(HNM) - Phát huy tinh thần nhân ái, nhân văn cao cả, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TƯ ngày 12-4-1989 (Chỉ thị 51) của Ban Bí thư, khóa VI về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam bằng nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
Anh Nguyễn Huy Việt, Hội Người mù huyện Hoài Đức nhiều lần tham gia các giải chạy marathon và giành thứ hạng cao. |
Những câu chuyện cổ tích
Thực hiện Chỉ thị 51, những năm qua, thành phố Hà Nội luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hội, chi hội người mù thành lập, phát triển, qua đó hỗ trợ sinh kế, tạo động lực cho người khiếm thị vươn lên. Có thể kể đến như trường hợp của anh Lê Xuân Trung và chị Phùng Thị Hà, ở xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) tìm thấy tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình trong quá trình sinh hoạt tại Trung tâm Người mù thị xã Sơn Tây.
Chị Phùng Thị Hà kể: “Đến tuổi trưởng thành, mỗi lần nghe tin bạn bè có người yêu, lập gia đình, tôi lại chạnh lòng khi nghĩ về tương lai. Tôi đặt ra muôn vàn câu hỏi, tình huống, rồi tự an ủi bản thân”. Tiếp lời vợ, anh Lê Xuân Trung tâm sự: “Chúng tôi tham gia sinh hoạt tại các tổ chức dành cho người khiếm thị với mong muốn được gặp gỡ, giao lưu với người cùng cảnh ngộ để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Qua các buổi sinh hoạt, trò chuyện, chúng tôi thấu hiểu nhau và trở thành bạn đời của nhau. Hạnh phúc nhân lên khi chúng tôi sinh được hai con ngoan ngoãn, khỏe mạnh”.
Sinh hoạt tại Hội Người mù huyện Hoài Đức, anh Nguyễn Hiền Chính, ở xã Đức Giang (huyện Hoài Đức) tích cực truyền niềm tin, nghị lực sống đến những người đồng cảnh. Anh Chính bị khiếm thị bẩm sinh, nhưng không vì thế mà tự ti, mặc cảm. Ngay từ nhỏ, anh luôn nỗ lực học chữ nổi, học văn hóa, âm nhạc và nghề xoa bóp bấm huyệt. “Nghề xoa bóp bấm huyệt đã mang lại cho tôi mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng; còn kiến thức văn hóa, âm nhạc giúp cuộc sống của tôi cân bằng, thú vị hơn”, anh Chính bày tỏ. Cũng ở Hội này, còn một tấm gương sáng là anh Nguyễn Huy Việt khi anh nhiều lần tham gia các giải chạy marathon trong nước, quốc tế dành cho người khuyết tật, mang về những giải thưởng danh giá.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều câu chuyện cảm động về nghị lực sống của người khuyết tật. Đó là anh Lê Văn Bình, ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi, thu lãi gần 200 triệu đồng/năm; chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa được trao những danh hiệu cao quý như “Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”, “Gương mặt triển vọng Việt Nam”, “Công dân Thủ đô ưu tú”…
Tạo “giá đỡ” vững chắc
Theo thống kê của Hội Người mù thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 11.000 người khiếm thị, trong đó có hơn 8.000 người sinh hoạt trong các hội, chi hội người mù. Những năm qua, các cấp hội người mù đã tạo điều kiện cho hơn 50% số hội viên được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi; hơn 50% số hội viên trong độ tuổi lao động được học nghề. Từ năm 2013 đến nay, toàn thành phố đã mở được 100 lớp dạy nghề, truyền nghề mây, tre, giang đan, trồng nấm, nuôi bò sinh sản, xoa bóp bấm huyệt… cho khoảng 4.000 lượt người khiếm thị. Với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cơ quan chức năng đã huy động mọi nguồn lực, giúp họ xây dựng, sửa chữa nhà ở, khám, chữa bệnh…
Đời sống tinh thần của người khiếm thị cũng được quan tâm. Hiện mô hình thư viện lưu động dành cho người khiếm thị đã triển khai tại 30/30 quận, huyện, thị xã với hàng trăm đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực. Lớp học chữ nổi được mở thường xuyên, tạo điều kiện cho hội viên nâng cao kiến thức, kỹ năng. Nhờ các giải pháp hỗ trợ đúng hướng, tỷ lệ hội viên Hội Người mù thành phố Hà Nội thuộc diện hộ nghèo giảm từ 17,5% năm 2013, xuống còn dưới 7% vào cuối năm 2018. “Thành phố Hà Nội quan tâm, giúp đỡ hội người mù các cấp bằng những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, tạo điểm tựa vững chắc cho nhiều người khiếm thị vui sống, hòa nhập”, ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội khẳng định.
Trong giai đoạn 2019-2023, Hội Người mù thành phố Hà Nội phấn đấu có ít nhất 80% số người khiếm thị tham gia sinh hoạt tại các hội, chi hội trực thuộc; 100% trẻ em khiếm thị được đi học; 100% hội viên có nhu cầu được tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ văn hóa, thể thao… Để đạt mục tiêu này, ông Nguyễn Viết Cường, Chủ tịch Hội Người mù huyện Ứng Hòa đề nghị các cơ quan chức năng mở rộng mạng lưới chăm sóc người khiếm thị đến cấp cơ sở; nhân rộng các mô hình dạy nghề, giải quyết việc làm; có chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được tạo ra bởi người khiếm thị… Còn chị Huỳnh Thị Ngọc Uyển, hội viên Hội Người mù huyện Sóc Sơn mong muốn các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội quan tâm dạy kỹ năng mềm cho người khiếm thị, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho họ hòa nhập.
Tiếp tục tạo “giá đỡ” cho người khiếm thị vươn lên, trong báo cáo tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị 51, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tăng cường lãnh đạo, định hướng cho các cấp hội người mù trên địa bàn hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần trợ giúp người khiếm thị về vốn, kỹ năng, kiến thức; hỗ trợ việc làm, khuyến khích người khiếm thị khởi nghiệp… Qua đó có thể nhận thấy, mọi giải pháp giúp đỡ các cấp hội người mù của thành phố Hà Nội luôn hướng tới mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khiếm thị, tạo môi trường thuận lợi cho họ vượt lên hoàn cảnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.