Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lao động thiệt

Hoàng Phong| 20/10/2011 07:13

(HNM) - Dù lương tối thiểu được điều chỉnh nhưng không có nghĩa là thu nhập thực tế của người lao động (NLĐ) đã được cải thiện. Đây là một trong những kết quả thu được qua đợt khảo sát nhanh do Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện trong tháng 8 tại các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có Hà Nội.

Trên thực tế, doanh nghiệp tăng lương đồng thời cũng tăng mức khoán sản phẩm dẫn tới thu nhập của công nhân tăng ở tỉ lệ thấp hơn tăng lương cơ bản/đơn giá sản phẩm. Đây là một trong những lý do khiến NLĐ, nhất là tại các khu công nghiệp, chế xuất thường không hào hứng đón nhận lương mới. Đơn cử như trong ngành điện tử - lắp ráp tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội, năm 2010 mỗi LĐ tính cả tăng ca cũng chỉ phải đạt 4.500 sản phẩm/chuyền/ngày nhưng chỉ sau một năm họ phải đạt đến 6.000 sản phẩm, tăng gấp rưỡi. Ở ngành điện tử - soi kiểm tra sản phẩm cũng tương tự. Để có mức thưởng, năm nay mỗi công nhân phải đạt từ 500-600 sản phẩm/giờ trong khi mức này trong năm 2010 chỉ là 300-400 sản phẩm/giờ. Năng suất LĐ tăng gấp rưỡi mà lương chỉ tăng thêm vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Theo phản ánh của công nhân, với định mức này thì ngay cả công nhân lành nghề cũng khó hoàn thành. Không hoàn thành định mức, NLĐ có khi còn bị phạt và “nói không" với phụ cấp chuyên cần, tiền thưởng.

Tăng lương, nhiều doanh nghiệp cũng tăng định mức lao động với công nhân. Ảnh: Khánh Nguyên

Việc "ép" công nhân bằng định mức mới cũng khá phổ biến tại các DN ở TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bình Dương. Với cách này DN không phải lo quá nhiều chi phí để chi trả lương mới mà vẫn "kín đáo" hơn việc thẳng tay cắt phụ cấp, thưởng, tiền ăn ca, xăng xe, nhà trọ… Trong khi đó, việc xử lý cũng không dễ khi tiếng nói của tổ chức công đoàn (nếu có) chưa đủ mạnh. Tại nhiều DN tư nhân, DN FDI chưa có tổ chức công đoàn, không có thỏa ước LĐ tập thể thì định mức LĐ do chủ sử dụng quyết định.

Kết quả khảo sát tại Hà Nội cho thấy, vào tháng 8-2010 thu nhập của NLĐ khi tăng ca trung bình ở mức 2-2,4 triệu đồng/tháng (bao gồm 1,2-1,5 triệu đồng lương cơ bản, 500.000 đồng tiền tăng ca và 400.000 đồng phụ cấp các loại). Với tổng thu nhập này, trừ đi 1 - 1,2 triệu đồng tiền sinh hoạt hằng tháng, 200 - 250.000 đồng tiền thuê nhà thì NLĐ vẫn còn từ 800.000 đến 1 triệu đồng để dành. Vào thời điểm tháng 8-2011, tổng thu nhập của NLĐ tăng lên đến hơn 3 triệu/tháng (trong đó lương cơ bản ở mức từ 1,8 - 2,3 triệu đồng/tháng) nhưng tiền nhà đã tăng gần gấp đôi, chi tiêu sinh hoạt hằng tháng cũng tăng gấp rưỡi ở mức từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng nên số tiền NLĐ để dành ra cũng chỉ bằng cùng kỳ năm trước.

Trước sức ép của giá cả lên thu nhập và chi tiêu, đã và đang có một thực tế là: không ít công nhân địa phương phải bỏ việc làm ở khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức tại địa bàn khác (khu đô thị) để có thu nhập cao hơn. Rời bỏ công việc của công nhân may với mức thu nhập sau 3 năm lăn lộn với nghề chỉ có 2,1 triệu đồng/tháng, Nguyễn Lê Mai (phố Sài Đồng, Hà Nội xin nghỉ việc để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, rồi đi làm nhân viên bán hàng cho cửa hàng thời trang. Mỗi ngày làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ với tiền công là 100.000đ và được ăn bữa trưa. Thu nhập khá hơn nhưng Mai cũng xác định có thể đối mặt với nguy cơ thất nghiệp bất cứ lúc nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lao động thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.