(HNM) - Hoạt động tuyển sinh, đào tạo nghề ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Năm học 2018-2019, hệ thống cơ sở giáo dục nghề trên phạm vi cả nước tổ chức tuyển sinh theo nhu cầu của thị trường, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, giúp người học có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành, nghề, việc làm phù hợp.
Đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường là giải pháp kết nối cung - cầu lao động hiệu quả. Ảnh: Nhật Nam |
Tuyển sinh là tuyển dụng
Mạng lưới gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề trên phạm vi cả nước đang tổ chức tuyển sinh năm học 2018-2019. Khác với những năm trước, năm nay, nhiều trường nghề mở rộng đối tượng tuyển sinh, nhưng có sự chọn lọc, phân cấp ngay từ đầu vào, bảo đảm cho người học có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đối với hệ trung cấp, cao đẳng, một số trường nghề thu hút thí sinh bằng cách tuyển sinh vào những ngành, nghề xã hội đang cần và bảo đảm đầu ra cho người học. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, trường vừa xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, vừa căn cứ vào kết quả học tập của thí sinh. Nhờ đó, trường có nguồn đầu vào chất lượng. Đến ngày 18-8, gần 700 thí sinh đã nhập học hệ cao đẳng chính quy tại trường, trong đó có rất nhiều thí sinh đạt điểm thi THPT quốc gia từ 15 điểm trở lên. Dự kiến, nhà trường sẽ tuyển đủ 1.200 chỉ tiêu hệ cao đẳng vào đầu tháng 9 tới, tăng 300 chỉ tiêu so với năm học 2017-2018. Còn hệ trung cấp vẫn duy trì tuyển sinh quanh năm.
Tương tự, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội khẳng định, công tác tuyển sinh tại đơn vị này diễn ra song song với quá trình tuyển dụng. Nói cách khác, nhà trường chỉ tuyển sinh những ngành, nghề thị trường lao động đang cần và cam kết 100% người học có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập từ 5 đến 15 triệu đồng/người/tháng. Cam kết này có ký kết bằng hợp đồng đào tạo giữa nhà trường, gia đình và học sinh, sinh viên. Những ngành, nghề xã hội cần như đào tạo tiếng Anh, tiếng Hàn, Nhật… trình độ cao đẳng cũng được nhà trường tuyển sinh từ năm nay.
Với nguồn đầu vào là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nhiều cơ sở giáo dục nghề tổ chức đào tạo cho đối tượng này theo chương trình liên thông. Sau mỗi giai đoạn, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, năng lực, học sinh có thể tiếp tục học lên các giai đoạn tiếp theo hoặc dừng học để tham gia thị trường lao động. Như vậy, người học nghề theo hình thức này vừa được trang bị kiến thức phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa được học nghề để nhận bằng trung cấp hoặc cao đẳng nghề.
Nhờ hình thức tuyển sinh và đào tạo đa dạng, linh hoạt, kết quả giáo dục nghề nghiệp năm 2018 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Dự kiến, hệ thống cơ sở giáo dục nghề của cả nước sẽ tuyển sinh khoảng 2,2 triệu người, trong đó có 540.000 người trình độ cao đẳng, trung cấp; 2,1 triệu người tốt nghiệp các trường nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 23 đến 25% tổng số lao động trong độ tuổi.
Đề cao hiệu quả
Dù đạt những kết quả khả quan, song công tác tuyển sinh vào các trường nghề vẫn gặp nhiều khó khăn. Không ít trường đang trong tình trạng “đốt đuốc” đi tìm người học. “Trong những năm gần đây, nghề khảo sát địa hình, bảo vệ môi trường biển, xây dựng cầu đường bộ... không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Những ngành, nghề nặng, độc hại rất khó tuyển sinh, thậm chí có nghề không tuyển được học sinh nào”, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phản ánh.
Tuyển sinh nghề năm học 2018-2019 tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội. Ảnh: Hiền Hà |
Về vấn đề này, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các cơ quan chức năng đang sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống giáo dục nghề theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Những trường hoạt động kém hiệu quả sẽ giải thể hoặc sáp nhập. Những trường nghề trọng điểm, trường chất lượng cao tiếp tục được ưu tiên đầu tư. Những trường có khả năng tự chủ thì được tạo cơ chế đẩy nhanh tự chủ. Cùng với việc sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề công lập, Nhà nước khuyến khích phát triển các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao sự cạnh tranh giữa các trường nghề, tăng thêm cơ hội lựa chọn cho người học.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Phạm Xuân Khánh cho hay, các đơn vị đào tạo có thể chủ động tạo ra bước đột phá bằng cách liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo. Nhà trường chịu trách nhiệm đào tạo những kiến thức và kỹ năng cơ bản; doanh nghiệp tham gia đào tạo các nội dung thực hành. Về phía người học, nhiều chuyên gia khuyên phụ huynh, học sinh nên tìm hiểu kỹ nhu cầu sử dụng lao động của thị trường và khả năng đào tạo của các trường nghề trước khi đăng ký theo học, tránh trường hợp chọn phải các trường không đủ năng lực. “Nỗ lực học nghề cơ điện tử, em đã đạt giải Nhì kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018. Hiện nay, em đang ôn luyện để tham dự kỳ thi tay nghề thế giới 2019. Với kỹ năng đã có, em được một số công ty, tập đoàn lớn mời làm việc sau khi ra trường với mức lương khá cao”, Nguyễn Văn Hưng, sinh viên năm thứ 3, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội phấn khởi chia sẻ...
Trong điều kiện thị trường lao động đang thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao, rõ ràng hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường của các trường nghề là giải pháp kết nối cung - cầu lao động hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.