Chuyện đó đây

Người Hàn Quốc giàu ở tuổi 43, nghèo hơn khi "xế chiều"

Theo TTXVN 27/11/2024 - 12:37

Người dân Hàn Quốc có một chu kỳ tài chính khá điển hình. Cụ thể, một công dân Hàn Quốc trung bình sẽ bắt đầu có dư tiền để tiết kiệm từ năm 28 tuổi, đạt đỉnh ở tuổi 43, và sau đó bắt đầu tiêu tốn nhiều hơn thu nhập khi bước vào tuổi nghỉ hưu.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại Ikseon-dong, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu thống kê chuyển khoản quốc dân năm 2022 do Tổng cục Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 26-11 cho biết, người Hàn Quốc trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) đang có mức tiết kiệm khá cao, đạt thặng dư 143.900 tỷ won.

Tuy nhiên, cả nhóm trẻ em và người cao tuổi lại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính. Cụ thể, nhóm trẻ em từ 0-14 tuổi và nhóm người cao tuổi trên 65 tuổi có mức thâm hụt lần lượt là 176.800 tỷ won và 162.500 tỷ won.

Tổng mức tiêu dùng của người Hàn Quốc năm 2022 đã tăng đáng kể, chủ yếu do sự gia tăng của các khoản chi tiêu cho giáo dục ở giới trẻ và chăm sóc sức khỏe ở người cao tuổi. Đặc biệt, nhóm trong độ tuổi 17 là những người tiêu dùng nhiều nhất, với mức chi tiêu bình quân đầu người lên tới 41,13 triệu won (29.400 USD).

Thu nhập của người lao động Hàn Quốc tăng đều từ năm 17 tuổi và đạt đỉnh ở tuổi 43. Tuy nhiên, sau độ tuổi này, thu nhập có xu hướng giảm dần. Điều này một phần là do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường lao động và sự thay đổi trong cơ cấu dân số của đất nước.

Cụ thể, thu nhập tiền lương bình quân trên đầu người của Hàn Quốc đạt đỉnh ở độ tuổi 43 với 41,62 triệu won và thu nhập từ lao động tự kinh doanh trên đầu người cao nhất ở độ tuổi 50 là 1,69 triệu won.

Tài khoản chuyển khoản quốc dân là chỉ báo sử dụng thông tin về thu nhập và tiêu dùng lao động theo độ tuổi của toàn dân để xác định cơ cấu thặng dư/thâm hụt của các hoạt động kinh tế theo độ tuổi ở cấp độ cá nhân.

Các chuyên gia cho biết, khi tình trạng tỷ lệ sinh thấp và tình trạng lão hóa ngày càng trầm trọng ở Hàn Quốc, cần phải chuẩn bị các chỉ số định lượng về phân bổ và tái phân bổ nguồn lực kinh tế giữa các nhóm tuổi phản ánh những thay đổi trong cơ cấu dân số.

Chính vì thế, năm 2019, lần đầu tiên, Chính phủ Hàn Quốc công bố số liệu thống kê chuyển khoản quốc dân của năm 2016. Lần công bố này là lần thứ 6.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người Hàn Quốc giàu ở tuổi 43, nghèo hơn khi "xế chiều"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.