(HNM) - Các đội cồng chiêng 7 xã miền núi của huyện Ba Vì đã quen với hình ảnh của ông Đinh Công Yên ở xã Yên Bài (Ba Vì) đến truyền đạt những kỹ thuật đánh cồng chiêng của đồng bào Mường. Năm nay ngoài 70 tuổi, ông Yên biết đánh chiêng từ năm 15-16 tuổi do cha mẹ ông truyền lại.
Từ sự hiểu biết của mình, ông đã đi vận động những người còn đam mê với cồng chiêng thành lập đội cồng chiêng của xã Yên Bài. Tập cồng chiêng mất thời gian và vất vả, nhưng nhờ sự động viên nhiệt tình của ông và cũng không muốn mất đi bản sắc văn hóa quý giá của dân tộc mình nên nhiều người đã tự nguyện tham gia tập luyện. Dần dà, đội cồng chiêng của xã Yên Bài đã được khôi phục, gồm 12 người đánh chiêng kết hợp với 10 người múa. Không những tâm huyết truyền dạy những kỹ thuật cho đội cồng chiêng, ông còn rất chú trọng đến nét bản sắc văn hóa Mường ngay từ khâu trang phục. Khi trình diễn, đội chiêng phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mường, đi guốc mộc y như xưa. Ông Yên còn sáng tác các bài hát để biểu diễn phối hợp với cồng chiêng. Hiện nay ông đã soạn lời được 5 bài, dùng các làn điệu dân ca để ca ngợi cuộc sống. Ngoài ra ông còn khôi phục các điệu múa dân gian để trình diễn cùng với cồng chiêng.
Nhờ tâm huyết của ông Đinh Công Yên mà nhiều năm nay, vào dịp lễ tết của dân tộc Mường, xã Yên Bài đều có chương trình biểu diễn cồng chiêng, làm cho đồng bào nơi đây thêm tự hào về bản sắc dân tộc mình. Với kết quả đạt được, Phòng Dân tộc huyện Ba Vì đã mời ông Yên tham gia với vai trò làm hạt nhân cho việc bảo tồn cồng chiêng của dân tộc Mường trên địa bàn 7 xã miền núi của huyện từ nay đến năm 2015. Có thể nói, bằng lòng đam mê của mình, ông Yên đang là nhân tố tích cực trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc Mường tại các xã miền núi của huyện Ba Vì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.