Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lớn đã quyết tâm, con trẻ có thay đổi?

Thống Nhất| 27/02/2011 07:26

(HNM) - Trước tình trạng vi phạm đạo đức, pháp luật của HS có chiều hướng gia tăng, ngày 25-2, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, Công an TP, chính quyền một số phường, quận, ban giám hiệu, giáo viên và phụ huynh các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã cùng bàn kế hoạch triển khai các biện pháp quản lý HS trong thời gian tới. Hai việc được chọn để tập trung thực hiện là quản lý việc HS đi xe máy và sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ). Liệu quyết tâm của người lớn có làm thay đổi suy nghĩ và hành động của con trẻ?


Học sinh đi xe máy: Xử lý nghiêm vi phạm
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề quản lý HS đi xe máy được đưa ra, song trước thực trạng đáng báo động về tình trạng vi phạm Luật Giao thông của HS, ngành GD-ĐT cùng các đơn vị liên quan đã quyết tâm một lần nữa để hạn chế tối đa tình trạng này. Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Đức Nguyễn Quốc Bình cho rằng, nội dung kế hoạch đưa ra lần này rõ ràng, chi tiết và quyết liệt hơn bằng việc phân định rõ trách nhiệm của từng thành viên có liên quan như Sở GD-ĐT, Công an TP, Phòng Cảnh sát Giao thông, nhà trường, cha mẹ HS…

Đã nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, thầy Trần Anh Tuấn, Trường THPT Việt - Đức đề xuất: Trong việc quản lý HS đi xe máy nói riêng, việc giáo dục an toàn giao thông nói chung, nên có thêm phần giáo dục HS cách ứng xử đúng, đẹp khi tham gia giao thông. Bản thân nhà giáo vô cùng day dứt và trăn trở khi số lượng HS vi phạm được phản ánh ngày càng nhiều, song để giải quyết thì riêng nhà trường không thể làm nổi. Theo thầy Trần Anh Tuấn, thời gian tới việc tuyên truyền nên tập trung vào những điển hình tốt, những hành vi tốt, như vậy sẽ có tính lan tỏa rộng rãi hơn.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Dũng Tiến, Phó trưởng Công an phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm) cho rằng, điều quan trọng là phải tạo sự đồng thuận từ nhiều phía bằng cách tuyên truyền, huy động sự chung tay vào cuộc của cha mẹ HS, giáo viên, nhà trường, các lực lượng xã hội…

Nhiều giải pháp cũng được đưa ra như coi việc thực hiện đúng Luật Giao thông là tiêu chí thi đua của từng lớp, từng trường; thu giữ phương tiện khi HS vi phạm; ghi hình, chụp ảnh HS phạm luật để làm căn cứ xử lý, nhất là với những trường hợp khai man nhân thân để trốn tội. Đặc biệt, một giải pháp được thêm vào lần này là vai trò của chính quyền cơ sở vì đây là người chịu trách nhiệm quản lý những bãi trông xe trên địa bàn. Thực tế, nhiều chủ trông xe không chịu hợp tác với nhà trường, mà còn tiếp tay cho những hành vi vi phạm của HS. Bên cạnh đó, phía công an cũng đề nghị các nhà trường, ngành GD-ĐT có phản hồi về việc giáo dục HS sau khi nhận được thông báo về tình hình HS vi phạm để kịp thời điều chỉnh giải pháp cho hiệu quả.

Học sinh sử dụng ĐTDĐ: Không cấm nhưng sẽ quản
Quản lý HS sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích, đúng quy định, đồng thời định hướng để các em sử dụng một cách hữu ích là việc thứ hai ngành GD-ĐT và các đơn vị liên quan tập trung tìm giải pháp nhằm khơi gợi ý thức tự giác của HS, hình thành thói quen sống văn minh, đúng pháp luật. Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, đây là việc làm vô cùng cần thiết, vấn đề là làm thế nào để đưa ra những giải pháp hữu hiệu và được HS "tâm phục, khẩu phục" chứ không chỉ chấp hành một cách đối phó?

Bà Trần Hồng Nhung, Trưởng ban Đại diện cha mẹ HS Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, nhà trường cùng phụ huynh đã thống nhất với quy định HS có nhu cầu sử dụng ĐTDĐ phải đăng ký với giáo viên, có ý kiến đồng ý của cha mẹ và phải tuân theo những quy định về việc sử dụng. Nếu vi phạm, các em sẽ bị thu giữ ĐTDĐ trong 1 học kỳ và không được sử dụng số điện thoại khác trong thời gian bị tạm giữ. Khi có nhu cầu sử dụng tiếp phải ký cam kết và nếu vi phạm phải chịu mức kỷ luật rất nặng.

Với đề xuất nên kiểm tra ĐTDĐ của HS, Phó trưởng Công an quận Đống Đa Nguyễn Hữu Thắng cho là cần thiết. Việc làm này nhằm kiểm tra mức độ độc hại của thông tin, song lại rất khó khăn vì không có cơ chế nào để bảo đảm như vậy là không vi phạm pháp luật. Đây cũng là điều trăn trở của ông Vũ Minh Chính, Phó trưởng Phòng PA83 vì thực tế, có những hình ảnh vi phạm được các em lưu giữ trong máy từ 6 tháng trước, nếu kịp thời phát hiện sẽ ngăn chặn được những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, ông Vũ Minh Chính cũng đề nghị nên làm rõ khái niệm thế nào là không lành mạnh? Đâu là những hình ảnh, lời nói cần cấm?...

Trong thời đại CNTT phát triển như hiện nay, vai trò chủ động, sáng tạo của nhà trường và gia đình được đánh giá là vô cùng quan trọng trong việc quản lý, định hướng HS sử dụng ĐTDĐ một cách hữu ích cho học tập, sinh hoạt. Khi phát hiện HS vi phạm, phải xử lý thực sự nghiêm túc và công minh, không bao che, giấu "tội" cho HS để ngăn ngừa tái phạm. Có như vậy thì việc tạo lập ý thức tự giác và định hướng nhận thức cho HS chấp hành luật pháp mới thực sự hiệu quả và bền vững. Đó cũng là bài học rút ra sau 5 tháng hai ngành GD-ĐT và Công an ký kết kế hoạch liên ngành về tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho HS. Việc thí điểm những biện pháp mới được bàn tại hội nghị lần này một lần nữa thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của hai đơn vị nhằm tạo bước đột phá về ý thức tự giác chấp hành luật pháp của HS.

- Năm trường THPT làm điểm: Việt - Đức, Kim Liên, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Quang Trung - Đống Đa.

- Một số quy định trong kế hoạch:
+ HS chưa đủ 18 tuổi không được điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông.

+ Tự giác chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông khi tham gia giao thông: đội mũ bảo hiểm, không đi dàn hàng ngang, không đi sai phần đường quy định…

+ Không tụ tập ngoài cổng trường gây ách tắc giao thông sau giờ tan học.
+ Tuyệt đối không được sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, giờ sinh hoạt tập thể trong trường.

+ Không được sử dụng ĐTDĐ vào những việc: gọi điện và nhắn tin cho bạn bè, người thân có nội dung xấu, ghi hình ảnh thiếu lành mạnh; phát tán trên mạng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, bạn bè, người thân…

(Nguồn: Sở GD-ĐT Hà Nội)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lớn đã quyết tâm, con trẻ có thay đổi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.