(HNM) - Trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại xảy ra một hiện tượng vừa mang tính xã hội, vừa thể hiện quá trình phát triển tộc người của các tộc người, đó là hiện tượng di dân (migration). Di dân là một hiện tượng xã hội quan trọng mà chúng ta có thể thấy trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại.
Có lẽ, trong quá trình phát triển lịch sử của mình, không có một quốc gia nào trên thế giới lại không xảy ra quá trình di dân với các nguyên nhân kinh tế, chính trị hết sức khác nhau. Bởi vậy, thành viên của các tộc người sống xen kẽ với nhau như là một hiện tượng phổ biến do kết quả của các cuộc di dân. Xét theo phương diện đó thì sự có mặt của người Hoa ở Việt Nam cũng nằm trong quy luật phát triển đó.
Sự di dân có thể dẫn đến những thay đổi về lãnh thổ tộc người, cũng như về cơ cấu dân cư. Tùy thuộc vào cường độ của các đợt di dân, có thể làm nảy sinh những cộng đồng tộc người mới, với những lãnh thổ tộc người cũng được tổ hợp lại. Trong lịch sử nhân loại, cuộc thiên di của cộng đồng người Thái về phương Nam là một ví dụ điển hình. Cuộc thiên di lớn này, một mặt, đã xé nhỏ cộng đồng người Thái, phân tán họ thành nhiều bộ phận khác nhau; mặt khác, chính cuộc thiên di này đã xé nhỏ địa bàn cư trú của cộng đồng tộc người ngôn ngữ Môn-Khmer bản địa. Khi xảy ra một cuộc di cư mà những người nhập cư không đông so với cư dân bản địa, lãnh thổ tộc người của cư dân bản địa không bị phá vỡ. Tuy nhiên, sự không bị phá vỡ lãnh thổ tộc người ở đây cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi vì giữa cư dân bản địa và cư dân mới đến đã xảy ra một quá trình giao lưu kinh tế và văn hóa. Tùy theo tỉ lệ tương quan giữa dân di cư với cư dân bản địa, có thể xảy ra quá trình đồng hóa (nếu số lượng cư dân nhập cư quá ít) hoặc quá trình xích lại gần nhau. Nhưng cũng không ít trường hợp những nhóm dân di cư đến nơi mới cố kết lại, tạo thành những ốc đảo, “dị ứng” với những ảnh hưởng của môi trường tộc người xung quanh. Tình hình này có thể quan sát thấy qua những nhóm cư dân ấn Độ và người Hoa ở Đông Nam Á.
Người Hoa di cư đến Việt Nam và các nước khác trong vùng Đông Nam á vào các thời điểm khác nhau. Nhưng sự di cư này đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ XX do những biến động lịch sử rất lớn xảy ra tại Trung Quốc. ở Đông Nam á, hiện nay có khoảng trên 20 triệu người Hoa hiện diện ở tất cả các quốc gia trong vùng. Có những nước như Xingapo, người Hoa chiếm trên 76%, Malaysia 26%, còn ở các nước khác cũng có hàng triệu người Hoa sinh sống, làm các nghề khác nhau. Khi xem xét những vấn đề có liên quan đến người Hoa tại khu vực Đông Nam á có một điều cần được lưu ý đó là việc hình thành tư sản dân tộc ở các nước trong khu vực có sự tham gia tích cực của người Hoa. Tình hình này có thể quan sát thấy ở Xingapo, Malaysia, Thái Lan, Inđônêxia. Đó là một nét khác biệt trong quá trình hình thành tư sản dân tộc ở khu vực Đông Nam á so với các khu vực khác trên thế giới. Điều này một mặt nói lên vị trí và vai trò của người Hoa đối với quá trình phát triển lịch sử của một nước trong vùng, mặt khác giải thích lý do tại sao trong một số nước ở Đông Nam á sau khi giành độc lập dân tộc, giai cấp tư sản dân tộc không phải là lực lượng lãnh đạo chính trị, mà thường là tầng lớp trung gian, trước hết là tầng lớp trí thức và một bộ phận sĩ quan quân đội. Lo sợ trước sự lớn mạnh của cộng đồng người Hoa chính phủ một số nước như Malaysia, Thái Lan, Inđônêxia và cả Brunei đã có những chính sách nhằm hạn chế tối đa khả năng phát triển của người Hoa. Từ đó dẫn đến sự chống đối quyết liệt của người Hoa mà điển hình của nó là việc Xingapo, nơi có đông người Hoa, tách khỏi Liên bang Malaysia vào năm 1965.
Sự có mặt của người Hoa ở Việt Nam là do những biến động xảy ra ở Trung Quốc. Quá trình di cư của người Hoa đến Việt Nam xảy ra rất sớm. Xác định đúng thời điểm ban đầu là rất khó. Nhưng, theo chúng tôi, quá trình đó đã xảy ra ít nhất từ đầu thế kỷ thứ II trước công nguyên, khi Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính chia thành quận huyện. Quá trình di cư của người Hoa đến Việt Nam kéo dài cho đến đầu những năm 40 của thế kỷ XX. Do quá trình di cư kéo dài hàng bao thế kỷ, nên địa bàn cư trú của người Hoa rất rộng. Một số lớn đã bị Việt hóa, số đến muộn (từ thế kỷ thứ XVII đến nay) cư trú thành cộng đồng tập trung ở các thành phố, thị xã, thị trấn... Mặt khác, thành phần của các đoàn lưu dân lại không đồng nhất, cho nên dẫn đến một thực tế là người Hoa hoạt động trong các ngành kinh tế khác nhau và quá trình phân hóa xã hội của họ cũng rất sâu sắc. Cũng do quá trình di cư kéo dài, với những mức độ khác nhau tùy thuộc vào những biến động ở Trung Quốc, đưa đến một kết quả là địa bàn cư trú của người Hoa xen kẽ với các tộc người khác. Tuy có những điểm quần cư trong những thôn xóm, đường phố với mật độ dân số cao, nhưng về cơ bản họ bị xé nhỏ, sống xen kẽ với các cộng đồng dân cư khác. Những đặc điểm về cư trú và dân cư có ảnh hưởng nhiều đến tính chất của những đặc điểm tộc người của người Hoa, cũng như mối quan hệ giữa họ với các cộng đồng tộc người khác cùng sinh sống trên một địa bàn với họ.
Khi di cư sang Việt Nam, có một bộ phận người Hoa đã hòa vào các tộc người khác do quá trình đồng hóa và quá trình hôn nhân hỗn hợp (dị tộc), còn đại bộ phận gắn bó chặt chẽ với nhau tạo thành một cộng đồng dân cư gắn bó chặt chẽ với các tộc người và với đất nước Việt Nam. Dù đã sống nhiều thế hệ hay mới di cư đến trong thời hiện đại, đại bộ phận người Hoa đều coi Việt Nam là Tổ quốc của họ. Chính vì vậy, trong quá trình lịch sử, người Hoa đã góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, được các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam cưu mang, đùm bọc, có cuộc sống ổn định và phát triển trong mối liên hệ hòa hợp dân tộc. Cũng chính trong quá trình đó mà sự phát triển của người Hoa không tách rời với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Vì vậy, sự phát triển đó chịu sự chi phối của những điều kiện lịch sử, kinh tế - xã hội, văn hóa. Một quốc gia đa tộc người như Việt Nam thì những quá trình tộc người liên kết, hợp tác là quá trình chi phối trong điều kiện hiện nay. Và người Hoa cùng với các tộc người khác cư trú ở Việt Nam tham gia vào quá trình đó. Người Hoa ở Việt Nam dù sinh sống lâu đời hay mới di cư đến đều tham gia vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. ở Việt Nam, người Hoa được đối xử bình đẳng như: được tự do hành nghề, tự do cư trú, được đến trường, có báo và trường học bằng tiếng Hoa, có đại diện của mình trong các cơ quan nhà nước (bao gồm cả cơ quan lập pháp và hành pháp). Vai trò lãnh đạo Việt Nam thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng ở người Hoa đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 20% dân số (tư liệu trước năm 1979) là lực lượng quan trọng lãnh đạo quần chúng xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
Trong lịch sử phát triển của mình, Nhà nước Việt Nam đã biết giải quyết những vấn đề dân tộc. Chính vì vậy đã động viên được đông đảo đồng bào các dân tộc người tham gia một cách tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có sự đóng góp của các thế hệ người Hoa.
Đảng Cộng sản Việt Nam, từ khi ra đời đến nay, trung thành với những nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng một cách sáng tạo những nội dung cơ bản về chính sách dân tộc cụ thể của Việt Nam, đã có những chính sách đúng đắn, phù hợp với lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của tộc người Hoa, nên đã động viên được tộc người Hoa đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng hòa bình. Có thể lấy Tp. Hồ Chí Minh làm ví dụ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều cá nhân và tập thể người Hoa đã có những đóng góp tài chính, công sức và hy sinh tính mạng, góp phần vào thắng lợi chung. Ngày nay, khi đất nước đã được hòa bình, trận chiến chống đói nghèo cũng đòi hỏi một nỗ lực lớn không kém những năm chiến tranh. Muốn vượt qua đói nghèo, hòa nhập với thế giới, không có cách nào khác hơn là phải huy động tối đa những tiềm lực còn đang tiềm ẩn trong nhân dân. Một chính sách đúng sẽ khơi dậy được sức mạnh cả dân tộc. Trong sự nghiệp chung đó có sự đóng góp của người Hoa - thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam - cùng với các dân tộc khác trong cộng đồng các tộc người Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
GS.TS Ngô Văn Lệ
(Hiệu trưởng trường Đại học KHXH và NV TPHCM)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.