Theo đánh giá sơ bộ của công đoàn các cấp, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn quay trở lại làm việc gần như đạt 100%. Đây là tín hiệu cho thấy sự quan tâm cho người lao động trước Tết đã tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp và người lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết. Ảnh: TL |
Theo đánh giá của Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố Hà Nội, tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc sau nghỉ tết hơn 99%.
Chị Lê Thị Hương, công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long xúc động chia sẻ: "Vài năm gần đây, người lao động được quan tâm hơn về tiền lương, chế độ làm thêm. Sau kỳ nghỉ Tết, công nhân được mừng tuổi đầu năm tạo sự hứng khởi trong những ngày đầu năm mới đi làm”.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đưa và đón miễn phí lao động trước và sau kỳ nghỉ Tết là động lực để người lao động tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp và đi làm đầy đủ vào đầu năm mới.
Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội cho biết: "Ngay từ những ngày đầu xuân mới, công đoàn Khu công nghiệp phối hợp với Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra, thăm, động viên công nhân lao động tại các doanh nghiệp".
Theo ghi nhận của các đoàn kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách thưởng tết theo thâm niên và thưởng chuyên cần nhằm khuyến khích người lao động trở lại làm việc đúng hẹn.
"Tỷ lệ công nhân quay lại đi làm chiếm tới 98%, có những công ty đạt 100%. Có được như vậy là do các công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động để chăm lo cho người lao động trước, trong và sau Tết, đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tổ chức các chuyến xe đưa công nhân về quê và đón công nhân trở lại làm việc sau Tết. Vì vậy, người lao động yên tâm chấp hành tốt các quy định của pháp luật, cũng như quy định của công ty", ông Đinh Quốc Toản đánh giá.
Ông Phạm Hữu Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long cho biết: "Công ty hiện có hơn 1.500 lao động. Ngay trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 100% lao động của công ty đã đi làm đúng giờ, đầy đủ. Ban Lãnh đạo Công ty đã quán triệt cho mỗi bộ phận 2 giờ để chúc mừng năm mới, sau đó bắt tay ngay vào làm việc để kịp cho chuyến hàng đầu tiên sẽ xuất sang Mỹ ngày 18-2 tới đây”.
Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Meico Việt Nam, khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội cho biết, lãnh đạo công ty tổ chức mừng tuổi cho người lao động trở lại làm việc đúng ngày quy định. Do chế độ tiền thưởng năm nay trung bình là 1,4 tháng lương nên nhiều lao động yên tâm trở lại làm việc.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, những năm gần đây số lượng công nhân lao động nghỉ việc sau tết không nhiều vì các công ty, doanh nghiệp đã có chế độ đãi ngộ tốt cho công nhân lao động. Kiểm tra tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn trong 2 ngày qua cho thấy, gần như 100% lao động quay trở lại làm việc theo quy định.
Còn theo Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, hầu hết người lao động tại các khu công nghiệp đã quay trở lại doanh nghiệp ngay ngày đầu tiên đi làm của năm mới Kỷ Hợi. Tại một số doanh nghiệp, nhiều bộ phận công việc đặc thù, người lao động đã đi làm sớm hơn một vài ngày trước.
Trước đó, ngay từ đầu quý IV-2018, các cấp Công đoàn tỉnh Đồng Nai đã bám sát cơ sở, chăm lo dịp trước, trong và sau Tết cho đoàn viên, người lao động thông qua việc thương thảo với doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ, tiền thưởng, lương tháng thứ 13; thăm hỏi, tặng quà lao động có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vé xe, tổ chức đưa đón công nhân về quê ăn Tết…
Đại diện Ban Tuyên giáo (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, hiện các tỉnh thành đang cập nhật báo cáo kiểm tra tình hình sản xuất đầu năm. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, đa số người lao động quay trở lại làm việc đúng thời gian quy định do sự quan tâm ngày càng tốt hơn của doanh nghiệp đối với đời sống người lao động.
Theo đánh giá của ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), trong 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp lớn đều thực hiện “giữ chân” người lao động thông qua các chính sách hỗ trợ xe đưa đón trước và sau Tết, lương thưởng nên tình trạng “nhảy việc” rất ít xảy ra. Trong khi đó, tại khu vực thị trường lao động tự do, nhịp độ quay trở lại sẽ chậm hơn, thông thường theo quy luật sẽ phải sau Rằm tháng Giêng.
“Các doanh nghiệp thường có kế hoạch sử dụng nhân sự từ đầu năm nên với một số lĩnh vực thương mại, dịch vụ do có tính thời vụ nên vẫn là những ngành cần tuyển nhiều lao động trong những tháng đầu năm mới, tiếp đó là lĩnh vực xây dựng. Theo khảo sát sơ bộ tại các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển các lĩnh vực trên tăng khoảng 10-15%”, ông Vũ Quang Thành nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.