Sự chật chội của đô thị đã khiến các nghĩa trang không còn chỗ. Hàng ngàn người dân đã tìm đến các công viên nghĩa trang, đưa mộ phần của tổ tiên về đây quy tụ và cũng đồng thời… giữ chỗ cho mình.
Nghĩa trang “bỏ” phố về công viên
Hiện nay tất cả các nghĩa trang Hà Nội đều đã quá tải và không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, bên cạnh đó còn gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan thành phố.
Theo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua, tới đây nhiều nghĩa trang lớn của thành phố sẽ phải đóng cửa.
Cũng theo khảo sát mới đây của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, TP hiện có 6 nghĩa trang tập trung (Yên Kỳ, Vĩnh Hằng, Thanh Tước, Mai Dịch, Văn Điển và Sài Đồng) với tổng diện tích 104ha.
Tuy nhiên, hiện các nghĩa trang mô lớn là Yên Kỳ 1 (38 ha) và Văn Điển (18 ha) đã hết diện tích. Thời gian tới, các nghĩa trang tập trung khác như Mai Dịch, Xuân Đỉnh, Vạn Phúc, Sài Đồng... cũng sẽ bị lấp đầy là tiếp tục đóng cửa. Dự kiến, thành phố phải di dời hơn 287.000 ngôi mộ trong khu vực phát triển đô thị (chiếm 20% số mộ phải di chuyển).
Nhìn thấy trước được nhu cầu của Hà Nội và các TP lớn như TP HCM, Đồng Nai các nhà đầu tư cho công viên vĩnh hằng bắt đầu xuất hiện từ cách đây mấy năm và ngày càng nhiều người tham gia vào thị trường này.
Nếu trong phía Nam, nổi bật là An Viên Vĩnh Hằng (tọa lạc tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) thì ngoài Bắc có Lạc Hồng Viên (tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) và Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên (tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) là 2 công viên vĩnh hằng lớn nhất.
Hầu hết các dự án đều có được quy hoạch ổn định, sử dụng đất đai lâu dài nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm khi mua phần đất mộ táng. Mua đất trong công viên nghĩa trang cũng giống như việc mua nhà.
Đón đầu xu thế văn minh
Có thể nói, Lạc Hồng Viên là một trong những dự án được khởi động sớm nhất, từ năm 2009 tại mảnh đất Hòa Bình với lợi thế giáp thủ đô, sơn thủy hữu tình. Lạc Hồng Viên tọa lạc trên khuôn viên 9 quả đồi rộng 98 ha tại huyện Kỳ Sơn – tỉnh Hòa Bình, cách trung tâm Hà Nội 52 km với vị trí được coi là đắc địa, Sơn Thủy hữu tình.
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu, chủ đầu tư dự án Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên cho rằng, việc tạo ra một nơi an nghỉ sạch đẹp cho người đã khuất là nhu cầu thiết thực cũng như xu hướng của thị trường.
Một dự án khởi động muộn hơn song đã tạo ra những lợi thế do rút được nhiều kinh nghiệm của đơn vị đi trước là Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên. Ông Nguyễn Thanh Thông, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng Thiên Đức chia sẻ: “Tôi đã được tham quan các mô hình công viên nghĩa trang trên thế giới quyết định áp dụng mô hình tại VN”.
“Chúng tôi đã đi tham quan, nghiên cứu, học hỏi các công viên nghĩa trang lớn nhất tại các nước, đồng thời nhờ sự tham vấn của các chuyên gia hàng đầu thế giới để xây dựng nên Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên. Đi sau, tiếp thu người đi trước, chúng tôi có lợi thế về giá so với các nghĩa trang khác”-vẫn ông Nguyễn Thanh Thông cho hay.
Công viên vĩnh hằng này lựa chọn xây dựng tại Phú Thọ vì đây là vùng đất gắn liền với nhiều truyền thuyết về Long Mạch. Các khu mộ phần được bố trí khoa học trên 9 ngọn đơi tự nhiên mang phong thủy độc đáo và đa dạng. Dự án này càng thuận lợi hơn do tuyến giao thông Hà Nội - Lào Cai sắp đi vào hoàn thành. Từ Hà Nội về Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên chỉ hơn 30 phút.
\
Nếu Lạc Hồng Viên chú trọng vào quy mô, số lượng mộ táng thì Thiên Đức lại bao bọc bởi thiên nhiên nhiều hơn, hướng tới không gian sinh thái. Lợi thế về cây xanh bao phủ các ngọn đồi, hồ nước tự nhiên lớn chảy quanh, bước vào Thiên Đức người ta không có cảm giác vào nghĩa trang mà là vào một công viên thực sự.
Đến nay, lượng khách đến đặt chỗ tại các công viên vĩnh hằng ngày càng tăng hơn. Có một thực tế, không ít người Hà Nội nhanh chân đăng ký sớm để giữ “chỗ đẹp”. Đã có không ít khách sẵn sàng bỏ ra từ vài chục tới vài trăm để lo việc hậu sự cho cả dòng họ về sau. Việc di dời mộ phần từ các nghĩa địa cũ nát của thành phố về công viên vĩnh hằng đã trở thành một làn sóng ở Thủ đô.
Hầu hết các công viên vĩnh hằng đều áp dụng các công nghệ mới nhằm đảm bảo yếu tố an toàn về môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Tất cả nhằm tạo cảm giác yên tâm của khách hàng khi thấy người thân đã khuất của mình được ở nơi bồng lai, tiên cảnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.