(HNM) - Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên chức (CBCNVC), người lao động (NLĐ) luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và trách nhiệm trực tiếp, chủ đạo trong lĩnh vực này thuộc về tổ chức Công đoàn.
Đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của CBCNVC, NLĐ đang là mối quan tâm hàng đầu của những người làm công tác du lịch Công đoàn.
Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa - Du lịch Công đoàn Việt Nam Chu Ngọc Thành.
|
Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa - Du lịch Công đoàn Việt Nam Chu Ngọc Thành. |
Du lịch phục vụ người lao động- Trong thời kỳ bao cấp, các cơ sở du lịch Công đoàn được coi là nơi nghỉ mát, nghỉ dưỡng chủ yếu nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho CBCNVC và NLĐ. Ông có thể cho biết lý do hình thành hệ thống cơ sở vật chất này?- Từ năm 1960, Đảng, Nhà nước đã giao tổ chức Công đoàn quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Nguồn kết dư của Quỹ BHXH hằng năm được Nhà nước để lại cho tổ chức Công đoàn đầu tư xây dựng các nhà nghỉ mát, nghỉ dưỡng và chữa bệnh, các trạm du lịch nhằm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho CBCNVC, NLĐ cả nước. Nhờ vậy, hệ thống cơ sở vật chất của tổ chức Công đoàn phát triển nhanh chóng. Từ năm 1980, Ban Thư ký (nay là Đoàn Chủ tịch) Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp Công đoàn quan tâm công tác tổ chức tham quan du lịch cho CBCNVC và NLĐ. Trong thời gian này, ở mỗi tỉnh trên phạm vi cả nước đã hình thành từ 1 đến 2, thậm chí 3 cơ sở dịch vụ du lịch gồm có nhà nghỉ mát, nghỉ dưỡng, nghỉ chữa bệnh và các trạm, cơ sở lưu trú phục vụ CBCNVC, NLĐ. Ví dụ, hệ thống nhà nghỉ Công đoàn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu...
- Khi chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, các cơ sở du lịch Công đoàn có khó khăn gì khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp du lịch thuộc sở hữu của Nhà nước, tư nhân và nước ngoài?- Vào những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ XX, khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, cơ chế quản lý nhà nước có nhiều thay đổi. Từ năm 1996, Công đoàn được giao quản lý hệ thống sự nghiệp là các nhà nghỉ theo cơ chế thị trường nên các nhà nghỉ Công đoàn cũng chuyển đổi sang tự hạch toán kinh doanh. Không giống như các đơn vị kinh doanh du lịch thuộc sở hữu của Nhà nước, tư nhân, nước ngoài, các đơn vị du lịch Công đoàn không những phải quan tâm hiệu quả kinh doanh mà còn phải chú trọng hiệu quả về mặt xã hội. Do đa số đơn vị du lịch Công đoàn đều có quy mô nhỏ; cơ sở kỹ thuật không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách; đội ngũ cán bộ, nhân viên hầu hết chưa được đào tạo chuyên nghiệp; các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành phát triển chậm nên không hỗ trợ được các cơ sở lưu trú của Công đoàn… Bởi vậy trong nhiều năm hoạt động, các cơ sở du lịch này gặp nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc những thành phần kinh tế khác, có những đơn vị phải ngừng hoạt động, nhiều cơ sở tụt hậu so với sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam…
- Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh doanh du lịch của tổ chức Công đoàn và tháo gỡ những khó khăn trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam đã tổ chức lại và phát triển hệ thống các đơn vị này như thế nào?- Trong bối cảnh các cơ sở du lịch gặp nhiều khó khăn, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã sắp xếp lại các đơn vị du lịch cho phù hợp với lợi thế của từng đơn vị. Năm 2009, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa VIII) đã xác định phương hướng hoạt động kinh tế Công đoàn tập trung ở lĩnh vực khách sạn và du lịch. Năm 2003, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định ban hành quy chế quản lý doanh nghiệp Công đoàn. Cùng với các chủ trương trên, Tổng Liên đoàn đã đề nghị Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho phép thành lập Hiệp hội Văn hóa - Du lịch Công đoàn Việt Nam vào năm 2007 với các hội viên chủ yếu là những đơn vị du lịch Công đoàn. Mặc dù không phải là cơ quan quản lý nhà nước nhưng Hiệp hội đã góp phần không nhỏ vào việc kết nối, xây dựng cơ chế hợp tác giữa các đơn vị du lịch Công đoàn hoạt động vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan và nghỉ dưỡng của CBCNVC, NLĐ.
Không thể thiếu tính văn hóa - Làm công tác du lịch chính là làm văn hóa, thông qua để tuyên truyền văn hóa. Vậy hoạt động của du lịch Công đoàn cần có những yếu tố nào để truyền tải và trình diễn các giá trị văn hóa phục vụ NLĐ?
- Yếu tố văn hóa trong hoạt động du lịch được biểu hiện qua hành vi ứng xử, đạo đức trong phục vụ, hay trong giao dịch kinh doanh du lịch… Đối với các đơn vị kinh doanh du lịch Công đoàn, muốn hoạt động hiệu quả cũng phải tuân theo quy luật chung. Mục đích của các đơn vị kinh doanh du lịch đương nhiên là phải có lợi nhuận nhưng nếu muốn có lợi nhuận thì phải có khách hàng nên phải đặt lợi ích khách hàng lên trên hết. Du lịch Công đoàn cũng phải trình diễn các giá trị văn hóa theo nhu cầu thưởng thức của NLĐ. Chúng tôi mong muốn NLĐ được thụ hưởng chế độ ưu đãi và gắn với tổ chức Công đoàn nhiều hơn bởi đây cũng là kênh tuyên truyền cho văn hóa - du lịch Công đoàn.
- Có thể nói, văn hóa được sinh ra và phát triển gắn liền với hoạt động du lịch do du khách và người làm công tác du lịch tích lũy, sáng tạo. Quan điểm của ông về tính văn hóa đối với chủ thể và người làm du lịch như thế nào?- Du lịch là một hoạt động thực tiễn xã hội, được hình thành nhờ sự kết hợp hữu cơ giữa ba yếu tố: Người du lịch, tài nguyên du lịch và môi giới du lịch. Người du lịch là chủ thể du lịch, tài nguyên du lịch là khách thể, ngành du lịch là môi giới cung cấp sự phục vụ cho người du lịch. Xét theo phạm trù văn hóa xã hội, du lịch là một hoạt động văn hóa cao cấp của con người. Đáng tiếc là nhiều bãi biển, nhiều danh lam thắng cảnh đang ngày càng bẩn vì hành vi thiếu văn hóa như vứt rác thải vô tội vạ; viết vẽ đủ kiểu trên các vách đá, thân cây, thậm chí còn khắc trên bia cổ… Tính văn hóa biểu hiện trong du lịch bởi thái độ ứng xử, hiểu biết, thói quen chính xác, khoa học của người môi giới du lịch, nhất là người thiết kế sản phẩm và hướng dẫn viên du lịch. Chúng tôi muốn qua những tour du lịch Công đoàn để CBCNVC và NLĐ sẽ hiểu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nhiều hơn.
Xây dựng gói sản phẩm đặc thù - Theo ông, sản phẩm du lịch mang tính văn hóa, độc đáo dành cho NLĐ sẽ bao gồm những gì?
- Du lịch là một hoạt động có tính văn hóa nhưng suy cho cùng vẫn là một hoạt động kinh doanh nên các sản phẩm của nó cũng phải bảo đảm tính văn hóa. Để có một hệ thống sản phẩm - hàng hóa du lịch mang tính văn hóa thì nó phải được thể hiện trong toàn bộ chi tiết từ tuyến, điểm, phương tiện du lịch và các dịch vụ…, nói chung phải đáp ứng được hai yêu cầu: Tính đặc sắc và biểu trưng của sản phẩm. Vì thế, thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch lữ hành mang đặc thù, gắn liền với đời sống văn hóa lao động sản xuất như: Tour xuống Quảng Ninh vào hầm mỏ xem công nhân sản xuất than; đi Bát Tràng (Hà Nội) xem làm gốm từ công đoạn bật hòn đất, phơi, đốt lò cho đến khi ra sản phẩm; hoặc có những tour đi tham quan học hỏi kinh nghiệm đơn vị sản xuất kinh doanh tiêu biểu…
- Nhằm nâng cao vị thế của du lịch Công đoàn, ông có thể cho biết một số giải pháp phát triển hệ thống cơ sở du lịch Công đoàn phục vụ NLĐ trong thời gian tới?- Hiện nay, hệ thống các cơ sở du lịch Công đoàn có 75 doanh nghiệp, trong đó có 59 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Các doanh nghiệp này đã phát huy tác dụng đóng góp tích cực vào các hoạt động văn hóa - du lịch của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, để phát triển vững chắc cả về quy mô và vị thế của du lịch Công đoàn, chúng tôi đề nghị thành lập một tổ tư vấn trong Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp. Tổ tư vấn này sẽ tiến hành đánh giá phân loại các cơ sở du lịch Công đoàn nhằm lựa chọn các đơn vị nòng cốt để đầu tư thành doanh nghiệp mạnh "kéo" cả hệ thống cùng phát triển. Bên cạnh đó là triển khai các hình thức huy động vốn nhằm giúp các doanh nghiệp có vốn để đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ phát triển du lịch lữ hành dành cho NLĐ là dịch vụ kinh doanh tổng hợp gồm có khách sạn, vận chuyển, ăn uống, vui chơi, giải trí và nhiều dịch vụ khác. Bởi dịch vụ này không phải đầu tư nhiều về cơ sở vật chất mà chỉ cần tập trung đầu tư cho con người có đủ trình độ, sự chuyên nghiệp và có năng lực thực tiễn. Vì vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác đào tạo đội ngũ làm du lịch lữ hành; đồng thời xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh du lịch Công đoàn Việt Nam. Tôi cho rằng, người lao động cần được thụ hưởng nhiều hơn qua du lịch Công đoàn. Chúng tôi mong làm cầu nối để NLĐ, CBCNVC có điều kiện thuận lợi tiếp cận với hệ thống cơ sở vật chất của tổ chức Công đoàn và xây dựng cơ chế gắn kết NLĐ với Công đoàn.
- Vậy, để gắn kết NLĐ với Công đoàn và phục vụ được nhiều CBCNVC, NLĐ một cách công bằng, cần xây dựng cơ chế ưu đãi cho các đối tượng này như thế nào?- Chúng tôi cố gắng phục vụ CBCNVC, NLĐ tốt nhất để họ cảm nhận được sự chăm lo của tổ chức Công đoàn và thấy được quyền lợi của mình. Mong muốn là vậy nhưng để phục vụ với tất cả NLĐ thì rất khó, vì hệ thống các đơn vị du lịch Công đoàn hiện nay còn nhỏ không thể đáp ứng được nhu cầu của khoảng 7-8 triệu đoàn viên Công đoàn. Sự công bằng trong ưu đãi dịch vụ đối với tất cả NLĐ cũng vẫn còn là vấn đề phải bàn thảo trong thời gian tới. Với điều kiện thu nhập của NLĐ Việt Nam hiện nay còn hạn chế, cơ sở vật chất của tổ chức Công đoàn vẫn khó khăn, tổ chức Công đoàn Việt Nam cố gắng sử dụng tất cả những lợi thế của mình để hằng năm tổ chức cho CBCNVC và NLĐ trong cả nước đi tham quan với số lượng lớn nhất. Thông qua các sản phẩm du lịch của Công đoàn Việt Nam, NLĐ sẽ nâng cao được trình độ hiểu biết, mục đích ý nghĩa của các chuyến tham quan du lịch.
- Cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!