Huế năm 1967)... Cạnh đó là gian trưng bày các loại vỏ bom, vỏ đạn pháo, có cả vỏ 2 quả đạn 175mm - vũ khí từng được mệnh danh là "vua chiến trường" của quân đội Mỹ...
Nói về quá trình sưu tầm, tìm kiếm những kỷ vật trên, ông Nguyễn Mạnh Hiệp nhớ lại những ngày đầu tiên bao đêm thức trắng suy nghĩ làm thế nào để sưu tập, lưu giữ được những kỷ vật, những sự kiện trong những năm tham gia kháng chiến của bạn bè, đồng đội và chính bản thân. Ông Hiệp chia sẻ: "Được trở về sau chiến tranh là niềm hạnh phúc với riêng bản thân và gia đình nhưng còn bao đồng đội đã anh dũng ngã xuống nơi chiến trường... Tôi đã tự hứa phải tìm, lưu giữ được những kỷ vật thời chiến để vừa góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ngày nay vừa để tri ân đồng đội". Ròng rã nhiều năm trời, ông Nguyễn Mạnh Hiệp rong ruổi "khắp Nam chí Bắc" mang về Bảo tàng những kỷ vật vô giá. Hiện nay, Bảo tàng đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật từ nhiều nguồn, do ông Hiệp đích thân sưu tầm, của bạn bè, đồng đội hiến tặng, nhờ người thân từ Pháp gửi về...
Trong rất nhiều chuyến đi, ông Hiệp nhớ nhất chuyến đi một tuần vào huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) để mang vỏ bom nặng hàng trăm kilôgam về Hà Nội. "Khi hay tin phát hiện vỏ bom, tôi đã lên đường ngay vì sợ chậm sẽ lỡ mất. Vào đến nơi, tiếp cận được vỏ bom, mừng rỡ đến phát khóc, nhưng lại không đủ tiền, tôi phải vay mượn bạn bè để mua lại với giá 5 triệu đồng cộng với tiền vận chuyển về đến Hà Nội thì trong túi chỉ còn lại mấy đồng bạc lẻ!". Hay những lần đi Tây Nguyên, Nam bộ rồi ra các tỉnh miền Bắc, ông Hiệp được nhiều đồng đội, bạn bè giúp sức để hoàn thành tâm nguyện. Ông Nguyễn Văn Phúc ở phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) là đồng đội với ông Hiệp, một người đã tích cực ủng hộ và hiến tặng kỷ vật cho biết, ông và đồng đội ở khắp nơi thường xuyên ra thăm Thủ đô và đến bảo tàng của ông Hiệp để được nhìn ngắm những kỷ vật cũng như ôn lại kỷ niệm đã gắn bó với mỗi người lính.
Tâm sự về những gian truân khi thành lập bảo tàng, ông Hiệp trân trọng nhắc tới sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình, nhất là người vợ tảo tần của ông, bà Nguyễn Thị Hồng Liên. Nói về những việc làm của ông Hiệp, bà Liên bộc bạch: "Thấy ông tâm huyết nên gia đình đã hết lòng ủng hộ để ông hoàn thành tâm nguyện với đồng đội. Mỗi khi diễn ra dịp họp mặt nhân ngày lễ, ngày kỷ niệm, đồng đội của ông lại có mặt đông đủ ở đây, tôi cũng thấy rất hạnh phúc!". Giờ đây, vui nhất với ông Hiệp và những đồng đội của ông là cuối năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Sự kiện này là niềm tự hào với bản thân ông Hiệp và cũng là sự ghi nhận những công lao của người lính già sau nhiều năm ấp ủ, bỏ công, bỏ của tìm lại kỷ vật chiến tranh. Bảo tàng cũng chính thức trở thành một "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Thủ đô nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung. Chúng tôi nghĩ, tâm huyết của ông, những cố gắng sưu tầm, lưu giữ kỷ vật thời chiến của ông là một câu chuyện đặc biệt và thật cảm động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.